Triển lãm bản đồ, hiện vật về Hoàng Sa- Trường Sa bằng ba ngôn ngữ

NDO -

NDĐT- Trên cơ sở kết quả các cuộc triển lãm đã được tổ chức tại Đà Nẵng và Hà Tĩnh, sáng 9-7, tại Hà Nội, Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với Ủy ban Biên giới Quốc gia, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, Hội khoa học lịch sử Việt Nam và nhiều cơ quan liên quan đã tổ chức triển lãm bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng và lịch sử” bằng ba ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.

19 Bộ châu bản thời Nguyễn (ảnh: Linh Phan)
19 Bộ châu bản thời Nguyễn (ảnh: Linh Phan)

Nét nổi bật của triển lãm lần này so với hai cuộc triển lãm trước là: nội dung triển lãm được mở rộng và chú giải đầy đủ, có thêm phần chú giải bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Bên cạnh đó, các nhóm bản đồ của Việt Nam, Trung Quốc, các nước phương Tây được đặt liền cạnh nhau, làm nổi bật khẳng định rằng “ranh giới cực nam của Trung Quốc không vượt quá đảo Hải Nam”, và “Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa một cách thực sự, đầy đủ và không hề gặp phải sự phản đối hay tranh chấp của bất cứ một quốc gia nào trong nhiều thế kỷ liên tục”.

Đáng chú ý, triển lãm trưng bày đầy đủ 19 bộ châu bản của triều đình nhà Nguyễn thực thi chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đánh giá về 19 bộ châu bản này, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại, ông Lê Văn Nghiêm nói: “có thể nói rằng trên thế giới cũng như trong khu vực, không có nước nào có bộ tư liệu như thế. Đây là bộ văn bản chính thức do nhà Vua ban hành, trực tiếp thể hiện việc xác lập, khẳng định thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”.

Với gần 150 bản đồ và nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật và ấn phẩm được trưng bày là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế, đáng kể là bộ bản đồ và atlas của ông Trần Thắng-Việt kiều Mỹ sưu tầm và hiến tặng, triển lãm chia thành năm nhóm tư liệu chính, bao gồm: 1/ Phiên bản của các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX; 2/Tập bản đồ gồm 95 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam, đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây và Trung Quốc công bố từ thế kỷ XVI đến nay; 3/ Ba cuốn Atlas (tập bản đồ chính thức) do các nhà nước Trung Quốc xuất bản trong các năm 1908, 1919 và 1993; 4/ Một số tư liệu, văn bản, ấn phẩm của các nhà nước phương tây từ thế kỷ XVIII đến XIX, tư liệu về quần đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hòa về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; 5/ Một số hình ảnh, tư liệu về hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của Hoàng Sa và Trường Sa trong thời gian gần đây.

Phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm, Thứ trưởng Thông Tin Truyền thông Đỗ Quý Doãn khẳng định: “Triển lãm lần này với gần 200 bản đồ và tư liệu hiện vật quý giá từ các triều đại phong kiến trước đây, cũng như nhà nước Trung Quốc qua các thời kỳ, của các nhà nước phương Tây, các triều đại phong kiến Việt Nam cũng như nhà nước Việt Nam là dịp để khẳng định chủ quyền của chúng ta tại hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Đây cũng là dịp để chúng ta gửi thông điệp đến với bạn bè thế giới cũng như nhân dân Trung Quốc rằng nhân dân ta từ bao đời nay đã bảo vệ gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của mình ở quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa với một tinh thần đoàn kết, hữu nghị và tôn trọng pháp luật quốc tế. Và triển lãm này cũng để tri ân đồng bào, chiến sĩ trong cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài trong bao nhiêu năm qua đã sưu tầm, gìn giữ và hôm nay hiến tặng để chúng ta tổ chức triển lãm, làm tài liệu hết sức quý giá cho hôm nay và muôn đời sau”.

Cục trưởng Lê Văn Nghiêm cho biết, sau triển lãm tại Hà Nội, trong tháng 8, một triển lãm với quy mô tương tự sẽ được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong chiến lược thông tin đối ngoại, các bản đồ, tư liệu quý về Hoàng Sa-Trường Sa sẽ được số hóa toàn bộ, để xây dựng thành một bộ tư liệu bằng phần mềm, phục vụ cho công tác tuyên truyền, quảng bá ra bên ngoài.

Triển lãm mở cửa phục vụ công chúng đến hết ngày 15-7 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Triển lãm bản đồ, hiện vật về Hoàng Sa- Trường Sa bằng ba ngôn ngữ ảnh 1

Tâm bản đồ được chú thích bằng ba thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc (ảnh: Linh Phan)

Triển lãm bản đồ, hiện vật về Hoàng Sa- Trường Sa bằng ba ngôn ngữ ảnh 2

Cắt băng khai mạc triển lãm (ảnh: Đặng Giang)