Ông Vũ Trọng Ðại, Giám đốc Công ty Sách Omega Plus:

Chúng ta đang đứng trước cơ hội để nắm lấy tương lai

Nhiều sự kiện về văn hóa đọc sẽ được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 17 đến 21-4, để hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8. Nhân dịp này, Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện với ông Vũ Trọng Ðại (ảnh nhỏ), Giám đốc Công ty Sách Omega Plus về những thách thức và cơ hội trong việc chuyển đổi số của ngành xuất bản Việt Nam hiện nay.

Sách “Câu chuyện nghệ thuật” do Omega Plus phát hành được xem là “hiện tượng năm 2020” của ngành xuất bản.
Sách “Câu chuyện nghệ thuật” do Omega Plus phát hành được xem là “hiện tượng năm 2020” của ngành xuất bản.

Cơ hội để thấu tỏ chính mình

- Báo cáo tổng kết năm 2020 của Cục Xuất bản, In và Phát hành mới đây cho thấy: tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người đạt 4,13 bản/người/năm; giảm 8,3% so năm 2019. Từ những con số này, ông nghĩ gì về sự đọc của người Việt Nam hiện nay?

- Thứ nhất, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó ngành xuất bản không phải là ngoại lệ. Nếu so với các lĩnh vực chịu tác động nghiêm trọng như vận tải, du lịch, dịch vụ thì con số sụt giảm chỉ 8,3% lại cho thấy tín hiệu lạc quan về việc đọc sách đã có chỗ đứng tương đối vững chắc trong xã hội Việt Nam.

Thứ hai, về con số thống kê 4,13 bản/người/năm, tôi còn băn khoăn với các câu hỏi: Nếu là cao, là tốt thì cần bao nhiêu cuốn/đầu người/năm? Và liệu số cuốn sách mà mỗi người đọc được hằng năm có trở thành kiến thức, sáng tạo... hay không? Tôi chưa thấy ai trả lời câu hỏi này. Có thể lấy con số thống kê bản sách bình quân trên đầu người/năm của các nước trong khu vực Ðông Á để so sánh nhưng chưa đủ để có thể kết luận về chất lượng đọc sách cũng như sự chuyển đổi từ kiến thức sách vở thành những tác động kinh tế - xã hội như thế nào. Thiết nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước và Hiệp hội Xuất bản cần bắt tay vào cuộc khảo sát khoa học như cách thức của nhiều nền xuất bản phát triển tiến hành thường niên để có thể trả lời cho các câu hỏi trên.

Chúng ta đang đứng trước cơ hội để nắm lấy tương lai -0
 

- Không chỉ riêng Omega Plus mà gần đây, nhiều đơn vị xuất bản trong nước đang chú trọng đến việc làm sách đẹp. Có điều, sự đầu tư này dẫn đến giá bìa cao, khó tiếp cận độc giả. Là người trong cuộc, ông có thể chia sẻ rõ hơn về câu chuyện này?

- Sách không phải là một sản phẩm đặc thù, nó cũng là một dạng hàng hóa chịu sự chi phối của quy luật thị trường, tức là sách không chỉ chia thành các thể loại hay chủng loại mà còn có thể chia thành các phân khúc (về giá) tương ứng với từng nhóm đối tượng độc giả/khách hàng. Chúng ta có thể thấy một thực tế là trong xã hội Việt Nam đã hình thành một tầng lớp có nhu cầu hưởng thụ lớn về tinh thần: không những thưởng thức cái hay mà còn cả cái đẹp nữa. Ðó chính là tầng lớp trung lưu đang nhanh chóng phát triển về quy mô và dần dần có “gu” trong sinh hoạt, tiêu dùng hằng ngày. Và sách không phải là một sản phẩm ngoại lệ.

Omega Plus cũng như các tổ chức xuất bản đều cần thích nghi với hoàn cảnh mới này, lựa chọn chỗ đứng phù hợp cho mình trong thị trường xuất bản và trong lòng độc giả. Tôi cho rằng đây là thách thức để mỗi tổ chức xuất bản phải thấu tỏ chính mình cũng như thấu hiểu và nắm bắt thị trường.

Sự cạnh tranh là điều tất yếu xảy ra. Tôi không hề lo ngại mà còn thấy đây là cơ hội cho ngành xuất bản chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, mau chóng bắt kịp trình độ xuất bản của thế giới. Ngành xuất bản Việt Nam đã có những bước tiến dài nhưng vẫn còn thua kém nhiều mặt so những nền xuất bản phát triển của khu vực và thế giới.

Xu thế không thể đảo ngược

- Năm 2020, khi hội sách trực tuyến lần đầu tiên được tổ chức, rất nhiều người đã kỳ vọng về tương lai chuyển đổi số trong ngành xuất bản. Cá nhân ông nghĩ gì về vấn đề này?

- Chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược. Tôi có niềm tin vào tương lai chuyển đổi số của ngành xuất bản, nó sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi thành ngành công nghiệp nội dung. Song tôi e ngại hai điều: thứ nhất là cần có kiến thức và tư duy đúng đắn về chuyển đổi số; thứ hai là hành động - đâu đó vẫn tồn tại tư duy bàn nhiều nhưng hành động chẳng bao nhiêu. Không nghĩ đúng, làm đúng trong hiện tại thì không thể có tương lai được.

- Vậy theo ông, trong thời gian tới, chúng ta nên có những cách tiếp cận việc đọc sách, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0 này như thế nào?

- Nếu coi đọc sách là một thứ văn hóa như chúng ta quen nói về “văn hóa đọc” gần đây thì cho phép tôi được đặt câu hỏi: Liệu có thứ văn hóa nào hình thành trong vòng một vài thập niên không? Tôi nghĩ nếu muốn xây dựng một văn hóa nào đó, chúng ta cần kiên định trong khoảng thời gian vài thế hệ. Những gì ngành xuất bản, ngành giáo dục, ngành văn hóa và các tổ chức xã hội đang làm và vận động hiện nay nên coi như là những viên gạch ban đầu cho quá trình hình thành văn hóa đó. Tức là chúng ta cần có chiến lược dài hạn cho việc phát triển văn hóa học tập trong xã hội mà việc đọc là một thành tố.

Quan sát quá trình chuyển đổi số đang diễn ra trên thế giới trong khoảng một thập niên vừa qua, có thể nhận thấy: Những tiến bộ công nghệ khiến ngành xuất bản dần thoát khỏi cái bóng của cuộc cách mạng in ấn gắn với sách giấy do Gutenberg đặt nền móng từ sáu thế kỷ trước, giải phóng tư duy sáng tạo và kết quả là hình thành nhiều thể loại sản phẩm nội dung mang hình thức mới: sách điện tử, sách nói, sách phim ảnh… và cả những dạng thức nội dung khác lưu hành trên các nền tảng công nghệ trong mạng lưới liên kết rộng rãi của internet như Blog, Facebook, Podcast hay Netflix…

Con người không còn chỉ đọc và tiếp thu tri thức qua những trang giấy mà giờ đây đã học hỏi và thu nhận kiến thức qua nghe, nhìn nữa. Tác giả và dịch giả cũng không còn chỉ là con người bằng xương bằng thịt mà máy móc bắt đầu tham gia vào quá trình tạo nên tác phẩm… Vô số những dịch chuyển như thế đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ trong kỷ nguyên 4.0. Việt Nam có cơ hội để nắm lấy tương lai ấy bằng cách theo sát hơi thở thời đại, như tôi nêu ở trên, thông qua nghĩ đúng và làm đúng.

- Dịch bệnh vẫn đang khiến cho sự vận động của cả thế giới trở nên khó đoán. Ðiều đó liệu có tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành xuất bản, nói riêng?

- Tình hình năm 2021 tiếp tục bất định, khó đoán trước, ngoài hai điều chắc chắn: dịch bệnh chưa thể được kiểm soát hoàn toàn, tức là chúng ta phải thay đổi lối sống, làm quen và thích nghi với cuộc sống bình thường mới - mà tôi cho là từ nay đã trở thành cuộc sống bình thường. Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam và thế giới tiếp tục gặp khó khăn do hệ quả của dịch bệnh, và hơn thế còn phải đương đầu với một thách thức mới khốc liệt không kém - đó là biến đổi khí hậu mà cụ thể là hiện tượng La Nina đã xuất hiện từ nửa cuối năm 2020.

Với ngành xuất bản, tôi cho rằng năm 2021 có một số xu hướng như sau: Một số dòng sách nổi bật của 2020 tiếp tục có dấu ấn trong 2021 như: lịch sử, y học, giáo dục và học liệu home schooling, kỹ năng quản lý công việc và cuộc sống. Bên cạnh đó là những xu hướng mới: môi trường, sách minh họa (đã xuất hiện như dự báo của tôi trong năm 2020 và giờ đây sẽ trở thành dòng chủ lưu), content công nghệ (sự kết hợp của nhiều định dạng nội dung từ giấy đến số, tương ứng với các nền tảng công nghệ tương tác
khác nhau).

Cuối cùng, tôi cho rằng ranh giới giữa báo chí và xuất bản đang dần bị xóa nhòa. Chúng ta hãy đón chờ những hình thức mới của nền công nghiệp nội dung đang chuyển đổi mạnh mẽ trong vài thập niên vừa qua.

- Xin cảm ơn ông!