Nghệ sĩ Ưu Đàm Trần Nguyễn:

Hành trình chưa bao giờ dễ dàng

Các hình thức nghệ thuật đương đại gồm nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art, body art, nghệ thuật đa phương tiện, cho đến nay, vẫn là những hình thức nghệ thuật rất khó được đưa vào giao thương. Mặc dầu vậy, ngày càng có nhiều nghệ sĩ gắn bó với những thực hành này, đem tới nguồn cảm hứng, sức ảnh hưởng nhất định tới cộng đồng và thế hệ công chúng trẻ. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Ưu Đàm Trần Nguyễn về lĩnh vực này.

Hành trình chưa bao giờ dễ dàng

Sự gắn kết không thể nói bằng lời…

- Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đang học sáng tác điêu khắc ở Trường đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh thì anh sang Mỹ học tiếp về nghệ thuật thị giác. Việc học mỹ thuật ở trong nước có khoảng cách như thế nào với việc học và thực hành về nghệ thuật thị giác ở Mỹ?

- Khi tới Mỹ, sau một quá trình tự thân tìm hiểu môi cảnh học ở đây, tôi đăng ký học bằng cử nhân về nghệ thuật tại Trường đại học bang California (University of California-UCLA). Một trong những vị thầy đầu tiên của tôi ở UCLA là Charles Ray, người được gọi là ngôi sao của nghệ thuật đương đại Mỹ. Qua ông, tôi thấy nghệ thuật luôn có sự gắn kết giữa cổ điển, hiện đại và đương đại.

Ở những buổi học đầu tiên, Charles Ray phân tích vẻ đẹp của tượng cổ điển trong bộ sưu tập của một bảo tàng lớn, chứ không phải lập tức chú trọng vào những ý niệm nghệ thuật đương đại mà nhiều người ngay ở Mỹ vẫn cảm thấy khó hiểu. Sự gắn kết của nghệ thuật xuyên suốt theo chiều thời gian và lịch sử như vậy khiến tôi rất vui, quên mất những khoảng cách nào đó giữa các không gian và con người.

- Vậy sao anh không ở lại Mỹ lập nghiệp?

- À, đây lại là một chuyện thuần túy liên quan đến cảm xúc về nơi chốn của bản thân tôi. Mỗi lần bay về Mỹ từ sân bay Tân Sơn Nhất, khi máy bay tới không phận thuộc bờ biển miền trung, nó nghiêng cánh bẻ lái tiến vào Biển Đông và đi tới Đài Loan (Trung Quốc), lúc đó đích thực là một cảm giác về sự chia tay, gây cho tôi những cảm xúc khó diễn tả. Tôi hiểu ra một sự gắn kết không thể nói ra bằng lời, và tôi theo... Tôi nhớ, có lần, người thầy Charles Ray nói với tôi rằng, đôi tay mình cũng rất thông minh. Đôi khi ta cũng nên tin vào sự thông minh của cơ thể và phục tùng nó vì cơ thể ta nhiều khi thông minh hơn lý trí của ta (cười).

- Về lại quê hương, anh cảm nhận như thế nào, khi, thực hành nghệ thuật đương đại vẫn khá kén người xem?

- Sự giúp đỡ của bạn bè rất quan trọng. Khi về tới Việt Nam, tôi cảm giác được chào đón vì tôi có những bạn cùng học đại học, nhiều trong đó vẫn tiếp tục gắn bó với nghệ thuật và thúc đẩy cho những thực hành nghệ thuật đa phương tiện như hướng đi mà tôi đang đi. Họ còn sẵn lòng cho tôi ở nhờ một thời gian nữa. Khi đó, thực hành nghệ thuật đương đại vẫn chỉ có số rất ít người tham gia và vẫn như đang bên lề dòng chảy cuộc sống ở Việt Nam. Chúng tôi như không có gì, ở trong trạng thái hoàn toàn rỗng, chỉ có niềm tin vào nghiên cứu cơ bản - nguồn mạch của sáng tạo. Từ đây, nhiều ý tưởng của tôi đã thành hình, trong đó nổi bật là tác phẩm video Vũ điệu của các kỵ sĩ máy, với sự giúp đỡ của rất nhiều người bạn nghệ sĩ...

- Kể từ khi Vũ điệu của các kỵ sĩ máy được chọn tham gia Singapore Biennale 2013, tần suất xuất hiện của anh trong các dự án/ triển lãm/ liên hoan nghệ thuật quốc tế cũng như ở trong nước ngày một nhiều…

- Vũ điệu ấy là tác phẩm đột phá. Nó đã có mặt tại triển lãm của hơn 20 bảo tàng trên thế giới. Hiện tại, nó được trưng tại hai bảo tàng ở New York (Mỹ) và Đài Loan (Trung Quốc). Tôi rất may mắn.

