Ðạo diễn, NSND Ðặng Nhật Minh:  

Ðiện ảnh còn "nợ" khán giả những bộ phim hay về Bác

Trong sự nghiệp điện ảnh đồ sộ của mình, đạo diễn - NSND Ðặng Nhật Minh (ảnh nhỏ) chỉ làm một phim duy nhất về nhân vật lịch sử là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ phim đã mang lại cho đạo diễn những kinh nghiệm làm phim về Bác vô cùng quý báu. Ông cho rằng, đề tài Bác Hồ vẫn luôn còn là mảnh đất phong phú cho các thế hệ đạo diễn khai thác, nhất là đạo diễn trẻ.

 Một cảnh trong phim Hà Nội mùa đông năm 46 của đạo diễn, NSND Ðặng Nhật Minh.
Một cảnh trong phim Hà Nội mùa đông năm 46 của đạo diễn, NSND Ðặng Nhật Minh.

15 năm ấp ủ cho một bộ phim về Bác

- Thưa đạo diễn, NSND Ðặng Nhật Minh, bộ phim "Hà Nội mùa đông năm 46" mà ông là biên kịch kiêm đạo diễn được đánh giá là một trong những tác phẩm hay về đề tài Bác Hồ. Bộ phim từng đoạt giải A của Hội Ðiện ảnh Việt Nam, giải thưởng Ðạo diễn xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam năm 1999. Theo ông, khi làm phim về một nhân vật lịch sử, một vị lãnh tụ thì khó khăn lớn nhất là gì?

- Tôi chỉ làm duy nhất một phim có liên quan đến nhân vật lịch sử là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo tôi thì làm phim về ai cũng vậy, mình phải hiểu rõ nhân vật đó, sống cùng nhân vật đó như người thân của mình. Khi làm phim "Hà Nội mùa đông năm 46" tôi đã phải đọc rất nhiều sách vở, tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vào giai đoạn đó.

- Ðối với riêng ông, việc làm phim về lãnh tụ Hồ Chí Minh có ý nghĩa như thế nào?

- Tôi làm phim "Hà Nội mùa đông năm 46" năm 1997, nhưng ý định làm bộ phim này nảy ra trong đầu tôi từ năm 1982 khi lần đầu tôi được xem bộ phim "Gandhi" của điện ảnh Ấn Ðộ. Tuy phương thức đấu tranh cho độc lập dân tộc của hai nhà cách mạng lỗi lạc có khác nhau nhưng tư tưởng hiếu hòa của Gandhi cũng có trong con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh và điều đó bộc lộ rõ nhất vào giai đoạn năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cố gắng nhân nhượng với Pháp bằng mọi cách để tránh không xảy ra chiến tranh. Chúng ta buộc phải cầm súng khi không còn giải pháp nào khác. Yêu chuộng hòa bình cũng là nét đặc trưng của tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có một lý do riêng của gia đình tôi nữa. Ngày ấy cha tôi là bác sĩ Ðặng Văn Ngữ đang nghiên cứu về y học ở Nhật Bản đã định đưa mấy mẹ con chúng tôi từ Huế sang Nhật Bản để đoàn tụ gia đình. Nhưng đến phút chót, cha tôi đọc được Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên thay đổi ý định, quyết tìm đường về nước để tham gia kháng chiến. Trường đoạn Hồ Chủ tịch viết "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" trong ngôi nhà của người nông dân ở ngọai thành Hà Nội được miêu tả tỉ mỉ là một trường đoạn mà tôi ưng ý nhất. Ðó là giây phút làm thay đổi số phận của cả một dân tộc và của từng gia đình người Việt Nam, trong đó có gia đình tôi. Tôi ấp ủ chủ đề đó suốt 15 năm, đọc và nghiên cứu tài liệu, hồi ức của các nhân chứng để đến năm 1995 thì hình thành xong kịch bản.

- Cho đến nay, các phim làm về đề tài Bác Hồ chủ yếu vẫn là phim tài liệu. Số lượng phim truyện nhựa mới dừng ở con số 7 - một con số rất ít ỏi khi đối chiếu với cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại cũng như sức lan tỏa mạnh mẽ của tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải chăng điện ảnh Việt vẫn còn "nợ" khán giả những tác phẩm xuất sắc về đề tài Bác Hồ?

- Vâng. Ðây đúng là "món nợ" của điện ảnh Việt vì quả thật cho đến nay vẫn chưa có tác phẩm nào xuất sắc về đề tài Bác Hồ làm mọi người hài lòng.

- Kể từ bộ phim "Nhà tiên tri" của đạo diễn Vương Ðức (sản xuất năm 2015), khán giả không được xem một bộ phim nào về đề tài Bác Hồ. Trung bình một năm điện ảnh Việt đang sản xuất từ 30 đến 50 phim truyện nhựa, nhưng gần như dòng phim về cuộc đời các chính khách, lãnh tụ không được các đạo diễn trẻ tiếp nối các thế hệ đạo diễn đi trước thực hiện. Theo ông, nguyên nhân vì sao?

