PGS,TS Nguyễn Đức Lộc:

Mong muốn đánh thức thành phố di sản

Dành nhiều thời gian nghiên cứu về các vấn đề trong xã hội đương đại Việt Nam, PGS,TS Nguyễn Đức Lộc (ảnh bên) - Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội (Viện Social Life), cùng các cộng sự của mình đã công bố nhiều dự án liên quan đến di sản, văn hóa. Sau dự án “Sài Gòn: Gìn vàng - giữ ngọc”, mới đây, anh tiếp tục giới thiệu dự án “Museum-Book”, kết hợp giữa sách và bảo tàng với kỳ vọng sẽ mang đến sự thay đổi cho hoạt động bảo tàng hiện nay.

Mong muốn đánh thức thành phố di sản

Các bảo tàng phải biết cách kể chuyện

- Xin chào PGS,TS Nguyễn Đức Lộc, anh có thể giới thiệu rõ hơn về dự án “Museum-Book”?

- Hơn chín năm trước, chúng tôi ra mắt dự án “Bảo tàng ký ức xã hội” (baotang.kyucxahoi.com). Đó cũng chính là khởi điểm của Viện Social Life sau này. Trong quá trình thực hiện, tôi và cộng sự cố gắng cầm cự, cân đối về tài chính; đến nay nó vẫn duy trì dù không phát triển. Đó giống như một cam kết xã hội mà chúng tôi phải làm. Dịp này chúng tôi được tiếp xúc với các chuyên gia Trường đại học Nottingham với đề nghị hợp tác triển khai dự án “Museum-Book”.

Hiện tại, dự án đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất nhiều từ cộng đồng trong nước và các chuyên gia nước ngoài ở Anh, Malaysia; họ cam kết hỗ trợ và đồng hành với chúng tôi. Ngoài việc giới thiệu một cách hệ thống các bảo tàng tại TP Hồ Chí Minh, dự án còn mang đến những câu chuyện về hiện vật, di sản, cộng đồng… Chúng tôi hướng đến việc công bố những ấn phẩm song ngữ Việt - Anh, đẹp, sang trọng để mọi người làm quà tặng hay trưng trong nhà thành bộ sưu tập. Dự kiến tháng 9 này chúng tôi sẽ ra mắt cùng lúc bốn tập đầu tiên, mỗi tập khoảng hơn 150 trang.

- “Bảo tàng ký ức xã hội” được anh và cộng sự ấp ủ trong thời gian dài nhưng rồi phải hoạt động cầm chừng. Tính khả thi của “Museum-Book” lần này sẽ ra sao?

- Vừa rồi chúng tôi có cuộc họp với các bên liên quan triển khai để khởi động dự án và chúng tôi nhận thấy sự quyết liệt đổi mới của các bảo tàng tại TP Hồ Chí Minh. Bởi cho đến nay, các bảo tàng tại TP Hồ Chí Minh đang lưu giữ các bảo vật quốc gia như trường hợp Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là nơi lưu giữ 12 bảo vật quốc gia nhưng ít người biết đến. Với dự án lần này, chúng tôi mong muốn kể cho du khách quốc tế và các em học sinh trong nước câu chuyện đằng sau các hiện vật, nhằm thúc đẩy họ đến bảo tàng, qua đó biết trân quý những hiện vật, di sản trong đời sống xã hội. Trước đây, tôi cam kết và bị chững lại vì không có điều kiện và nguồn lực, còn bây giờ tình hình đã khác. Từ dữ liệu đã có, chúng tôi sẽ viết thành những câu chuyện, ra những ấn phẩm giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.

- Theo anh, dự án này sẽ tạo nên những tác động như thế nào đến cộng đồng?

- Thật ra công việc này không phải mới, mà thế giới đã làm rồi. Bảo tàng là nơi lưu trữ lịch sử của một quốc gia, một cộng đồng; đồng thời cũng là lớp học cho học sinh, hay người dân cũng có thể vào đó để hồi tưởng quá khứ của một vùng đất. Trong xu hướng ngày nay, bảo tàng cũng tạo ra sự tương tác, không còn là nơi trưng bày hiện vật đơn thuần, khô cứng.

Tôi cho rằng, bảo tàng phải biết tự làm mới mình. Điều quan trọng là phải biết kể những câu chuyện gắn liền với các hiện vật trong bảo tàng. Nếu vào một bảo tàng nào đó trong nước, sẽ chỉ gặp những bảng mô tả sơ sài các hiện vật, muốn hiểu thêm phải qua người thuyết minh hoặc nghe qua băng thu âm sẵn. Chúng tôi muốn cung cấp một cuốn sách, dung lượng câu chuyện được dài hơn, tường tận gốc tích hơn về các hiện vật, du khách sẽ đọc và tự tìm hiểu sâu hơn. Bởi thực tế, hiện vật phải gắn với cộng đồng, với con người thì người ta mới hiểu, mới quý.