Hành trình chưa bao giờ dễ dàng -0
Vũ điệu của các kỵ sĩ máy. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp 

Nghệ sĩ nên là "người bán hàng" nữa

- Ở trong nước, anh tham gia nhiều dự án đưa nghệ thuật đương đại đến cộng đồng. Theo anh, công chúng trong nước đã và đang nhận thức như thế nào về vị trí của nghệ thuật đương đại?

- Chúng ta có những khán giả tuyệt vời cho nghệ thuật đương đại nhưng số lượng vẫn rất ít ỏi. Nhìn chung, mối quan tâm của đại chúng dành cho nghệ thuật đương đại có nhiều hạn chế. Để tiện so sánh, tại Thượng Hải Biennale-2018, tôi kinh ngạc khi thấy, ngày khai mạc, người xem xếp hàng nườm nượp. Curator bảo tôi là sau ngày khai mạc còn đông hơn vì lúc đó bán vé. Mỗi ngày có vài nghìn lượt người mua vé vào xem, hầu hết là các khán giả trẻ. Họ bỏ tiền mua vé để thưởng lãm nghệ thuật đương đại chứ không phải chỉ dừng lại với phim bom tấn hay hài giải trí.

- Trong một hoàn cảnh như vậy, vẫn có ý kiến cho rằng cần xây dựng bảo tàng nghệ thuật đương đại. Ta có thể nói thêm về viễn cảnh này?

- Cần chứ, các bảo tàng nghệ thuật là một phương thức đối ngoại về nghệ thuật một cách ngay ngắn, nghiêm túc. Khách du lịch tới Việt Nam muốn xem trình độ nghệ thuật của nước sở tại đang nằm ở đâu. Thông qua nghệ thuật, họ sẽ biết giới trí thức nghệ sĩ Việt Nam đã và đang đối thoại thế nào với chính người Việt Nam và với thế giới. Việt Nam có nên sánh vai với các cường quốc năm châu để tham gia các hội chợ nghệ thuật toàn cầu như Venice Biennale và có Vietnam Pavilion tại Italy hay không, để đưa thương hiệu nghệ thuật Việt Nam (Art made-in Vietnam) ra thế giới một cách mạnh mẽ. Câu trả lời là có.

- Chúng ta chưa có bảo tàng nghệ thuật đương đại ở trong nước đúng nghĩa và cũng chưa có một nguồn quỹ ổn định nào dành tài trợ/hỗ trợ cho nghệ sĩ độc lập như ở các nước phát triển. Tự lực để làm nghệ thuật, câu hỏi quan trọng đặt ra là anh và nhiều nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại có nguồn thu nhập nào để duy trì cuộc sống?

- Làm nghệ sĩ có lẽ là hành trình chưa hề dễ dàng ở bất kỳ quốc gia nào. Hoàn cảnh buộc mỗi nghệ sĩ phải thật sự linh hoạt trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ để thực hiện cho bằng được điều mình muốn trong sáng tạo. Tôi có kha khá trải nghiệm trong chuyện này, sẽ viết nhiều chương về nó (cười).

Để nói ngắn gọn, trong hoàn cảnh hiện nay ở Việt Nam, nghệ sĩ nên là "người bán hàng" nữa, biết quảng bá nghệ thuật của mình trên mọi nền tảng truyền thông xã hội. Trong thế giới phẳng này, ai được biết đến nhiều hơn, người đó sẽ có nhiều cơ hội hơn. Câu chuyện với chị khiến tôi nhớ đến một bài thơ, có câu: "một mình con sắm cả ba vai chèo"... Nghệ sĩ đương đại ở Việt Nam hiện tại cũng tương tự vậy và chúng tôi hy vọng sớm đến một ngày, chỉ còn một vai duy nhất-vai trò là nghệ sĩ.

- Chân thành cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Ưu Đàm Trần Nguyễn (sinh năm 1971) hiện là một nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại nổi bật ở Việt Nam. Sáng tác của anh được biết đến ở nhiều triển lãm, liên hoan nghệ thuật đương đại định kỳ lớn trong khu vực và thế giới: Singapore Biennale 2013, Asia-Pacific Triennial 2016-2017, Sunshower-contemporary Art in Southeast Asia tại Nhật Bản 2017, Shanghai Biennale 2018, Te Papa-Museum of New Zealand 2020...