Ðiện ảnh còn "nợ" khán giả những bộ phim hay về Bác ảnh 1

- 90% số bộ phim sản xuất hằng năm hiện nay là phim của tư nhân. Làm phim về lãnh tụ, về cuộc đấu tranh để thống nhất đất nước, giành độc lập dân tộc... không phải là trách nhiệm của các hãng phim tư nhân. Nếu Nhà nước không nhận lãnh trách nhiệm đó về mình thì không có dòng phim đó. Nói cho đúng thì Nhà nước cũng đã từng rất quan tâm đầu tư không ít cho những phim về đề tài này để phục vụ kỷ niệm những ngày lễ lớn. Nhưng hiệu quả thu được không tương xứng sự quan tâm đó.

- Thế hệ các đạo diễn trẻ hôm nay, muốn khai thác tốt đề tài mang tính lịch sử, về chiến tranh cách mạng, về Bác Hồ, theo ông họ cần phải có những phẩm chất gì?

- Tôi thấy cũng có người trẻ tiếp cận đề tài cách mạng rất tốt, thí dụ như đạo diễn Bùi Tuấn Dũng với phim "Thầu Chín ở Xiêm" về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thời hoạt động cách mạng ở Thái-lan. Cái chính là lòng say mê và sự nghiêm túc trong công việc, không kể đạo diễn già hay trẻ.

Và bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp

- Thời của ông, điều kiện làm phim khó khăn, lạc hậu, ngặt nghèo hơn, nhưng dường như điện ảnh lại có nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật sâu sắc hơn, dù cho đạo diễn hôm nay được đào tạo tốt hơn, phương tiện máy móc để sản xuất, sáng tạo phim hiện đại hơn. Thưa đạo diễn, chúng ta có thể giải thích điều này như thế nào?

- Có một thực tế khách quan là khán giả ngày nay đã khác, thị hiếu cũng khác, do đó, những giá trị nghệ thuật cũng thay đổi. Không thể đem những giá trị của hôm qua để so sánh với những giá trị của hôm nay.

- Chính sách mở cửa hội nhập trong phát hành phim đang dẫn đến một hệ lụy là phim trong nước bị lép vế so với phim nước ngoài. Tại các cụm rạp, tỷ lệ phim Việt được chiếu rất ít, khó có khả năng cạnh tranh và thường chấp nhận thua thiệt ngay trên chính sân nhà. Với sự quan sát của một người làm điện ảnh lâu năm, ông thấy thực tiễn này có bình thường, liệu chúng ta có cần chính sách bảo hộ của Nhà nước cho điện ảnh Việt ở thị trường trong nước?

- Những gì diễn ra trong sinh hoạt điện ảnh Việt Nam hôm nay là hệ quả của một loạt chính sách trong điện ảnh đã được Nhà nước ban hành trong thời gian qua mà cụ thể là Luật Ðiện ảnh được Quốc hội thông qua năm 2006. Ðiện ảnh của chúng ta hiện nay vận hành giống như điện ảnh của các nước trong khu vực. Chúng ta nên trao đổi với họ để học hỏi kinh nghiệm trong cách bảo vệ điện ảnh dân tộc.

- Theo đạo diễn, hiện nay điện ảnh Việt đã có thể hội nhập và trở thành một phần của điện ảnh thế giới hay chưa?

- Ðiện ảnh Việt Nam đã là một phần của điện ảnh thế giới từ khi bộ phim "Chung một dòng sông" ra đời năm 1959. Ngày ấy nhà phê bình phim nổi tiếng người Pháp Jeorge Sadoul đã nhận xét rằng đó là một nền điện ảnh nằm trên bán đảo Indochine nhưng nó không giống Indo mà cũng không giống Chine. Ý muốn nói rằng nền điện ảnh Việt Nam có bản sắc riêng. Nếu ta giữ được cái bản sắc riêng đó thì sẽ hội nhập được với thế giới.

- Giả sử đạo diễn quyết định làm một bộ phim cuối cùng trong cuộc đời mình, ông muốn làm phim về đề tài gì?

- Không còn là giả sử nữa. Tôi đang thực hiện một bộ phim để khép lại sự nghiệp điện ảnh của mình. Phim có tên là "Hoa nhài", đã quay xong, đã sơ dựng hình ảnh nhưng vì thiếu kinh phí nên chưa làm được hậu kỳ. Ðây là phim do một hãng phim tư nhân ở Huế có tên là Khánh An đứng ra sản xuất với kinh phí rất hạn hẹp. Câu chuyện rất đơn giản nói về cuộc sống thường nhật ở Hà Nội, xoay quanh hai nhân vật chính là một cậu bé đánh giày từ nông thôn ra và một ông thợ cắt tóc trên vỉa hè. Tôi đã sống ở Hà Nội hơn 60 năm, những gì trên phim là những quan sát hằng ngày của tôi, do đó bộ phim rất giản dị đời thường không có gì đao to búa lớn ngoài cái tình của những con người. Tôi tin trong con người Hà Nội bây giờ vẫn còn cái chất "Hoa nhài".

- Xin cảm ơn đạo diễn, NSND Ðặng Nhật Minh.