Nghệ sĩ Ðào Tố Loan: Với opera, tôi chỉ có một trái tim

Sở hữu nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước, nhưng có lẽ, với nghệ sĩ opera Ðào Tố Loan (ảnh nhỏ) điều quan trọng hơn cả là tình yêu mà chị dành cho opera. Chị nói, sẽ sống chết với nghệ thuật này đến hơi thở cuối cùng.

"Giá trị cuối cùng của âm nhạc không đến từ kỹ thuật, mà từ cảm xúc".
"Giá trị cuối cùng của âm nhạc không đến từ kỹ thuật, mà từ cảm xúc".
Nghệ sĩ Ðào Tố Loan: Với opera, tôi chỉ có một trái tim -0
 

Chạm tay tới những giấc mơ xa xôi

- Trong những ngày các hoạt động nghệ thuật biểu diễn bị tác động không nhỏ bởi dịch Covid-19 và gần như đình trệ, có vẻ như Tố Loan vẫn không ngừng sáng tạo và ấp ủ những dự án?

- Thực tế, tôi đã lên kế hoạch cho một concert nhỏ ở phòng hòa nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia, nhưng mọi việc đều bị đình trệ do dịch bệnh. Ðó cũng là dự án dài hơi của tôi để đưa opera đến gần hơn với công chúng trong thời gian tới. Vì dự án lớn bị đình trệ nên tôi thực hiện một dự án nho nhỏ, làm mới lại một số ca khúc quen thuộc về quê hương đất nước và sáng tác thêm một số ca khúc mới. Tôi sẽ biểu diễn lối hát nhẹ nhàng, tình cảm chứ không dùng nhiều kỹ thuật để tiếp cận gần hơn với khán giả.

- Còn dự án nhạc kịch broadway "Những người khốn khổ" của Nhà hát Nhạc vũ kịch thì sao?

- Tôi rất hào hứng với vở nhạc kịch này. Tôi vào vai Codet, một cô gái sinh ra từ hoàn cảnh nghèo khổ và khó khăn. Với ê-kíp sáng tạo do NSƯT Trần Ly Ly làm tổng đạo diễn, chắc chắn vở diễn sẽ mang lại cho khán giả nhiều cảm xúc thú vị. Vở kịch được trình diễn theo thể loại nhạc kịch broadway, nghệ sĩ vừa hát vừa nhảy, rất thăng hoa. Tôi cho rằng, đó là cách đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng, bởi nếu chỉ opera thì rất khó vì nó xa cách quá, công chúng chưa cảm nhận được hết.

- Tôi tò mò tự hỏi, một cô gái đến từ vùng quê Thái Nguyên, có một tuổi thơ lam lũ, nghèo khó đã tiếp cận với opera như thế nào?

- Tôi sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở Thái Nguyên, đơn thương độc mã đến với âm nhạc. Với opera tôi chỉ có một trái tim, một trái tim không bao giờ ngừng đập. Tôi không bao giờ nghĩ rằng, một cô bé sinh ra từ ruộng đồng, chân lấm tay bùn, làm thuê đủ việc để kiếm sống một ngày nào đó lại được đứng trên sân khấu hát thể loại âm nhạc sang trọng này. Từ nhỏ, tôi đã ước mơ được đi xa khỏi lũy tre làng, chạm tay tới những giấc mơ xa xôi hơn. Và mọi thứ đến như một cơ duyên. Tôi gặp chồng tôi, anh đã động viên tôi hát vì biết tôi có khả năng, anh còn dẫn tôi đến gặp cô giáo Ngọc Lan xin học hát. Âm nhạc, cứ thế ngấm vào tôi từ ngày đó. Tôi thi vào Nhạc viện và chọn dòng nhạc thính phòng. Càng hát, tôi càng bị thứ âm nhạc quyến rũ và sang trọng ấy hấp dẫn, giờ thì nó như là máu thịt của tôi rồi.

- Năm 2011, chị dành giải Nhất cuộc thi Sao mai dòng nhạc thính phòng và có vẻ như con đường của chị bắt đầu từ đó?

- Lúc đó mọi thứ đối với tôi mới chỉ là sự khởi đầu. Tôi chỉ là sinh viên và lần đầu tiên bước lên sân khấu lớn để thi. Ngày đó nghèo lắm, phải mượn váy của các bạn để đi thi. Thế rồi, có một cô trong ban tổ chức đã giúp đỡ, tặng cho tôi hai bộ váy. Và tôi đã giành giải trong cuộc thi đáng nhớ đó. Tôi nhớ mãi câu nói của bà giáo dạy tôi ở Na Uy rằng, con người đừng bao giờ quên mình sinh ra ở đâu, mình lớn lên ở đâu và ai là người sinh ra mình. Tôi luôn ghi nhớ điều đó.

- Từ giải thưởng đầu tiên đó, cho đến nay, chị đã chinh phục khá nhiều giải thưởng trong khu vực, từng ra nước ngoài tu nghiệp. Có thể nói, chị đã góp phần đưa opera Việt Nam ra đấu trường khu vực cùng với Khánh Ngọc, Ninh Ðức Hoàng Long. Vậy, điều gì giúp chị chinh phục được những tai nghe khó tính, có chuyên môn cao như vậy?

