TS Iola Lenzi:

Nghệ thuật đương đại Việt Nam luôn là mối quan tâm lớn của tôi

Năm 2020, bà Iola Lenzi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về Nghệ thuật đương đại ở Hà Nội thập niên 90 của thế kỷ trước. Nhân chuyến trở lại Hà Nội mới đây, bà đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi về nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Bà Iola Lenzi (bên trái) và Phan Thảo Nguyên trong một tour triển lãm giới thiệu nghệ thuật đương đại Đông Nam Á qua Indonesia, Thái Lan và Việt Nam (2015-2016). Ảnh: NVCC
Bà Iola Lenzi (bên trái) và Phan Thảo Nguyên trong một tour triển lãm giới thiệu nghệ thuật đương đại Đông Nam Á qua Indonesia, Thái Lan và Việt Nam (2015-2016). Ảnh: NVCC

Nghệ thuật đương đại là lời hồi đáp của nghệ sĩ tới thực tại xã hội

- Tôi muốn được bắt đầu câu chuyện từ quan niệm của bà về nghệ thuật đương đại: tính đương đại trong mỹ thuật khác gì với tính hiện đại để từ đó, soi chiếu lại lịch sử của nghệ thuật đương đại ở Việt Nam?

- Nghệ thuật đương đại là để người sáng tạo bày tỏ quan điểm, suy nghĩ về thế giới hiện hữu này. Nói cách khác, nghệ thuật đương đại được sinh ra từ tình thế (xã hội) cụ thể, nên nó là lời hồi đáp của nghệ sĩ tới thực tại xã hội.

Người ta có thể sử dụng nghệ thuật dân gian như một công cụ. Người ta có thể thưởng lãm nghệ thuật hiện đại như một cái gì đó đã hoàn thiện, không thể tác động thêm, như ngắm nhìn một thực thể cách biệt, không thể chạm vào... thì với một tác phẩm nghệ thuật đương đại, người ta hoàn toàn có thể dự phần vào nó, cùng nghệ sĩ hoàn thiện nó và cùng họ gửi lời hồi đáp đến thực tại xã hội thông qua việc tham dự vào các thảo luận mở của tác phẩm, hoặc trả lời câu hỏi/nhiều câu hỏi về thời cuộc do tác phẩm đặt ra. Đây chính là chức năng của nghệ thuật đương đại.

- Chứ không phải chỉ là những hình thức mới ngoài giá vẽ hay nặn tượng như nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật đa phương tiện?

- Chúng ta phải thận trọng với nhận định về hình thức và chất liệu của nghệ thuật đương đại. Nghệ thuật đương đại không phải là về chất liệu hay hình thức mới mà chính là về chức năng của nó, từ đó sẽ có ngôn ngữ, chất liệu tương ứng. Vì thế, chúng ta có hội họa hiện đại thì cũng có hội họa đương đại và cũng có thể có sáng tác video art nhưng không hề "đương đại" cho dù mang hình thức mới.

Nghệ thuật đương đại Việt Nam có vị trí quan trọng trong ASEAN

- Ở trên, bà có đề cập tới điều kiện xuất hiện của nghệ thuật đương đại. Bà có thể phân tích cụ thể hơn về sự xuất hiện của nghệ thuật đương đại ở Hà Nội từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước?

- Kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới, đất nước các bạn nhanh chóng chuyển từ một nền kinh tế bao cấp sang mở cửa. Trong vòng chưa đến 10 năm, những yếu tố của kinh tế thị trường, chủ nghĩa tiêu dùng, nhãn hàng, thương hiệu toàn cầu đã hiện diện khắp nơi, chi phối mạnh mẽ mọi khía cạnh trong quan hệ người-người, con người-xã hội và con người với chính mình. Trong bối cảnh đời sống đang sục sôi chuyển động ấy, ai đó còn có thể yên chí mà ngồi vẽ tĩnh vật, với nải chuối trên đĩa, bông hoa trong vườn? Tôi nói vậy không có ý phê phán những họa sĩ vẫn chọn dòng hội họa hiện đại nhưng rõ ràng là trong hoàn cảnh xã hội mà phần cốt lõi là nền kinh tế đã chuyển hướng, có những nghệ sĩ thấy không thể vẽ đơn thuần nữa, họ cần phát minh ra những ngôn ngữ mới để bày tỏ thái độ và thẩm mỹ của mình về thời đại mà họ đang sống.

