NSND Quốc Hưng:

Âm nhạc cổ vũ tinh thần mọi người trong thời điểm khó khăn

Trong những ngày dịch bệnh căng thẳng, Nghệ sĩ nhân dân Quốc Hưng (ảnh nhỏ), hiện là Trưởng khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, đã gửi đến công chúng, đặc biệt là các chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch MV "Anh sẽ về nhưng không phải hôm nay". Ca khúc đã ngay lập tức nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả cũng như sự đồng cảm, chia sẻ của các lực lượng đang vất vả ngày đêm trong vùng dịch bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nhóm thiện nguyện cắt tóc miễn phí cho các y, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức trước ngày lên đường vào Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV
Nhóm thiện nguyện cắt tóc miễn phí cho các y, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức trước ngày lên đường vào Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV

Những hình ảnh in mãi trong tâm trí

-Thưa Nghệ sĩ nhân dân Quốc Hưng, anh đã "gặp" ca khúc này trong hoàn cảnh như thế nào?

Âm nhạc cổ vũ tinh thần mọi người trong thời điểm khó khăn -0

- Ðấy là thời điểm dịch bệnh bùng phát ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhìn con số F0, F1 tăng cao mỗi ngày rất sốt ruột. Tôi có một người bạn tên là Nguyễn Văn Ngọc, ở phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên) - khi đó, khu vực này cũng đang có nhiều ca bệnh. Ở giữa tâm dịch, anh ấy thường hay chia sẻ thông tin với bạn bè để cùng động viên nhau vượt qua khó khăn. Là chỉ huy chốt trực, anh Ngọc nhiều ngày không được về nhà với vợ con. Ðêm ấy anh Ngọc thức đến 3 giờ sáng và viết bài thơ "Anh sẽ về nhưng không phải hôm nay", viết xong thì gửi cho tôi đọc. Bài thơ viết về nỗi lòng, tình cảm của những người đang miệt mài ngày đêm ở tuyến đầu chống dịch rất xúc động. Tôi gửi ngay bài thơ cho nhạc sĩ Kiên Ninh và thật bất ngờ là chỉ sau hai giờ đồng hồ Kiên Ninh gửi lại cho tôi bản nhạc cậu ấy vừa viết. Tôi vội "vỡ bài", thu âm rồi chuyển đi hòa âm phối khí. Chỉ có hai ngày thôi cho hành trình từ một bài thơ đến một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh để sẵn sàng gửi tặng khán giả - đây là khoảng thời gian ngắn nhất cho một bài hát mà tôi đã làm. Hơi tiếc một chút là nếu có nhiều thời gian hơn, chất lượng tác phẩm sẽ hay hơn. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là thời điểm. Một bài hát được truyền đi đúng lúc nó sẽ góp phần cổ vũ động viên nhân dân và cán bộ, chiến sĩ đang phải gồng mình chống dịch. Nhất là lúc đó tình hình ở Bắc Ninh, Bắc Giang vô cùng căng thẳng, và nắng tháng 6 như đổ lửa làm suy kiệt sức lực mọi người.

- Ðiều gì trong ca khúc khiến anh tâm đắc nhất?

- Thật sự những lời thơ của anh Ngọc đã nói thay tiếng lòng của tôi thời điểm đó. Nó cũng là lời tri ân của không chỉ riêng cá nhân tôi, dành cho những con người không quản ngại khó khăn vì sức khỏe của đồng bào vùng dịch. Tôi đã hát với tất cả niềm xúc động của mình. Rất nhiều bác sĩ đã chia sẻ với tôi rằng, họ cảm thấy được động viên rất nhiều khi nghe ca khúc. Có người bạn là bác sĩ gọi cho tôi và nói, chị đã khóc rất nhiều khi nghe xong bài hát. Ðã hai tháng chị chưa được về nhà...

- Theo anh, những tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng có ý nghĩa như thế nào trong việc động viên tinh thần mọi người vượt qua khó khăn trong những tháng ngày này?

- Tôi nghĩ rằng trong những thời điểm khó khăn, thì tiếng nói của các văn nghệ sĩ nói chung, thông qua tác phẩm của mình, có giá trị vô cùng lớn lao. Riêng âm nhạc, với những đặc thù riêng, sự tác động càng mạnh mẽ. Tác phẩm âm nhạc thường ảnh hưởng trực tiếp, nhanh chóng, đến thẳng với trái tim người nghe và tạo ra sự tương tác rất lớn với khán giả. Không chỉ trong thời kỳ dịch bệnh khó khăn này, nếu chúng ta nhìn lại quá khứ, nhất là trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, có thể dễ dàng nhận thấy âm nhạc đã đóng góp đáng kể vào chiến thắng cuối cùng của dân tộc. Phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" là một thí dụ. Trong kháng chiến, hàng nghìn nghệ sĩ đã mang tiếng hát của mình đến từng chiến hào, hát để cổ vũ tinh thần người lính trước một trận đánh, an ủi những thương, bệnh binh. Người nghệ sĩ hôm nay cũng đang tiếp nối tinh thần đó, mang tiếng hát của mình tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các y, bác sĩ và lực lượng Công an, Quân đội đang chống dịch. "Chống dịch như chống giặc" chính là như vậy. Mà "giặc" hôm nay chúng ta đang chống còn có phần nguy hiểm hơn, vì chúng ta không nhìn thấy nó. Bất cứ lúc nào những người trên tuyến đầu chống dịch cũng có thể bị "giặc" tấn công, lây nhiễm virus corona.

