Trên những kẽ nứt mông lung

Với Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 18/11 tại Ai Cập, nhân loại có thêm một cơ hội nữa để thúc đẩy hành trình cứu hành tinh, cũng là cứu chính mình khỏi hiểm họa diệt vong. Có điều, con đường ngỡ là tất yếu ấy, lại đang bị đặt trước quá nhiều trắc trở.
0:00 / 0:00
0:00

HIỆN thực đó đã được Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry xác nhận, ngày 31/10, rằng: Việc tạo dựng thỏa thuận khí hậu tại Hội nghị COP27 ở thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập sắp tới sẽ gặp nhiều trở ngại hơn bất kỳ cuộc đàm phán nào trước đây, do nền kinh tế toàn cầu đang "chấn động" bởi những hệ lụy từ căng thẳng địa chính trị liên quan cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Một cách hình ảnh, ông Sameh Shoukry cho rằng thỏa thuận đạt được tại COP26 ở Glasgow (Vương quốc Anh) cuối năm ngoái đã bị lu mờ bởi những sự kiện gần đây, khiến cho việc đi tới một thỏa thuận tiếp nối ở COP27 "trở nên mong manh hơn".

Và thêm vào đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập cảnh báo: Các nước "giàu" đang đánh mất lòng tin từ những nước đang phát triển, khi "tụt lại" trong các cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như cung cấp ngân sách tài chính khí hậu cho các nước "nghèo".

THỰC tế này có lẽ là bất khả kháng, xuất phát từ những chỉ số lạm phát hay giá cả thực phẩm hoặc chi phí sinh hoạt đang tăng thêm mỗi ngày ở những nước phát triển. Đơn cử, tính đến ngày 19/10, chỉ số lạm phát tại một quốc gia giàu mạnh như Anh cũng đã lên tới 10,1% (cao nhất trong vòng 40 năm qua). Đây cũng là tình trạng chung đã và đang khiến rất nhiều chính phủ phương Tây chao đảo.

Và đương nhiên, ai cũng phải "lo cho chính mình". Không phải ngẫu nhiên, ngày 31/8, cuộc họp các quan chức cấp cao Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về vấn đề khí hậu tại Bali (Indonesia) đã khép lại mà không thể ra được tuyên bố chung, bất kể lời cảnh báo: Nếu các nền kinh tế hàng đầu thế giới không chung tay hành động để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, Trái đất có thể trở thành hoang mạc.

Vấn đề cốt lõi, vẫn luôn chỉ là nguồn ngân sách tài chính, cũng như sự phân bổ các nghĩa vụ đóng góp tài chính cho mục tiêu chung. Nó tạo nên một cái vòng luẩn quẩn: Các nước nghèo cần được hỗ trợ, nhưng các quốc gia phát triển hiện cũng không còn quá "dư dả". Để có được những nguồn lực cần thiết, các nước "giàu" cũng lại buộc phải duy trì được đà tăng trưởng kinh tế.

Song, điều này cũng lại rất gần với viễn cảnh: Việc cắt giảm lượng khí thải theo đúng cam kết tại COP26 (giảm 30% lượng phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so mức năm 2020, giảm 50% khí thải vào năm 2030 và đưa phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050, nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức ở 1,5 độ C so thời kỳ tiền công nghiệp, để ngăn ngừa những ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu) trở nên bất khả thi, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến khá nhiều kết cấu kinh tế-xã hội.

RẤT khó khăn, nhưng từ góc nhìn về sự tồn vong của cả loài người, hiện trạng này lại khó có thể chấp nhận như lẽ tất yếu. Bởi, từ mùa hè, giới nghiên cứu khoa học đã kêu gọi thế giới chuẩn bị cho các kịch bản khí hậu cực đoan hơn nữa, có thể tạo ra những tác động thảm khốc hơn nữa.

Khi những cơn ác mộng ấy mỗi lúc một trở nên rõ ràng hơn trong hiện thực, lời "kêu cứu" của nhóm những nước và khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, mà điển hình là nhiều nước châu Phi, lại càng thêm vô vọng.

Và vẫn luôn có một nghịch lý được nhắc tới gần đây: Châu Phi chỉ chiếm khoảng 3-4% lượng khí thải toàn cầu, nhưng lại đang phải chịu những hậu quả khốc liệt nhất của tiến trình biến đổi khí hậu. Vậy thì, chuyện "Lục địa đen" không được hỗ trợ đầy đủ để tự làm giảm các thiệt hại cho mình theo đúng cam kết từ các nước phát triển, liệu có quá bất công?

Liệu những vướng mắc này có thể được gỡ bỏ phần nào ở COP27, nhằm củng cố lại một ý chí đồng thuận chung, hay không?