Chính vì vậy, tôi muốn khẳng định: không cần phải mang mẫu hình nào từ Nhật Bản hay Âu, Mỹ về đây để làm nghệ thuật đương đại; có những nghệ sĩ ở Hà Nội, không đi đâu ra khỏi biên giới nước mình mà vẫn thực hành nghệ thuật đương đại đúng nghĩa bởi họ có ngôn ngữ, chất liệu để hồi đáp điều kiện văn hóa xã hội đương thời của đất nước thông qua sự sáng tạo. Tôi đã được xem sáng tác hội họa từ trước năm 1995 của một số sinh viên, giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, hay những tranh vẽ của Vũ Dân Tân từ những năm 70 của thế kỷ trước. Ở đó, họ đã phá vỡ mọi tiêu chuẩn, quy ước của mỹ thuật hiện đại, đặt ra những câu hỏi, nghi vấn, mời gọi người xem thảo luận, đặt tên bức tranh... Chúng chứa đựng những ý niệm bao quát, đánh thức dự cảm về xã hội loài người ở thì tương lai, mà với khán giả thuộc nhiều hơn một thế hệ hay nơi chốn, nó vẫn có thể đặt ra các câu hỏi cho họ về một điều gì đó thuộc vào đời sống đang diễn ra, sẽ diễn ra, mà họ cần trả lời.

- Trải theo thời gian và sự đổi thay, bà có thể đưa ra một nhận định khái quát về thực tiễn và hy vọng vào tương lai của nghệ thuật đương đại Việt Nam?

- Bên cạnh công việc giảng dạy, tôi còn làm giám tuyển về nghệ thuật đương đại Đông Nam Á theo đề nghị hợp tác của nhiều bảo tàng, gallery và trung tâm nghệ thuật đương đại ở châu Âu và ASEAN nên tôi cần tìm hiểu về sự tiếp nối thế hệ của tất cả các nền nghệ thuật trong khu vực. Riêng ở Việt Nam, tôi đã tiếp xúc với ít nhất là ba thế hệ nghệ sĩ đương đại của các bạn rồi đấy, tìm hiểu, nghiên cứu tác phẩm của họ rồi mời họ tham gia những triển lãm của tôi. Thế hệ hiện tại có thể kể đến Lương Huệ Trinh, Phan Thảo Nguyên, từng đã hợp tác với tôi từ 5-7 năm trước, trong các triển lãm lớn về nghệ thuật đương đại Đông Nam Á do tôi làm giám tuyển. Họ là những người trẻ, và khi tôi tìm đến họ thì họ còn trẻ hơn bây giờ nữa (cười) nhưng danh tiếng đã sớm ở tầm quốc tế. Thí dụ: Phan Thảo Nguyên là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên có triển lãm cá nhân do Tate St.Ives thuộc hệ thống Tate gallery danh giá của Anh tổ chức (ngày 5/2 đến 2/5/2022); cô ấy cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam tại Venice Biennale 2022, Liên hoan nghệ thuật đương đại lớn nhất và lâu đời nhất thế giới.

Tôi vẫn nói với sinh viên của tôi, kể cả những người đang học bậc thạc sĩ, rằng, nghệ thuật đương đại Việt Nam là một trường hợp nghiên cứu chủ chốt trong khu vực Đông Nam Á.

- Chân thành cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

TS Iola Lenzi là giảng viên về lịch sử nghệ thuật đương đại Đông Nam Á tại Trường đại học công nghệ Nanyang (Nanyang Technological University, Singapore).

Luận án tiến sĩ về Nghệ thuật đương đại ở Hà Nội thập niên 90 của Iola Lenzi, được đánh giá "xuất sắc", là kết quả của 5 năm đào sâu nghiên cứu, viết và hoàn thiện cùng với hơn 20 năm quan tâm, tìm hiểu về nghệ thuật đương đại Đông Nam Á. Bà hy vọng sớm xuất bản công trình này bằng tiếng Việt, ở Việt Nam; và tiếp tục cùng các thế hệ nghệ sĩ lĩnh vực này thảo luận sâu rộng hơn nữa về nhiều vấn đề quan trọng trong đời sống nghệ thuật đương đại Việt Nam hôm qua, hôm nay và tương lai.