Nhà văn Lê Phương Liên:

Lịch sử dân tộc vẫn luôn vẫy gọi những người cầm bút

Cuốn tiểu thuyết dã sử đầu tay trong sự nghiệp 50 năm cầm bút của nhà văn Lê Phương Liên (ảnh nhỏ) - “Nữ sĩ thời gió bụi” - đã nhận được sự quan tâm lớn từ bạn đọc. Trò chuyện với nhà văn trong thời kỳ giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, có thể nhận ra, bà vẫn đang vun vén cái đạo viết của mình, mỗi ngày. Rằng, mọi sáng tạo, đều được khởi đi và không xa rời cội rễ văn hóa của dân tộc.

Các em thiếu nhi say sưa đọc sách tại Nhà sách Fahasa TP Ðà Nẵng. Ảnh: Quỳnh Trang
Các em thiếu nhi say sưa đọc sách tại Nhà sách Fahasa TP Ðà Nẵng. Ảnh: Quỳnh Trang
Lịch sử dân tộc vẫn luôn vẫy gọi những người cầm bút -0
 

Tiểu thuyết lịch sử là một phần của văn học thiếu nhi

- Ở tuổi 70, thử sức với một thể loại hoàn toàn mới mẻ là tiểu thuyết dã sử về tác gia Ðoàn Thị Ðiểm, bà có đang tự làm khó mình hay không?

- Cuốn “Nữ sĩ thời gió bụi” được bắt đầu từ gợi ý của dân làng Phú Xá (nay thuộc Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) - nơi đặt phần mộ của bà Ðoàn Thị Ðiểm và chồng bà - Tiến sĩ Nguyễn Kiều. Lúc đó, tôi cũng phân vân: 69, 70 tuổi rồi, tôi còn làm được gì nữa? Thú thực, tôi cảm thấy không dễ dàng để bật lên được một điều gì đó mới mẻ với chính bản thân mình. Nhưng đồng thời, trong thâm tâm, tôi cũng muốn làm một điều gì đó khác.

- Khi đặt bút viết những dòng đầu tiên của cuốn tiểu thuyết này, tinh thần mà nhà văn hướng đến là gì?

- Vừa chuẩn mực ngày xưa vừa phù hợp ngày nay. Làm sao để người bây giờ đọc vẫn hiểu và đồng cảm được. Tôi không muốn đưa bạn đọc vào một thư tịch cũ. Thực ra, trước “Nữ sĩ thời gió bụi”, qua một số truyện ngắn của tôi như “Hẹn hò ở phố hoa”, “Chim Lạc Việt trở về”…, tôi đã làm công việc đó rồi. Tôi muốn làm một chiếc cầu nối giữa con người hiện đại với quá khứ. Tôi luôn tâm niệm một điều: Một nền văn học nên có chiều sâu của văn hóa dân tộc. Chiều sâu đó không chỉ được bắt đầu từ thế kỷ 20 mà từ trầm tích hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm trước đó. Dù không biết Hán - Nôm nhưng thường đọc sách văn học cổ, tôi nhận ra, văn học giai đoạn đó cho đến nay vẫn còn giá trị và nhiều hấp dẫn. Tôi có nguyện vọng muốn chuyển tải cái hay đó đến lớp bạn đọc hiện đại hôm nay.

- Bà đã viết tác phẩm này trong trạng thái như thế nào?

- Tôi hăng hái ngồi bên bàn phím, viết đêm viết ngày, viết bất cứ lúc nào rảnh. Có lúc, viết như nhập đồng, như bà Ðoàn Thị Ðiểm dựng dậy viết. Lần đầu tiên thử sức sáng tác tiểu thuyết dã sử thật là gian nan. Tôi gặp khó khăn khi bắt đầu câu chuyện; về sau nhập vai rồi, càng viết càng thấm vào nhân vật nhiều hơn.

- Ngày cuối cùng viết xong bản thảo, khi gấp lại, cảm giác của bà ra sao?

- Sau Hội sách mùa xuân năm 2018, tôi bắt đầu ngay việc khởi thảo cuốn tiểu thuyết này. Từ mùa hè sang mùa thu năm đó, viết được từng trang, từng đoạn, từng chương nào, tôi lại gửi email cho giáo sư Thái Kim Lan, nhà văn Tô Hải Vân đọc và góp ý. Tôi sửa chữa bản thảo lần cuối cùng vào cuối năm 2019 - thời điểm bắt đầu dịch Covid-19. Năm 2020, tôi có lấy ra đọc lại và sửa chữa thêm lần nữa. Có thể, sau này, có những người tài năng khác, viết về bà Ðoàn Thị Ðiểm hay hơn; nhưng ở một góc độ, tôi cũng đã tạo ra một Ðoàn Thị Ðiểm của riêng mình. Tác phẩm hoàn toàn mang phong vị của một cuốn tiểu thuyết, và có thể đứng được với tư cách là một tiểu thuyết. Tất nhiên trước đó, cũng đã có người viết về nữ nhân kỳ tài này nhưng có lẽ, đây là lần đầu tiên, có một cuốn tiểu thuyết riêng viết về bà. Và bà được xuất hiện ngay, trực tiếp và hoàn toàn rõ nét xuyên suốt tác phẩm, không dàn trải.

