Pơ-lang - cây thiêng bảo hộ
Một ngày trước khi lễ hội Tăm Blang M’prang Bon diễn ra, Y Xuyên, Trưởng bon Ja Rah (xã Nam Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) cùng đám trẻ trong làng đến chân núi Nâm Nung, xin phép thần linh mang về làng những cây Blang (Pơ-lang - cây gạo) còn nhỏ.
Đặt cẩn thận những cây con vào gùi, Y Xuyên cắt nghĩa, cây Pơ-lang mọc dưới những tán rừng già chính là vật lễ không thể thiếu trong ngày hội. Loài Pơ-lang không chỉ là cây thần bảo vệ bon làng trước ma quỷ, mà còn là biểu tượng khát vọng hòa bình, cầu cho mưa thuận gió hòa.
Không xa chân núi, phiên chợ sớm của bon Ja Rah hôm nay rộn rã tiếng cười hơn mọi ngày. Tạm gác chuyện mùa màng năm qua, đàn bà, trẻ con trong bon ai nấy hào hứng chuẩn bị đồ cúng lễ. Các sản vật địa phương như gà rừng, heo, cơm lam và nải chuối rừng... được đặt lên bàn thờ để kính báo ông bà đã khuất về dự lễ. Trước ngày lễ hội, dân làng nô nức sắm sửa trang phục mới, trang trí nhà sàn tinh tươm để đón khách quý từ khắp nơi hội về.
Bon trưởng Y Xuyên kể, lễ Tăm Blang M’prang Bon xuất phát từ truyền thuyết xa xưa của tộc người Mnông Peh. Thuở trước, rừng Nâm Nung tồn tại một bộ tộc tên là Lao Bô (ma rừng) độc ác chuyên ăn thịt người. Hằng đêm, con ma rừng lẻn vào làng tìm phụ nữ, trẻ con dọa dẫm khiến người Mnông Peh nơm nớp lo sợ. Loài ma quỷ không sợ bất cứ thứ gì, duy loài cây Pơ-lang . Cũng từ đó, người Mnông tin rằng Blang là cây thiêng, là nơi trú ngụ của thần linh che chở dân làng. Đều đặn hằng năm, người dân lại tổ chức lễ hội trồng cây ngăn ma rừng xâm nhập phá hoại bon làng.
Sáng sớm trước khi lễ hội diễn ra, các già làng, nghệ nhân sẽ làm lễ cúng xin phép thần linh dựng cây Nêu. Cách khu vực trung tâm lễ hội không xa, hàng chục đứa trẻ có mặt tại nhà văn hóa cộng đồng chuẩn bị dụng cụ đào đất, trồng hàng rào Pơ-Lang. “Muốn xua đuổi tà ma phải trồng hàng cây Pơ-lang sao cho thẳng, sao cho đẹp nhất”, bon trưởng Y Xuyên vừa hướng dẫn, vừa nhẹ nhàng lấy từng cây Pơ-lang trong gùi đưa cho mỗi đứa trẻ.
Đám trẻ con mặt đứa nào đứa nấy nhem nhuốc bụi đất đỏ nhưng vô cùng hào hứng, chăm chú theo dõi từng cử chỉ của bon trưởng lúc trồng cây. Thỉnh thoảng chúng lại nháo nhác, òa khóc vì trót mạnh tay làm gãy một nhành cây. Ồn ào là thế nhưng khi đã quen tay, đám trẻ im phắc để tập trung nhiệm vụ.
Chuyện lên rẫy, lên nương với Y Xuyên hằng ngày đã quen. Ấy thế mà một buổi quản lý đám trẻ khiến bon trưởng mệt ra mặt. Dù vậy nhưng Y Xuyên vẫn vui vì “dạy trẻ con tham gia vào lễ hội qua việc trồng cây Pơ-lang không chỉ giúp tụi nhỏ hiểu về văn hóa dân tộc mà qua đó chúng thêm yêu tự nhiên”.

Trọn đêm đại ngàn
Nghệ nhân thổi M’buôt (nhạc cụ chế tác từ ống tre) H’Bơr, đứa con của bon làng Ja Rah, tuy đã trưởng thành nhưng mỗi khi trở về quê hương, chị vẫn nhớ mãi những lễ hội như lễ cầu mùa, cúng sức khỏe, cúng nhà mới, cúng thần rừng, được tổ chức định kỳ hằng năm. Đám trẻ con như H’Bơr cứ lẽo đẽo sau chân cha mẹ, ông bà học bài khấn, học các nghi lễ.
“Trong làng ai cũng nghèo nhưng lễ hội được người dân tổ chức đơn sơ mà ấm cúng lắm! Những điệu múa, tiếng cồng chiêng da diết là một phần tuổi thơ của bao người con Mnông chúng tôi. Mỗi mùa lễ hội, lòng những người con xa quê như chúng tôi cứ cồn cào mong ngóng được quay về”, chị H’Bơr tâm sự.
Trở về với bon làng lúc mặt trời đổ bóng, già làng Ama Xênh đại diện cho thế hệ cao tuổi tề tựu trước nhà văn hóa cộng đồng để làm lễ, báo với thần linh rằng dân làng đã hoàn thành việc trồng Pơ-lang xua đuổi tà ma. Già làng trang phục chỉnh tề, chậm rãi bước ra. Ông khấn thỉnh thần linh về chứng giám, phù hộ cho buôn làng. Ngày hội bắt đầu khi già Ama Xênh thực hiện nghi thức châm đuốc vào đống củi gọi Thần lửa về.
Trời càng về khuya, âm thanh cồng chiêng hòa cùng những điệu múa cứ rộn rã. Những chàng trai, cô gái người Mnông hằng ngày lam lũ bỗng hóa uyển chuyển trong những bài ca truyền thống… Bà con bon Ja Rah dành trọn đêm nay vui hội Tăm Blang M’prang Bon. Mọi người ca hát, say sưa trong men rượu cần để rồi ngày mai đây, lại trở về cuộc sống thường nhật. Chị H’Bơr thổi bản nhạc ngẫu hứng dựa trên âm hưởng của đồng bào Mnông khiến nhiều người lắng lại. “Bản nhạc kể về nỗi nhớ của những người con Mnông xa quê mỗi khi trong làng mở hội”, lời xì xầm phát ra từ nhóm thanh niên đang vít rượu cần.
Khuya. Khi màn sương trên đỉnh Nâm Nung phủ xuống cũng là lúc ngọn lửa thiêng của bon làng Ja Rah bùng cháy mạnh mẽ. Một nghệ nhân nao nức trong men rượu cần bắt đầu chỉ huy “dàn hợp xướng” chơi bản cồng chiêng “Bon làng sum họp”. Âm hưởng của núi rừng hòa cùng ánh lửa làm cái gió rét, cái âm u của núi rừng nhanh chóng xua tan. Những nụ cười, cái ôm siết chặt kéo dài…