Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung:

Gieo hạt giống thẩm mỹ âm nhạc cho tâm hồn trẻ nhỏ

Âm nhạc rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển nhân cách của trẻ em. Vậy nhưng, lâu nay, có rất ít bài hát mới dành cho thiếu nhi được phổ biến và tạo trào lưu thưởng thức. Chung quanh câu chuyện này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, người đã sáng tác hơn 300 bài hát thiếu nhi trong vài năm gần đây và được Trung tâm kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục "Nhạc sĩ trẻ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nhất Việt Nam".

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là tác giả của nhiều khúc tình ca từng giúp tạo "hit" cho một số ca sĩ.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là tác giả của nhiều khúc tình ca từng giúp tạo "hit" cho một số ca sĩ.

Hơi thở hiện đại trong ca khúc thiếu nhi

- Tại sao anh lại rẽ hướng sáng tác ca khúc cho thiếu nhi trong khi đang rất thành công với những bản tình ca?

- Bắt đầu từ khi được làm cha, thấy con mỗi ngày lớn lên rồi tập nói, tập đi, tôi muốn dành điều gì đó cho con. Tôi biết là đã rất lâu rồi, thị trường nhạc Việt không có những bài hát thiếu nhi mới, trẻ em chỉ có thể nghe các bài hát thời xưa, tuy rất hay nhưng một số không còn phù hợp với thời đại và thực tế cuộc sống hiện nay của các con. Mà nhạc thiếu nhi như là hạt giống gieo vào lòng trẻ em thẩm mỹ âm nhạc. Qua những giai điệu, tiết tấu, trẻ em có thể cảm nhận được các âm thanh trong cuộc sống, phát triển các giác quan, ngôn ngữ... Tôi đã viết, ban đầu chỉ là với mục đích viết cho con mình.

- Anh có thể nói cụ thể hơn về "sự phù hợp với thời đại" trong ca khúc dành cho thiếu nhi hôm nay?

- Tôi nghĩ là con nít luôn cần có những bài hát có tiết tấu vui nhộn, ngắn gọn, dễ hiểu theo ngôn ngữ và góc nhìn của các em. Trẻ em hiện nay thích hát những ca khúc khác hơn ngày xưa, quan trọng là tiết tấu "bắt tai" các con và nội dung ý nghĩa, phù hợp với bối cảnh sống hiện đại. Trẻ em hiện nay cũng tiếp thu nhanh hơn mình ngày xưa nên đòi hỏi của các con cũng cao hơn.

Tôi thí dụ: bài hát dành cho trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 13 tuổi phải được phân loại theo khoảng tuổi nhất định để có nội dung (lời) và tiết tấu, giai điệu phù hợp. Qua đó, các con có thể học những kiến thức nhạc lý cơ bản, từ chậm rãi, tình cảm cho đến rộn ràng, vui tươi, mới mẻ đúng với tinh thần đương đại. Mỗi thể loại âm nhạc gắn liền một nội dung khác nhau. Ở lứa tuổi mẫu giáo, còn nhỏ, phạm vi nhận thức của các con chỉ giới hạn trong gia đình, khi đi học tiểu học, rồi cấp trung học cơ sở, các con sẽ dần mở rộng phạm vi nhận thức và nhu cầu thẩm âm cũng cao hơn, phức tạp hơn. Người sáng tác ca khúc cho trẻ em hiện nay rất cần sự quan sát đời sống và môi cảnh sống của các con một cách tinh tế, sâu sắc.

- Vậy theo anh, nhu cầu hưởng thụ, mức độ quan tâm đến văn hóa, nghệ thuật của người lớn chúng ta hiện nay có tác động như thế nào đến tâm lý con em?

- Tác động cực kỳ mạnh mẽ! Vì đôi khi, ở bên cạnh con nhưng người lớn rất vô tư thưởng thức những bài hát mà họ yêu thích. Điều đó là đúng về tâm lý, cảm xúc của họ nhưng nếu không cẩn thận, trẻ em sẽ nhanh chóng hấp thu âm nhạc của người lớn một cách thụ động, rồi hát theo, biểu diễn theo. Ấy thế nhưng có người vô tư khen hay, thậm chí cho các con chụp hình "ăn theo" những hình ảnh "hot" trong MV của người lớn. Thật ra mà nói, chỉ là sự vô tư của người lớn, nhưng nó không tốt cho việc giáo dục tâm lý con trẻ. Như vậy, con trẻ sẽ có những câu hỏi sớm về tình yêu nam nữ, về cảm xúc trai gái, không đúng với lứa tuổi.