- Nhắc đến nhà văn Lê Phương Liên, nhiều người sẽ nhớ tới bà với tư cách một nhà văn viết cho thiếu nhi. Khi “Nữ sĩ thời gió bụi” được ra mắt, có ý kiến cho rằng, tạm gác văn học thiếu nhi, bà “rẽ” sang viết tiểu thuyết mang màu sắc lịch sử dành cho người lớn… 

- Ðúng là tôi nhận được nhiều chia sẻ như thế. Nhưng thực ra, “Nữ sĩ thời gió bụi” là cuốn sách mà các em học sinh cấp 2, cấp 3 cũng có thể đọc được.

Tôi nhớ ngày còn bé, tôi đã đọc “Những người khốn khổ” của đại văn hào Victor Hugo nên chẳng có lý gì mà các em nhỏ không đọc hiểu được “Nữ sĩ thời gió bụi”. Chúng ta không tách tiểu thuyết lịch sử/dã sử ra khỏi văn học thiếu nhi. Tiểu thuyết lịch sử/dã sử là một dòng của văn học thiếu nhi. Vài đại diện có thể kể ra như nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Hà Ân… hay Phùng Quán (với Tuổi thơ dữ dội)… Hiện nay, không ít người cứ mặc định, viết cho thiếu nhi là phải có đồng thoại, tưởng tượng,… Như vậy là hiểu chưa đúng văn học thiếu nhi. Nó là một bộ phận văn học rất đa dạng, với nhiều tiếng nói gợi mở, cũng như bút pháp, đề tài, cách viết… Lịch sử Việt Nam có quá nhiều chất liệu, vẫn luôn vẫy gọi sự sáng tạo. Tôi vẫn nghĩ, các tác giả phải vươn mình để viết những nhân vật lịch sử, những câu chuyện lịch sử đó. Ðó cũng chính là tâm thế trở về với văn hóa, với lịch sử, truyền thống dân tộc để viết, để ngụp lặn và thỏa sức sáng tạo.

- Gần đây, phong trào phục cổ có vẻ trở thành một xu hướng trong đời sống văn hóa - nghệ thuật ở nước ta; tuy nhiên, không phải lúc nào cũng hay, cũng đúng. Xin hỏi nhà văn góc nhìn của mình?

- Phục cổ là tốt, chứng tỏ, phần nào đó, các bạn trẻ có ý thức trở về cội nguồn, và giữ gìn bản sắc dân tộc khi đối diện, hòa nhập thế giới. Nhưng phải hết sức cẩn thận: Chúng ta muốn phục dựng bất cứ điều gì từ quá khứ, từ chiếc nón, mũ, đôi giày, áo dài…, chúng ta phải tìm hiểu toàn bộ nền văn hóa của cha ông thì mới có một hình dung tương đối về nó. Nếu không, nó chỉ là sự chắp ghép chuệch choạc, thiếu sâu sắc và còn vẻ hời hợt, a dua, phong trào.

“Tác phẩm của tôi lúc nào cũng sẽ hướng tới cái đẹp”

- Việc đưa nhân vật Ðoàn Thị Ðiểm trở lại trong đời sống văn hóa hôm nay, liệu nhà văn còn có tham vọng nào khác?

- Do hoàn cảnh lịch sử hết sức đặc biệt gắn với những cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước mà chủ nghĩa dân tộc trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình phát triển của văn hóa Việt Nam. Thế nhưng, chủ nghĩa nhân văn - xuất hiện rất sớm, từ gốc rễ ca dao ươm mầm, rồi tỏa sáng trong văn học trung đại, vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Tuy nhiên, thời gian qua, vì nhiều lý do, ta chưa có cái nhìn đầy đủ về nó. Nhắc đến văn học giai đoạn đó, ta hay nhắc đến “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi; hay thời nhà Trần, thường nhắc “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn mà không nhắc nhiều đến thơ văn Trần Nhân Tông… Kể cả “Cung oán ngâm khúc”, “Chinh phụ ngâm” - những áng văn tuyệt đẹp về thân phận con người, dù được đề cập đến nhưng chưa sâu. Với “Nữ sĩ thời gió bụi”, tôi muốn làm sống lại chủ nghĩa nhân văn trong thế kỷ 18. Bằng con mắt của người hiện đại, tôi muốn viết về một người nữ đặc biệt gây niềm hứng thú lớn cho tôi - bà Ðoàn Thị Ðiểm - một trong những tác gia lớn của văn học trung đại Việt Nam. Cùng chia sẻ với bà những thử thách, trắc trở, khổ đau lẫn hạnh phúc của bà.

- Sau Ðoàn Thị Ðiểm, nhà văn còn hứng thú với nhân vật nào nữa? Bà có định tiếp tục theo đuổi thể loại tiểu thuyết không?

- Tôi khá cân nhắc, vì đã dồn hết bút lực vào cuốn “Nữ sĩ thời gió bụi” rồi. Tôi năm nay cũng đã 70 tuổi, sức khỏe có hạn. Nhưng có một điều sẽ không bao giờ khác đi, dù tôi có tiếp tục hay không, đó là, những tác phẩm của tôi lúc nào cũng sẽ hướng tới cái đẹp. Trong thâm tâm cả đời văn của mình, tôi chỉ muốn xây dựng con người đẹp, con người nhân văn dù trong xã hội có thể lộn xộn, đa chiều và những ứng xử giữa người với người nhiều khi mang những ảnh hưởng phi nhân tính.

- Xin trân trọng cảm ơn nhà văn Lê Phương Liên.