- Dịch bệnh đã làm thay đổi anh như thế nào?

- Cách đây mấy ngày tôi có tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức, đóng góp một chút đồ dùng, trang thiết bị y tế cho đoàn 300 bác sĩ của bệnh viện lên đường vào chi viện cho TP Hồ Chí Minh. Tôi đã chứng kiến cảnh các bác sĩ cắt tóc cho nhau trước giờ lên đường. Cả bác sĩ nữ cũng cắt phăng đi mái tóc dài của mình. Họ bảo phải cắt tóc trước khi đi vì vào trong đó rất bận rộn không có thời gian chăm sóc. Nhiệm vụ của các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức trong chuyến đi này là chăm sóc các bệnh nhân nặng. Họ không biết ngày nào sẽ trở về. Tôi đã lặng người khi chứng kiến những hình ảnh này. Ðó sẽ là những hình ảnh găm mãi, in sâu mãi trong trí nhớ của tôi. Ðâu phải với riêng tôi, mà dịch bệnh ít nhiều thay đổi tất cả chúng ta. Ai cũng mong chiến thắng, những ngày khó khăn rồi sẽ ở lại đằng sau. Nhưng mỗi người cần phải học bài học kiên nhẫn, và phải có trách nhiệm chung tay cùng Chính phủ chống dịch.

Không học thì khó đi đường xa

- Trong dịch bệnh, có rất ít các hoạt động biểu diễn, nhưng bù lại nhiều nghệ sĩ lại chăm chỉ làm MV. Anh có nghĩ đây là "lối thoát" cần thiết để các ca sĩ đến với khán giả của mình thời điểm này?

- Tôi nghĩ đây là một xu hướng tốt. Nghệ sĩ mà một vài ngày không được biểu diễn là đã rất nhớ nghề rồi huống gì phải "im lặng" trong suốt thời gian dịch bệnh kéo dài. Trong thời kỳ giãn cách, nghệ sĩ vẫn có thể đến với công chúng bằng các sản phẩm âm nhạc phát hành trên các nền tảng số. Ðây là cơ hội để rèn nghề, cũng là để gần gũi công chúng hơn. Thuận lợi nữa là, khi mọi người đều nghỉ dịch ở nhà, nhu cầu giải trí sẽ tăng cao, thì sản phẩm của nghệ sĩ cũng có cơ hội tiếp cận công chúng được nhiều hơn.

- "Một giọng hát vàng, một giọng bass quý giá cả triệu người may ra có một" - là nhận xét của cố Nghệ sĩ nhân dân Quý Dương dành cho anh, từ khi anh chưa trở thành một ca sĩ. Ðã có một "vốn liếng" giàu có như vậy rồi, anh vẫn luôn cặm cụi học, đến giờ là tiến sĩ về thanh nhạc. Vậy anh quan niệm ra sao về việc học đối với người ca sĩ?

- Tôi xuất thân là nghệ sĩ chèo, nhưng số phận đã cho tôi những cuộc "rẽ ngang" ngoạn mục. Khi bắt đầu học thanh nhạc, ngoài giọng hát ra tôi thật sự không biết chút gì về nhạc lý, nhưng vì không ngừng học nay tôi đã bảo vệ xong luận án tiến sĩ. Tôi cho rằng, làm nghệ sĩ hay bất cứ nghề gì đi nữa, thì việc học vẫn luôn cần thiết. Vốn của mình có giàu đến bao nhiêu nếu không học thì cũng khó đi đường xa.

-Trên cánh đồng âm nhạc, hoa thơm và cỏ dại đang lẫn lộn, nhất là nhạc trẻ. Ai cũng có thể tự sáng tác, biểu diễn, thậm chí tự phát hành sản phẩm của mình nhờ công nghệ trợ giúp, không cần biết hay dở. Anh nhận xét gì về tình trạng này?

- Ðúng là "cánh đồng" mà bạn vừa đề cập đang lẫn lộn nhiều thứ: hoa thơm có và hoa không ngửi được có, rồi cỏ dại cũng rất nhiều. Nhiều bạn trẻ có hình thức, được học nhảy múa, có tiền, rồi nhờ trợ giúp của kỹ thuật phòng thu hiện đại có thể cho ra những sản phẩm đèm đẹp rồi dùng chiêu trò để câu like, câu view để tìm sự nổi tiếng. Những thí dụ như vậy sẽ luôn có trong thị trường hiện nay, mà tôi nghĩ chúng ta chẳng cần phải bận tâm nhiều bởi quy luật đào thải tự nhiên sẽ chỉ giữ lại những gì là giá trị thật. Cá nhân tôi thấy rằng, những ca sĩ trẻ được học hành bài bản từ các trường nghệ thuật vẫn luôn có chỗ đứng xứng đáng trong đời sống âm nhạc.

- Xin cảm ơn Nghệ sĩ nhân dân Quốc Hưng về cuộc trò chuyện.