Gieo hạt giống thẩm mỹ âm nhạc cho tâm hồn trẻ nhỏ -0
 Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và các em nhỏ trong một chương trình văn nghệ của Trung tâm văn hóa quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Thay đổi cách đưa âm nhạc đến với trẻ em

- Là người hoạt động âm nhạc trong một thời gian dài, anh đánh giá như thế nào về thực trạng sáng tác ca khúc cho thiếu nhi ở nước ta hiện nay?

- Tôi tham gia sinh hoạt trong Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh và biết có rất nhiều nhạc sĩ viết cho thiếu nhi, nhưng bởi vì nhiều yếu tố mà những tác phẩm này không được phổ biến rộng rãi. Thứ nhất, họ không có đủ khả năng tài chính để tự sản xuất ca khúc. Thứ hai, các chương trình ca nhạc trên sóng phát thanh, truyền hình, các nền tảng trực tuyến cũng không dành nhiều "đất" cho chương trình ca nhạc thiếu nhi. Và cuối cùng, các đơn vị hay cá nhân tổ chức những buổi biểu diễn hoặc sự kiện có ca khúc thiếu nhi cũng ngại tìm kiếm và xây dựng tiết mục/ ca khúc hoàn toàn mới bởi dễ phát sinh thêm chi phí… Vậy nên, chúng ta cứ than là thiếu tác phẩm nhạc thiếu nhi chứ thực tế không hẳn vậy.

- Những chia sẻ vừa rồi hẳn cũng là những khó khăn mà bấy nay, anh đang đương đầu trong quá trình sản xuất ca khúc dành cho các em?

- Đúng vậy. Mới chỉ khoảng một phần ba của "gia tài" 300 ca khúc của tôi dành cho các em là được sản xuất, phát hành, hoàn toàn tự bỏ tiền cá nhân cho mọi khâu: hòa âm phối khí, thu thanh, in đĩa, in sách. Rất ít nhà tài trợ hào hứng đồng hành với việc sản xuất âm nhạc cho thiếu nhi, họ chọn đầu tư cho các sản phẩm âm nhạc của ca sĩ nổi tiếng hoặc dễ tạo xu hướng. Viết nhạc thiếu nhi như tôi, không dễ nhanh mang lại lợi nhuận hay danh tiếng, trong khi phải hy sinh rất nhiều thời gian, công sức.

- Người lớn chúng ta cần làm nhiều hơn để gieo mầm thẩm mỹ qua âm nhạc cho các em. Trước tiên, chúng ta nên làm gì, từ trải nghiệm thực tế của anh?

- Cơ quan chức năng cần có chủ trương mạnh mẽ trong phát triển âm nhạc/ca khúc cho thiếu nhi. Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng nên chủ động tìm kiếm bài hát mới cho con em mình nghe, không nên vô tư trước những gì trẻ em đang nghe, đang xem. Các ban tổ chức chương trình ca nhạc dành cho thiếu nhi cũng nên tìm hiểu nhiều hơn về "kho" bài hát thiếu nhi mà rất nhiều nhạc sĩ đã, đang viết hiện nay. Tôi chắc chắn rằng, ở đó, có rất nhiều bài hát thiếu nhi mới có thể tạo nên một trào lưu âm nhạc thiếu nhi. Chỉ có đồng lòng như vậy, người lớn chúng ta mới có thể vực dậy một sức sống mới cho âm nhạc thiếu nhi!

- Cảm ơn anh về những chia sẻ tâm huyết!

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là tác giả của nhiều khúc tình ca từng giúp tạo "hit" cho một số ca sĩ, như Chiếc khăn gió ấm, Vầng trăng khóc, Con đường mưa, Mùa đông không lạnh,… Gần đây, cùng với thành công của ca khúc Nhật ký của mẹ với giọng ca Hiền Thục, anh có bước chuyển hướng trong sáng tác: viết nhiều hơn các ca khúc về tình cảm gia đình và dành riêng cho trẻ em. Cuối năm 2021, Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành tuyển tập 300 bài hát thiếu nhi của anh.