Nhà nghiên cứu Ðặng Trọng Hộ:

Bảo tồn phải gắn liền với khai thác, phát huy vốn văn hóa truyền thống

Là một trong số rất ít người Kinh tham gia viết giáo trình và giảng dạy tiếng Cơ Ho, Mạ cho cán bộ, công chức làm việc tại vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Lâm Ðồng, với niềm đam mê, tâm huyết và sự hiểu biết vốn văn hóa truyền thống Tây Nguyên, trong nhiều năm qua, nhà nghiên cứu Ðặng Trọng Hộ (ảnh nhỏ) đã chủ trì một số công trình nghiên cứu có giá trị…

Hát kể sử thi, dân ca, dân nhạc, dân vũ vẫn được duy trì nhưng thiếu linh hồn…
Hát kể sử thi, dân ca, dân nhạc, dân vũ vẫn được duy trì nhưng thiếu linh hồn…

Nhận diện để chọn lọc tinh hoa

- Thưa ông, muốn bảo tồn và phát huy hệ thống di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, theo tôi, trước hết phải nhận diện một cách khách quan và đầy đủ các giá trị cần được lưu giữ và trao truyền…

- Ðúng vậy. Trên cơ sở nhận diện mới chọn lọc được những tinh hoa văn hóa để bảo tồn, phát huy và xây dựng những giá trị văn hóa mới phục vụ sự phát triển bền vững. Khi tìm hiểu, nghiên cứu, nhận diện một vùng văn hóa hoặc một nền văn hóa nào đó cần dựa vào hai bộ công cụ quan trọng: Hệ tọa độ ba chiều (chủ thể văn hóa, không gian văn hóa, thời gian văn hóa) và các đặc trưng văn hóa (tính hệ thống, tính giá trị, tính nhân sinh và tính lịch sử). Sự nghiên cứu chuyên sâu này giúp cho việc nhận diện được bản sắc văn hóa tộc người. Từ đó, tránh được việc nói đến văn hóa Tây Nguyên không nói bản sắc chung chung mà phải là bản sắc văn hóa tộc người. Tuy nhiên, nhận diện và khái quát được bản sắc văn hóa tộc người là vấn đề rất khó khăn, phải bắt đầu từ những dấu hiệu bao gồm: giá trị tinh thần, tồn tại tương đối lâu dài, có tác dụng chi phối các đặc điểm khác, có khả năng khu biệt nền văn hóa này với nền văn hóa khác…

Bảo tồn phải gắn liền với khai thác, phát huy vốn văn hóa truyền thống -0
 

- Ông có quá trình nghiên cứu khá toàn diện về di sản văn hóa cổ truyền Tây Nguyên, trong đó Cơ Ho là sắc tộc mà ông có sự hiểu biết sâu nhất. Từ trường hợp Cơ Ho, ông có thể phát biểu ý kiến của mình về thực trạng đáng lo ngại về sự biến đổi theo chiều hướng mai một bản sắc văn hóa tộc người?

- Bất kỳ nền văn hóa nào cũng trải qua quá trình giao lưu, hội nhập có thể là theo cách “cưỡng bức” hoặc “tự nguyện”. Vì vậy cần đặt những yếu tố truyền thống trên cơ sở hồi cố, truy nguyên và mô tả trong xã hội hiện đại để thấy rõ sự biến đổi có thể theo chiều hướng tiếp biến hoặc theo chiều hướng mai một bản sắc. Nếu theo cách nhìn này, chúng ta có thể luận giải về một số phương diện cơ bản của văn hóa truyền thống của tộc người Cơ Ho trong xã hội đương đại, như sau:

Tín ngưỡng đa thần của đồng bào gắn liền với chuỗi nghi lễ nông nghiệp; từ đó hình thành một hệ thống lễ hội: từ lễ cúng Thần Ðất, Thần Núi... đến cầu mùa, mừng lúa mới, bỏ mả... Hiện nay, điều kiện tự nhiên bị phá vỡ, tập quán mưu sinh thay đổi cùng với sự chi phối của các tôn giáo, các lễ hội truyền thống hầu như vắng bóng. Thay vào đó là các lễ hội “mới” do chính quyền tổ chức. Ở đó, vẫn có nghi lễ cầu thần, hiến tế, diễn tấu cồng chiêng nhưng ý nghĩa và giá trị tinh thần đã được chuyển dịch.

Ðiều hành xã hội bằng luật tục trong thiết chế cổ truyền là một biểu hiện độc đáo của người Cơ Ho nói riêng và của các dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung. Khi chưa có luật pháp, công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội chính là luật tục (tập quán pháp). Ðó là một hệ thống văn bản truyền miệng bằng văn vần chế định tất cả mọi phương diện của đời sống xã hội và được cả cộng đồng triệt để tuân thủ. Hiện nay, nhiều nội dung của luật tục mang tính hủ tục và có độ vênh, thậm chí trái với luật pháp nhưng vẫn có nhiều nội dung tích cực cần được khai thác.

