NSƯT Trần Lực:

Giữ sự lạc quan, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn

Những ngày giãn cách xã hội, trên trang facebook cá nhân của nsưt trần lực (ảnh nhỏ) thường xuyên cập nhật những dòng trạng thái lạc quan để động viên tinh thần chống dịch của mọi người. Nghệ sĩ chia sẻ, dù phải ở nhà nhưng anh vẫn không ngừng làm việc, sáng tạo, và học cách thích nghi với tình hình mới. Trần Lực cũng là nghệ sĩ có tên trong danh sách chính thức đề nghị xét tặng danh hiệu NSND lần thứ 10.

Hài kịch Cơn ghen của Lọ Lem. Ảnh: LUCTEAM
Hài kịch Cơn ghen của Lọ Lem. Ảnh: LUCTEAM

Không ngừng sáng tạo trong những ngày giãn cách

- Đối với một người nghệ sĩ, phải dừng các hoạt động nghệ thuật quá lâu chắc chắn chẳng dễ chịu chút nào? Cảm giác của anh ra sao trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách?

Giữ sự lạc quan, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn -0

- Bạn biết đấy, niềm hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ là được sáng tạo, được sống với công việc mà mình đam mê. Đối với tôi, cảm giác được hóa thân vào nhân vật khi đóng phim, hay chỉ đạo các nghệ sĩ khi thực hiện vai trò đạo diễn sân khấu, hoặc hướng dẫn các em sinh viên nghệ thuật trong vai trò giảng viên là những lúc tôi hạnh phúc nhất. Nhưng giờ phải giãn cách xã hội, ở nhà, tất nhiên là có chút buồn rồi.

- Vậy anh thường làm gì trong những ngày giãn cách, để tránh sự nhàm chán?

- Tôi phải kiếm việc để làm chứ. Ngồi yên là chán ngay. Xét cho cùng, ở đâu thì mình cũng vẫn phải làm việc, theo cách này hay cách khác. Tôi giải trí bằng cách học kèn. Mỗi ngày tôi tập với cây kèn clarinet chừng hai giờ đồng hồ. Học "chay" đấy, tự mày mò chứ không có thầy. Tôi khám phá cây kèn, giao tiếp với nó, ngẫm nghĩ về nó, đọc đủ thứ liên quan đến nó, cảm nhận thanh âm, giai điệu của nó, mê lắm. Học vỡ vạc vậy, rồi hết giãn cách tôi sẽ tìm thầy hướng dẫn. Ngoài ra tôi dành một giờ mỗi ngày để ôn lại kiến thức tiếng Anh, học thêm những bài học tiếng Anh mới bằng cách mua chương trình từ một app công nghệ. Rồi tôi nghiên cứu về công việc, các dự án của mình đang làm dở... Tôi còn vào bếp nấu ăn cho gia đình, bù đắp cho con cái sự quan tâm mà trước đó vì hay vắng nhà tôi ít nhiều chểnh mảng, dành thời gian chăm sóc và trò chuyện với bố... Tôi tiếc thời gian lắm, không để buồn chán xâm lấn mình được. Cuộc đời rất ngắn và mỗi chúng ta chỉ có chừng nào đó thời gian thôi, nên phải dành thời gian cho những công việc ý nghĩa.

Danh hiệu ở trong lòng khán giả

- Về bộ phim mới anh vừa tham gia có tên "Em và Trịnh", anh đã phải giảm cân để phù hợp vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng ngoài câu chuyện ngoại hình, thì diễn xuất cho được thần thái, nội tâm, chiều sâu tâm hồn của người nhạc sĩ đã quá quen thuộc với khán giả là cả một thử thách...

- Nghề diễn viên thú vị ở chỗ, mỗi khi nhập vai một nhân vật cụ thể, bản thân nghệ sĩ phải lựa chọn một cách thể hiện riêng, một quan điểm riêng về nhân vật. Với Trịnh Công Sơn hay bất cứ một nhân vật nào khác mà tôi đã từng nhập vai, thì tôi nghĩ thành công của vai diễn không phải chỉ là chuyện dáng vẻ bề ngoài của mình sao cho giống nhân vật. Mà nó nằm ở việc tôi phải tự suy nghĩ, đào sâu trong chính mình để tìm cho được hình tượng của nhân vật mình sẽ hóa thân vào. Để nhập vai Trịnh Công Sơn, tôi dành nhiều thời gian đọc, nghe, nghiên cứu tư liệu, xem những thước phim về đời thường của nhạc sĩ. Trịnh Công Sơn, sau tất cả những phát ngôn về đời sống, về tình yêu làm say đắm lòng người, sau những ca khúc tuyệt vời, sau những câu chuyện tình lãng mạn là một con người hồn nhiên, gần gũi. Người nghệ sĩ thật sự, nhất lại là nghệ sĩ lớn nữa bao giờ cũng rất hồn nhiên. Khi diễn tôi muốn làm bật ra tính cách ấy của ông.

- Xin được hỏi một chút về chuyện sân khấu - lãnh địa mà anh dành tình yêu đặc biệt trong những năm vừa qua. Sân khấu Lucteam dự định sẽ mang tới cho khán giả những hoạt động gì sau khi Hà Nội hết giãn cách?

