Trao quyền quyết định cho người lãnh đạo

Doanh nghiệp nhà nước muốn được làm những công việc khó, mới và thật sự tiên phong, nhưng cơ chế hiện hành lại không tạo điều kiện thực hiện. Có quá nhiều cơ quan quản lý trong việc quyết định các vấn đề quản trị kinh doanh của doanh nghiệp.

Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, đơn vị thành viên của Vinalines đầu tư các bến container tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện). Ảnh: ĐỨC NGHĨA
Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, đơn vị thành viên của Vinalines đầu tư các bến container tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện). Ảnh: ĐỨC NGHĨA

Chưa có nhiều nỗ lực thay đổi thể chế

Tân Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, ông Tào Đức Thắng đã mở đầu phần phát biểu của mình tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước bằng một đề xuất cụ thể: "Để phát triển được, doanh nghiệp nhà nước phải được thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt, mở đường". Liệu đề xuất trên có thừa không khi mà đây chính là vai trò, vị trí của khu vực đang nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế?

Các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động trong những ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, nhưng là những ngành hẹp, như xăng dầu, điện lực, công nghệ..., đến một ngưỡng nào đó không gian tăng trưởng sẽ thu hẹp, đòi hỏi mở rộng hoạt động đầu tư, đổi mới công nghệ cũng như tìm kiếm cơ hội phát triển mới. Ngay cả trong lĩnh vực công nghệ viễn thông, dù có tới 96% số khách hàng sử dụng mạng điện thoại di động là của Viettel, VNPT và Mobifone, nhưng doanh thu từ viễn thông sẽ dần đi ngang rồi đi xuống. Vì thế, các nhà mạng phải nhìn vào dư địa của chuyển đổi số.

"Để thực hiện một dự án đầu tư, doanh nghiệp nhà nước mất hàng năm làm thủ tục, trong khi doanh nghiệp tư nhân chỉ cần một vài tháng là ký được hợp đồng. Trong bối cảnh cơ hội thị trường đến nhanh, qua cũng nhanh, doanh nghiệp nhà nước không thể cạnh tranh được với các quy trình, thủ tục hành chính" ông Thắng thẳng thắn cho hay.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 năm trở lại đây, hệ thống chính sách, pháp luật về doanh nghiệp nhà nước chủ yếu tập trung đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn; xử lý những tồn tại, tiêu cực, sai phạm trong thực hiện tái cơ cấu, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn trước..., cho nên chưa có nhiều nỗ lực thay đổi thể chế, cơ chế, chính sách nhằm tháo bỏ rào cản hành chính, khuyến khích mạnh mẽ đầu tư mở rộng kinh doanh, phát triển các ngành nghề, sản phẩm mới, nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo khoa học công nghệ phù hợp xu thế thời đại. Đó là chưa kể cách đánh giá, phân loại doanh nghiệp nhà nước theo từng dự án, thay vì tổng thể, khiến một vài dự án thua lỗ, kém hiệu quả sẽ che mờ toàn bộ thành quả kinh doanh khác...

"Chúng tôi rất muốn được Nhà nước giao việc khó, giao các công việc có tính chất mở đường, tiên phong, tạo áp lực lớn để doanh nghiệp nhà nước thực hiện các việc đó. Nhưng, cùng với đó là trao đầy đủ quyền kinh doanh doanh nghiệp", ông Thắng nói.

Cần có cơ chế "may đo" phù hợp

Bên cạnh mong muốn được hoạt động đúng theo nguyên tắc thị trường, Viettel và nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước đang cần nhiều cơ chế hơn để thực hiện vai trò chủ đạo, tiên phong, như cho phép doanh nghiệp nhà nước đầu tư mạo hiểm, tham gia vào các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) công nghệ đang rất phát triển ở Việt Nam; cơ chế đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm thị trường mới...

Lãnh đạo một doanh nghiệp nằm trong tốp đầu ngành dệt may Việt Nam về tỷ lệ lợi nhuận/tài sản, về năng lực cạnh tranh, cả về thị phần... nhưng ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex cảm thấy băn khoăn về vị trí của Tập đoàn. "Khái niệm chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực dệt may là gì, có phải là chủ đạo về lợi nhuận, về thị phần không? Chúng tôi không phải là lĩnh vực thiết yếu, Nhà nước có cần nắm giữ không?", ông Trường đặt câu hỏi.

Cái khó của Vinatex là doanh nghiệp nhà nước đa sở hữu, nhưng vẫn phải chịu các cơ chế quản lý của doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối. "Nếu nhà nước thấy không cần giữ chủ đạo, thì nên bán hết; nếu muốn giữ thì phải làm rõ và phải có cơ chế để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Nếu vì thủ tục, quy trình, doanh nghiệp nhà nước không có dự án đầu tư mới, không đầu tư công nghệ nguồn, không đầu tư vào sản xuất xanh..., sẽ tiếp tục thua kém", ông Trường thẳng thắn đề xuất.

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Hàng hải Lê Anh Sơn thấm thía những thay đổi trong cơ chế chính sách giúp tìm lại năng lực của một doanh nghiệp nhà nước vang tiếng một thời rồi rơi vào thua lỗ.

"Trong nhiều trường hợp, chúng tôi chỉ thay đổi một chút thôi về nhân sự, như thay vì bổ nhiệm là tuyển dụng người ở bên ngoài về nhưng phù hợp với vị trí, trả lương họ xứng đáng. Kết quả là thay đổi ngoạn mục hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Đây chỉ là một thí dụ để thấy các doanh nghiệp cần tự chủ, được chỉ đạo thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình", ông Sơn nhấn mạnh.

Rõ ràng, đã đến lúc không thể chỉ đưa ra khung khổ pháp lý chung cho các doanh nghiệp nhà nước như lâu nay. Đồng tình với kiến nghị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Chính phủ xác định rõ ngành, lĩnh vực then chốt cần có sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước phù hợp định hướng phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, sẽ cần có một nguyên tắc thống nhất trong hệ thống cơ chế, chính sách dành cho doanh nghiệp nhà nước. Đó là hệ thống cơ chế vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quyền của chủ sở hữu; vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong các ngành kinh tế chủ lực, có đầy đủ quyền tự chủ, được hoạt động và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác.

Chỉ như vậy, những doanh nghiệp đầu đàn mới đủ khả năng "nghĩ lớn, làm lớn", đầu tư các dự án quy mô lớn, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa đối với nền kinh tế và các thành phần kinh
tế khác.

Theo tính toán sơ bộ, tổng tài sản của khối doanh nghiệp nhà nước theo giá trị sổ sách năm 2021 khoảng 4 triệu tỷ đồng; quy mô tài sản bình quân của một doanh nghiệp khoảng 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016-2020 là 10,46%; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân là 4,87%, cao hơn khối doanh nghiệp tư nhân trong nước là 1,26%.