Ngoài ra, bảo tàng còn gắn bó với di sản và du lịch. Một trong những thói quen của du khách nước ngoài khi đến một vùng đất, là họ thường vào bảo tàng để tìm hiểu về lịch sử của vùng đất đó. Nhưng thực tế hiện nay, một số bảo tàng vé vào cửa thấp, chỉ có mấy nghìn đồng nhưng rất ít người vào. Trong khi mình lưu trữ rất nhiều cổ vật quý giá nhưng mình không biết kể câu chuyện của cổ vật với những thông điệp tích cực. Nếu các bảo tàng biết cách làm giống như Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, thì tôi tin rằng những người làm bảo tàng sẽ sống rất thoải mái, không phải trông chờ ở ngân sách nhà nước.

- Có thể thấy, anh đang đặt kỳ vọng khá lớn vào dự án lần này?

- Chúng tôi hy vọng góp nhiều góc nhìn và bắt đầu thay đổi dần dần; bản thân các bảo tàng cũng đang có nhu cầu thay đổi. Mình phải có nhiều mô hình, giải pháp để các bên liên quan cùng tham gia. Trước đây bảo tàng đã quen với tư duy tổ chức triển lãm trưng bày; bây giờ có các chuyên gia từ nước ngoài sẵn sàng tham gia cùng với mình. Các bên đều có một tiếng nói chung để thúc đẩy.

Theo tôi, TP Hồ Chí Minh phải trở thành Thành phố di sản. Thực tế, đô thị này đã là Thành phố di sản rồi nhưng chúng ta đã bỏ phí, khiến thành phố bị ngủ quên; giờ đây chúng tôi kỳ vọng đánh thức tiềm năng này. Trong các văn bản của thành phố, chưa bao giờ có khái niệm Thành phố di sản, mà thay vào đó là khái niệm thành phố văn minh, hay thành phố nghĩa tình thì rất nhiều. Khi thảo luận với một số lãnh đạo trong các sở, ban, ngành, họ cũng có nhận thức chung giống chúng tôi. Chúng ta có thể nhìn sang và học tập thành phố Penang của Malaysia. Rõ ràng, so về tài nguyên di sản thì họ thua xa một số thành phố ở nước mình nhưng họ vẫn trở thành Thành phố di sản, và được mệnh danh là “bếp ăn” của thế giới.

Mong muốn đánh thức thành phố di sản ảnh 1

Vẻ đẹp kiến trúc Pháp của Nhà thờ Đức Bà tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Mất ký ức tập thể, cộng đồng không còn giá trị

- Bảo tồn di sản trong bối cảnh phát triển kinh tế cũng là một vấn đề gây nhức nhối hiện nay của TP Hồ Chí Minh. Thực tế, có một số di sản đã biến mất, thay vào đó là những trung tâm thương mại, những tòa nhà cao tầng…

- Đây là một trong những biểu hiện của sự đứt gãy, mất ký ức tập thể. Một cộng đồng để mất ký ức tập thể, cộng đồng đó không còn giá trị. Chẳng hạn như Ba Son, đã mất dấu hoàn toàn và giờ trở thành trung tâm thương mại. Một di sản gắn liền với một vùng đất bị biến mất, hệ quả là thế hệ sau sẽ không còn biết đến di sản này nữa. Cho dù có đọc sách lịch sử họ cũng khó mà kết nối được. Hệ lụy của việc đứt gãy, mất ký ức tập thể về mặt xã hội thì nhiều lắm, khó có thể đo lường.

- Trong một lần đến Việt Nam, Jan Gehl - giáo sư người Đan Mạch, tác giả cuốn sách “Đô thị vị nhân sinh” cho rằng, tất cả các đô thị ra đời và phát triển đều vì con người và đặt con người lên hàng đầu. Tuy nhiên, việc bảo tồn di sản cũng vì con người mà việc phát triển kinh tế cũng vì con người. Anh nghĩ gì về bài toán này?

- Bài toán phát triển luôn có nhiều lựa chọn, mục tiêu; quan trọng là chúng ta chọn mục tiêu như thế nào. Nếu chọn mục tiêu phát triển đô thị, kinh doanh thương mại hay một mục tiêu khác về kinh tế nhưng hài hòa với không gian, với các yếu tố khác vẫn phát triển kinh tế được. Giữa tòa nhà năm tầng với một ngôi biệt thự cổ, không thể nói cái nào hơn cái nào, mà cốt yếu ở cách mình sử dụng nó với mục đích gì. Có nhiều cách để phát triển, đâu phải chỉ có một con đường duy nhất. Lúc đó, bắt buộc mình phải lựa chọn con đường phát triển. Cuối cùng trả lời được câu hỏi: Phát triển như vậy để làm gì, cho ai? Khi mình phát triển kinh tế mà gây ra hiệu ứng nhà kính, tăng lượng khí thải nhiều, con người ốm đau nhiều hơn; thì sự phát triển đó có ý nghĩa nữa không? Mình phải có sự phản tư, đặt lại vấn đề như vậy.

- Cảm ơn những chia sẻ của anh.