- Chỉ trong hai năm qua, Lucteam đã dựng tới năm vở diễn khác nhau, mỗi vở một màu sắc riêng để lại ấn tượng tốt trong khán giả. Tôi rất tiếc là mọi thứ đang khởi sắc thì gặp đại dịch, vở "Bạch đàn liễu" vừa dựng xong khán giả đang háo hức chờ đón thì lại phải nằm im lìm đấy. Tình hình hiện nay như vậy thì phải chờ thôi, sốt ruột cũng không được. Tuy nhiên, tôi vẫn đang tư duy về con đường dài cho sân khấu Lucteam, trong đó đặc biệt hướng đến hình thức sân khấu online. Nhiều người cho rằng không nên làm sân khấu online vì đặc thù sân khấu với tính ước lệ, tượng trưng rất khó để chuyển tải hết cái hay, cái đẹp của nó, nhưng tôi thì nghĩ rằng hoàn toàn có thể làm được. Vấn đề là cách làm, phương pháp làm. Chúng ta không thể làm như kiểu nhà hát truyền hình, hay truyền hình hóa sân khấu, như thế thì nhiều nhất chỉ có thể giúp khán giả hiểu được câu chuyện của vở diễn mà không thể cảm nhận hết cái đẹp trong nghệ thuật biểu diễn của sân khấu. Khi đưa sân khấu lên internet phải có nghề, phải tính toán đưa hình ảnh lên như thế nào. Nhất là với sân khấu ước lệ mà tôi đang theo đuổi, lấy việc tả ý làm chủ đạo, thì việc đưa sân khấu lên online càng phải kỹ lưỡng. Lucteam đã mở kênh YouTube riêng và chỉ đợi hết giãn cách là tụ tập anh em nghệ sĩ để hiện thực hóa câu chuyện này. Chúng tôi sẽ mang các vở diễn lên internet theo cách riêng của mình, sẵn sàng cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật khác trên môi trường mạng.

- Sinh ra trong một gia đình làm sân khấu, thừa hưởng "di sản" sân khấu của cha mẹ (NSƯT Trần Lực có bố là NSND Trần Bảng, người từng được xem là "ông trùm chèo" của sân khấu phía bắc, mẹ là nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân-PV) nhưng anh lại sớm nổi tiếng với điện ảnh. Rồi khi không còn trẻ anh lại "bẻ ghi" ngoạn mục với sân khấu, đam mê như thể đặt cược tất cả vào sân khấu. Anh lý giải điều này như thế nào?

- Sân khấu như là máu chảy trong cơ thể tôi từ nhỏ. Mẹ tôi thường bế tôi đến nhà hát, để tôi đứng sau cánh gà với các cô chú, "lao vút" ra diễn xong lại vội vào với con. Ký ức tôi luôn còn rất rõ hình ảnh mẹ tôi vào vai Thị Kính, rất đẹp trên sàn diễn. Từ khi bé xíu tôi đã hiểu cảm giác sân khấu, cảm giác sau cánh gà như thế nào. Tôi thuộc nằm lòng nhiều đoạn trích sân khấu, rồi cũng thử tụ bạ đám bạn bè để diễn kịch với nhau. Con người tôi là của sân khấu. Nhưng cuộc đời lạ vậy, nó lại đẩy tôi đi hướng khác. Tôi đi đóng phim, gắn với điện ảnh, nhưng thú thật là vẫn luôn nghĩ về sân khấu, vẫn ấp ủ một ngày nào sẽ làm "một cái gì đó" cho sân khấu. Tôi theo đuổi cái gọi là "sân khấu ước lệ biểu hiện". Nó là một kiểu sân khấu tổng hòa của nhiều loại hình sân khấu, rất đương đại nhưng cũng vô cùng truyền thống, xem trọng tả ý hơn tả thực.

- Được biết, NSƯT Trần Lực chính thức có tên trong danh sách các nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSND sắp tới. Nhiều người hâm mộ cho rằng danh hiệu NSND đến với anh là hơi chậm, anh nghĩ sao?

- Công việc nghệ thuật tôi làm là bằng tất cả tình yêu và sự đam mê. Nó như hơi thở của mình vậy, thật lòng tôi sống với nó và chẳng quan tâm nhiều đến danh hiệu. Các danh hiệu như NSƯT hay NSND thì điều kiện để xét tặng là phải có giải thưởng. Hồi tôi được phong tặng NSƯT là tôi có mấy giải thưởng trong điện ảnh nên đủ điều kiện. Được tặng danh hiệu thì cũng hay, cũng vui. Rồi bẵng đi, tôi mở hãng phim tư nhân, làm nhà sản xuất phim, rồi làm đạo diễn sân khấu, không đi thi gì nên không có giải thưởng. Năm ngoái sân khấu Lucteams tham gia Liên hoan sân khấu Thủ đô với vở "Bạch đàn liễu", tôi vừa giành được giải vàng cho hạng mục vở diễn lại vừa được giải vàng cho hạng mục đạo diễn, như vậy là cũng đủ điều kiện để xét tặng danh hiệu NSND. Danh hiệu đến thì cũng vui chứ, vì tôi đi làm nghề, rồi đi dạy học trò, danh hiệu ít nhiều cũng nói lên những gì mình đã cống hiến cho nghệ thuật. Nhưng danh hiệu tuyệt nhiên không phải là cái đích tôi nhăm nhăm hướng tới. Tôi càng không tuyệt đối hóa chuyện danh hiệu. Xét đến cùng thì danh hiệu của người nghệ sĩ, mãi mãi vẫn là trong lòng khán giả. Và điều đó mới thật sự quan trọng.

- Cảm ơn NSƯT Trần Lực về cuộc trò chuyện.