Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ: 

Không có giới hạn cho sự sáng tạo với dòng phim về chiến tranh

Sáng tạo về đề tài chiến tranh vốn bị đóng khung là kén khán giả, và là một trở ngại đáng kể với những nghệ sĩ trẻ khi không có sự trải nghiệm thực tế. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ (ảnh nhỏ) quanh câu chuyện làm nghề của anh, về cách mà những đạo diễn trẻ xoay trở, sáng tạo để có thể làm nên màu sắc mới cho dòng phim này trong dòng chảy đương đại, sau khi bộ phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” của anh ra rạp, và nhận được sự hưởng ứng tích cực của khán giả.

“Tôi cảm thấy Truyền thuyết về Quán Tiên đã phần nào làm khán giả bớt e dè hơn khi nghĩ đến việc ra rạp xem một bộ phim chiến tranh”.
“Tôi cảm thấy Truyền thuyết về Quán Tiên đã phần nào làm khán giả bớt e dè hơn khi nghĩ đến việc ra rạp xem một bộ phim chiến tranh”.
Không có giới hạn cho sự sáng tạo với dòng phim về chiến tranh -0
 

Làm với sự tôn trọng và ám ảnh

- Chúc mừng anh với bộ phim về đề tài chiến tranh khá thành công khi ra rạp. Là một người trẻ, khi làm các tác phẩm về chiến tranh anh có chịu nhiều áp lực không?

- Truyền thuyết về Quán Tiên là bộ phim tâm lý, bí ẩn nhưng có yếu tố chiến tranh và đây là lần đầu tiên tôi làm phim theo xu hướng như thế này. Bởi vậy, đó là một thử thách lớn cho một đạo diễn trẻ như tôi. Những ngày chuẩn bị tiền kỳ cho dự án, tôi ngủ rất ít, thường dành thời gian đọc nhiều truyện về thời kỳ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, đặc biệt là đọc đi đọc lại tác phẩm của nhà văn Xuân Thiều. Có những đêm nằm nghĩ rằng mình sắp làm phim chiến tranh, nó cho tôi cảm giác rất lạ và thấy sôi sục, chỉ muốn nhanh đến ngày được ra trường quay. Trong quá trình làm phim, được hợp tác cùng nhiều người kinh nghiệm như cố vấn quân sự - Thiếu tướng Phan Khắc Hải, Giám đốc sản xuất Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà biên kịch Đoàn Tuấn, Giám đốc hình ảnh - NSND Vũ Quốc Tuấn, phó đạo diễn NSƯT Nguyễn Đăng Khoa, chủ nhiệm Nguyễn Chí Dũng... là điều may mắn nhất của tôi. Nếu không có họ, tôi nghĩ mình khó hoàn thành những ngày quay một cách suôn sẻ như vậy.

- Anh đã khai thác một đề tài không mới - chiến tranh - là điều mà anh không được chứng kiến, chỉ nghe kể lại, dưới góc nhìn của một người trẻ như thế nào?

- Tôn trọng nguyên tác truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Xuân Thiều là điều đầu tiên mà tôi luôn tâm niệm khi làm bộ phim này. Sự tôn trọng không chỉ là bởi tôi là một người trẻ, thuộc thế hệ sau mà còn bởi vì sự ám ảnh của tôi với truyện ngắn này. Chính sự ám ảnh đó đã thôi thúc tôi phải cố gắng làm một bộ phim sao cho giữ được nguyên vẹn cảm xúc khi tôi đọc truyện. Bên cạnh đó, như tôi đã chia sẻ ở trên, điều quan trọng là việc tìm hiểu chiến tranh từ mọi nguồn có thể, trong văn học và điện ảnh, cả của Việt Nam và nước ngoài. Và sự đồng hành của những người đã từng trải qua cuộc chiến cũng là chỗ dựa tinh thần và kiến thức to lớn với tôi. Trong quá trình chọn cảnh, chúng tôi đã tới nhiều địa danh nổi tiếng để tìm hiểu về những người anh hùng đã hy sinh cho hòa bình của đất nước. Đó là Truông Bồn, là Ngã ba Đồng Lộc, là Hang Tám Cô, Hang Y Tá... Mỗi chuyến đi như vậy lại giúp cho không khí hào hùng của cuộc chiến vĩ đại ngấm dần vào tôi và những người trẻ trong ê-kíp.

- Theo anh, làm thế nào để dung hòa được câu chuyện thỏa mãn sáng tạo của người nghệ sĩ và doanh thu phòng vé ở một đề tài vốn bị đóng đinh là kén khán giả này?

- Đến giờ phút này, tôi cảm thấy “Truyền thuyết về Quán Tiên” đã phần nào làm khán giả bớt e dè hơn khi nghĩ đến việc ra rạp xem một bộ phim chiến tranh. Tất cả những gì tôi làm là cố gắng kể một câu chuyện sống động nhất với sự hỗ trợ của những yếu tố hiện đại về thiết bị, âm nhạc... kết hợp với sự chỉn chu đến tận cùng. Tôi nghĩ, bất cứ dòng phim nào nếu làm đến tận cùng đều sẽ được khán giả công nhận. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta phải có những bộ phim chiến tranh tốt xuất hiện liên tục, được đầu tư bài bản từ việc sản xuất đến phát hành. Có như vậy mới hy vọng tạo được “làn sóng” xóa tan hoàn toàn định kiến bấy lâu của khán  giả.

- Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần cho rằng, phim về đề tài chiến tranh vẫn nặng tính minh họa. Những gì đọc được, nghe được trong lịch sử lập tức đưa lên phim và lúc nào cũng chăm chăm phải làm sao để nhân vật ấy, cuộc chiến ấy giống hệt như đã... nghe kể. Phim lịch sử bao nhiêu năm nay vẫn không thể có được sự bứt phá. Các nhà làm phim Việt Nam đã quen đi theo một lối mòn dễ dãi, dựa dẫm vào những tài liệu đã có để lên kịch bản. Anh nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- Tôi vẫn nhớ sau buổi chiếu đầu tiên của “Truyền thuyết về Quán Tiên”, đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần đã chia sẻ với báo chí về bộ phim như sau: “Với một phim nhà nước đặt hàng như “Truyền thuyết về Quán Tiên”, đặc biệt lại rơi vào tay một đạo diễn trẻ, bộ phim có cách làm chưa từng có và khác với thế hệ của chúng tôi rất nhiều và chúng tôi hoàn toàn không phải lo lắng gì cả vì người trẻ giờ có cách tiếp cận mới mẻ, áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới. Bộ phim chắc chắn sẽ đem lại cho khán giả kể cả thế hệ cũ lẫn thế hệ mới sự hiểu biết, sung sướng, niềm tự hào xúc động”.Với riêng tôi, tôi luôn nhìn về phía trước và tin rằng sẽ có thêm rất nhiều bộ phim chiến tranh trong tương lai được làm bởi người trẻ với những cách nhìn mới lạ cùng tình yêu nước và sự biết ơn những thế hệ cha anh đã ngã xuống.

Hãy thoải mái vẫy vùng và sáng tạo

- Sự sáng tạo luôn cần thiết và chúng ta cần những người trẻ như anh, đạo diễn Đặng Thái Huyền, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng - Những người trẻ sẽ không nhìn chiến tranh như nó vốn là mà luôn có cách tiếp cận mang tính đương đại. Tuy nhiên, theo anh giới hạn của sự sáng tạo trong làm phim về đề tài này là gì để không đi quá xa và sai lệch lịch sử?

- Lịch sử vô cùng phong phú và rộng lớn. Nên tôn trọng lịch sử chính là chìa khóa đầu tiên để có những bộ phim chạm được cảm xúc khán giả trong nước cũng như đến được với những khán giả quốc tế. Và trong biển lịch sử đó, tôi nghĩ các nhà làm phim hãy thoải mái vùng vẫy, thoải mái kể những câu chuyện mà mình muốn kể nhất, hoặc thậm chí khao khát được kể!

- Thế giới đã và sẽ tiếp tục có không ít những bộ phim về chiến tranh thu hút khán giả. Còn chúng ta, ở một đất nước mà chiến tranh là một phần của lịch sử, oai hùng và bi thương nhưng lại thiếu vắng những tác phẩm điện ảnh được khán giả đón nhận. Theo anh, nguyên nhân vì sao?

- Tôi nghĩ điều đó phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta truyền thông cho những bộ phim chiến tranh từ trước đến nay. Có nhiều bộ phim không hề khô cứng hay giáo điều, khi được chiếu trong những dịp lễ kỷ niệm đều lấy được nước mắt và cả những nụ cười của khán giả. Nhưng lại không hề được phát hành rộng rãi, truyền thông đúng mức. Điều này khiến cơ hội tiếp cận dòng phim chiến tranh của khán giả cũng bị hạn chế rất nhiều.

Một lý do quan trọng nữa là kinh phí làm một phim chiến tranh rất lớn. Bởi vậy, chưa một nhà sản xuất tư nhân nào dám “liều lĩnh” dấn thân vào lãnh địa này. Tôi rất mong điều này sẽ được thay đổi trong tương lai gần.

- Việc nhà nước đặt hàng cho những bộ phim về đề tài này có hạn chế sự sáng tạo của đạo diễn?

- Hiện giờ, mục đích tuyên truyền đã không bị đặt nặng trong những bộ phim có vốn của Nhà nước nữa. Bởi thật ra muốn tuyên truyền được thì phải đến được với khán giả. Nếu ngay từ lúc làm phim đã bị hạn chế, những đạo diễn, biên kịch... liệu có tạo nên được những câu chuyện khiến khán giả thấy đồng cảm? Tôi nghĩ thế hệ đạo diễn như chúng tôi đã rất thoải mái trong việc sáng tạo, dù làm phim do Nhà nước hay tư nhân đầu tư.

- Điện ảnh nói riêng và nền nghệ thuật của chúng ta vẫn nợ lịch sử, chưa có nhiều tác phẩm lớn về mảng đề tài khó này?Làm thế nào để khuyến khích các đạo diễn trẻ dấn thân, để cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị hơn nữa? 

- Điều này phụ thuộc vào chính sách đầu tư của Nhà nước, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, sự ủng hộ của các cấp, các ngành với mỗi dự án phim lịch sử có ý nghĩa. Ngoài ra, nó còn phụ thuộc vào những nhà sản xuất tư nhân “dám nghĩ dám làm”. Hành trình này tôi nghĩ còn khá khó khăn, đặc biệt là sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi khán giả vẫn còn tình yêu với dòng phim này, chắc chắn sẽ có những bộ phim ra đời để đáp lại tình yêu đó.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.