- Sau giải Sao Mai, tôi nhận được nhiều lời mời biểu diễn hơn, có nhiều cơ hội đứng trên sân khấu. Với nghệ sĩ, đó là hạnh phúc, được hát cho khán giả nghe. Tôi may mắn nhận được học bổng sang Ðức học năm tháng. Sau đợt tập huấn ở Nhà hát Opera Oslo (Na Uy), họ tổ chức một buổi biểu diễn nhỏ ở sảnh nhà hát và tôi được bình chọn là ca sĩ yêu thích nhất. Khoản tiền thưởng 2.000 USD rất lớn đối với tôi, tôi đã dùng mua nhiều sách về Việt Nam để học và dạy học sinh. Năm 2018, tôi giành giải nhất cuộc thi opera tại Singapore.

Tôi nghĩ rằng, nếu so về kỹ thuật thì các nghệ sĩ Việt Nam còn thua bạn bè khu vực. Nhưng có một giám khảo chia sẻ rằng, tôi đã chinh phục họ bằng trái tim, sự rung động trong từng lời ca tiếng hát. Gần đây nhất, trong cuộc thi ở Singapore, bà giáo nhận xét rằng tôi đã chạm vào trái tim bà khi tôi hát nhập vai nhân vật trong "Trà hoa nữ". Giá trị cuối cùng của âm nhạc không đến từ kỹ thuật mà từ cảm xúc. Hiện tại tôi thấy mình rất nhỏ bé, nhưng không phải vì thế mà không dám đứng lên, vươn ra thế giới. Tôi nghĩ, chúng ta nên tự tin vào bản thân và giới thiệu cho mọi người biết opera Việt Nam đang phát triển. Nỗ lực từng bước tôi tin sẽ có ngày chúng ta gặt hái được những quả ngọt.

Lựa chọn một con đường

- Ðào Tố Loan định hình một con đường khá rõ nét, đó là theo đuổi nghệ thuật hát opera với những vở kịch opera và những trích đoạn aria. Ðó lại không phải là lợi thế của người Việt, chị có gặp nhiều khó khăn không?

- Thực tế, hát opera không phải là lợi thế của người Việt vốn vóc dáng bé nhỏ, khẩu hình không rộng, sức khỏe cũng hạn chế. Nhưng tôi nghĩ, tất cả những điều đó có thể được khắc phục bằng tình yêu, đam mê và sự khổ luyện. Tôi tự học ngoại ngữ, tập thể thao nâng cao sức khỏe và không ngừng luyện hát mỗi ngày. Còn nhớ, lần tôi tham dự cuộc thi ở Singapore, con tôi mới được năm tháng, hằng ngày tôi vừa bế con vừa tập hát. Hát mọi nơi, mọi lúc có thể. Tôi vẫn chăm con, biểu diễn, dạy học và làm việc ở Nhà hát Nhạc vũ kịch. Tôi không thể sống mà không được hát.

- Ðam mê, cống hiến và không ngừng khổ luyện để theo đuổi con đường của mình, thế nhưng ở Việt Nam, cái tên Ðào Tố Loan vẫn khá lặng lẽ, chị có chạnh lòng?

- Có lẽ đó là câu chuyện của các nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc này chứ không chỉ là của riêng cá nhân tôi. Theo đuổi dòng nhạc này ngoài tình yêu, đam mê còn một yếu tố rất quan trọng là sự dũng cảm và kiên định. Bởi con đường đó rất dài và không sớm nổi tiếng như nhạc nhẹ hay các dòng nhạc khác. Tôi xác định điều này từ đầu nên không chạnh lòng. Nghệ thuật đa màu sắc, mỗi người chúng ta đều có một trái tim, cảm nhận, suy nghĩ riêng của mình. Mỗi người lựa chọn một con đường sẽ làm nên bức tranh đa sắc màu cho đời sống âm nhạc Việt Nam. Ðiều quan trọng là làm thế nào để đưa opera đến gần hơn với công chúng, đi vào đời sống một cách tự nhiên nhất.

- Chị có kế hoạch gì trong thời gian tới?

- Tôi vẫn muốn làm một chương trình riêng của mình, với quy mô vừa vặn tại phòng hòa nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia để từng bước tiếp cận công chúng. Ngoài ra, tôi mở một trung tâm âm nhạc riêng của mình. Trung tâm âm nhạc sẽ dạy cho trẻ em và dạy piano, qua đó phát hiện những tài năng để nuôi dưỡng nếu các em yêu thích opera. Bên cạnh đó tôi cũng muốn dạy thêm ngoại ngữ cho ca sĩ. Tôi muốn truyền tình yêu cho lớp trẻ và lắng nghe học sinh của mình. Mỗi bạn sẽ có một thiên hướng và ngã rẽ khác nhau, bạn hát nhạc thị trường, bạn hát dân ca, bạn thích pop… Nếu có một học sinh đam mê thì tôi sẽ là người truyền lửa và dẫn dắt các em tới nơi tới chốn. Tôi mong và hy vọng học sinh của mình sẽ đam mê và đạt được những kết quả tốt hơn tôi.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của chị.