Nghệ thuật diễn xướng và nhạc cụ cổ truyền của các dân tộc Tây Nguyên có nhiều biến đổi. Ðặc biệt, nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng cổ truyền vốn được tiến hành rất nghiêm ngặt từ các bản tấu, nghệ nhân, không gian, hoàn cảnh đến chức năng cơ bản là tế lễ nhưng nay những quy chuẩn mang giá trị truyền thống đã bị mai một nhiều, đặc biệt là mất đi không gian thiêng vốn dĩ. Hát kể sử thi, dân ca, dân nhạc, dân vũ vẫn được duy trì nhưng thiếu linh hồn vì tâm lý, ý thức cộng đồng
và không gian diễn xướng thay đổi.

Kiến trúc dân gian đặc sắc của đồng bào Cơ Ho chính là nhà dài. Tuy nhiên, hiện nay loại hình kiến trúc này đã dần vắng bóng và thay vào đó là những thiết chế văn hóa hiện đại, mà nhà văn hóa cộng đồng là một thí dụ. Ðiều đáng quan tâm là những thiết chế văn hóa đó lại xa rời truyền thống văn hóa tộc người từ vị trí, kiến trúc, trang trí đến công năng.

Niềm tự hào tộc người đang dần phai nhạt

- Những nguyên nhân chính dẫn đến sự mai một văn hóa truyền thống Tây Nguyên, và hậu quả của nó, thưa ông?

- Nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là sự chi phối của quy luật phát triển của lịch sử - văn hóa; sự thay đổi của môi trường tự nhiên, xã hội; vấn đề bản lĩnh văn hóa trong việc xử lý các yếu tố ngoại lai và trách nhiệm của các cơ quan quản lý bởi cách làm hời hợt và áp đặt. Sự biến đổi cũng dẫn đến ba nguy cơ sau: Làm biến mất bản sắc văn hóa tộc người; con người Tây Nguyên sẽ mất điểm tựa văn hóa từ đó dẫn đến xa rời cộng đồng, mất phương hướng tự điều chỉnh và tự giáo dục; phá vỡ tính ổn định và phát triển bền vững của xã hội.

- Tiếng nói là biểu hiện sinh động và mạnh mẽ nhất của bản sắc văn hóa tộc người, nhưng hiện nay, ở cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, hiện tượng quên dần tiếng mẹ đẻ đang diễn ra khá phổ biến ở lớp trẻ. Ông có thể phân tích rõ thêm về những hậu quả của hiện tượng đáng lo ngại này?

- Biểu hiện rõ nhất là vốn từ tiếng mẹ đẻ của họ nghèo nàn nên thường phải mượn từ tiếng Việt thay thế. Theo ghi nhận của tôi, còn rất ít bạn trẻ nhớ và sử dụng được những từ thuộc về văn hóa cổ truyền. Nguyên nhân có thể do môi trường, điều kiện giao tiếp và thực hành tiếng mẹ đẻ của thế hệ trẻ ngày càng ít đi, từ đó, họ hình thành tâm lý ngại dùng. Ðiều này càng làm cho họ phai nhạt niềm tự hào dân tộc, dần mất đi tâm hồn và tính cách dân tộc, xa rời những giá trị cơ bản của văn hóa tộc người.

- Ông là một trong số ít người Kinh có nhiều năm dạy tiếng Cơ Ho, Mạ cho người Kinh và cả người các dân tộc thiểu số tại địa phương; đối với công việc này, ông có thể định lượng và định tính về kết quả, hiệu quả của nó?  

- Tôi làm công việc này từ năm 2005, khi tỉnh Lâm Ðồng triển khai dạy tiếng Cơ Ho, Mạ và Chu Ru cho cán bộ, công chức đang công tác trong vùng dân tộc. Học viên chủ yếu là người Kinh. Thanh âm các ngôn ngữ đó được cất lên từ học viên cho dù còn ngọng nghịu nhưng đối với tôi có sức hấp dẫn kỳ lạ. Tôi khích lệ họ học để giao tiếp với đồng bào, yêu thêm con người và văn hóa của họ. Phần lớn học viên đều có thể giao tiếp ở mức độ đơn giản, thông thường; một số người có thể sử dụng thành thạo tiếng nói đồng bào trong giao tiếp, thậm chí trong nghiên cứu văn hóa.

- Từ góc độ một nhà nghiên cứu, ông nhìn nhận như thế nào về các giải pháp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang được triển khai? Cá nhân ông có đề xuất gì? 

- Theo tôi, vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên hiện nay đang đi đúng hướng, tức là đang thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước. Nhiều công trình nghiên cứu, nhiều chương trình, đề án đã và đang được tiến hành. Nhưng đánh giá một cách khách quan là hiệu quả chưa thật sự cao. Theo tôi, cần giải quyết một số vấn đề quan trọng như sau: Thứ nhất, các công trình nghiên cứu với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cần gắn với việc nghiên cứu kinh tế - xã hội đương đại. Thứ hai, khi chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đời sống xã hội cần tiếp tục có sự tư vấn của các nhà khoa học. Thứ ba, tránh triển khai các đề án mang tính chủ quan, áp đặt, thiếu khoa học. Thứ tư, cần bảo tồn có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm; bảo tồn phải gắn liền với khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, tức là bảo tồn động, bảo tồn trong sự phát triển. Thứ năm, các cơ quan nhà nước chỉ nên đóng vai trò định hướng, quản lý và huy động các nguồn lực phục vụ cho việc nghiên cứu và phục dựng các giá trị cổ truyền, tránh những sự can thiệp phi chuyên môn…

- Xin cảm ơn ông về nội dung cuộc trò chuyện thú vị và cởi mở này!