Vì văn chương, hay còn vì mục đích nào khác? (Tiếp theo và hết)

Kỳ 2

2. Về tập truyện ngắn Hoa cúc dại của Kim Ân - Vũ Thư Hiên

Bởi Nguyễn Vĩnh Nguyên quảng bá đây là sản phẩm từ “lối viết của một bậc thầy kể chuyện”, nên trước khi đọc, tôi đã chuẩn bị tâm thế đón đợi để tiếp nhận tác phẩm. Nhưng chưa hết nửa tập, tôi đã phải đặt cái tâm thế đón đợi kia sang một bên.

Tôi không rõ khi tập hợp và xuất bản tập truyện ngắn này, những người liên quan tổ chức theo cách thức nào, nhưng trên thực tế, toàn bộ truyện ngắn in trong Hoa cúc dại đã công bố trên internet từ khá lâu, có thể kiểm chứng bằng cách khảo sát theo từ khóa: Đôi mắt màu đêm, Lời xưng tội lúc nửa đêm, Nấm mồ, Đường số 4, Người chỉ đường ở Lyon, Hoa cúc dại, Ông thông gia, Sao đổi ngôi, Cái bóng, Đêm mất ngủ, Cõi âm, Đêm mùa xuân, Ba ngày ở thị trấn Cù Cưa, và các truyện đều ghi rõ tác giả Vũ Thư Hiên. Cho nên, dù coi việc tập hợp truyện ngắn đã công bố để xuất bản thành tập là bình thường thì ở đây, tôi vẫn bày tỏ thắc mắc: Tại sao khi xuất bản Hoa cúc dại, NXB Phụ nữ phải đổi toàn bộ tên tác giả từ Vũ Thư Hiên thành Kim Ân?

13 truyện ngắn in trong Hoa cúc dại tập trung vào hai phạm vi đề tài khá cụ thể: một là chuyện về con người và sự kiện ở Việt Nam nơi tác giả đã biết, đã trải qua (trong đó cảnh và người Việt Bắc khá rõ); hai là chuyện về con người và sự kiện ở một số nước châu Âu nơi tác giả đã sống, đã ghé qua. Nhưng dù trong phạm vi đề tài nào thì chuyện vẫn được kể một cách chậm rãi, tác giả rất ít dụng công cho biện pháp kỹ thuật để chuyện kể trở nên hấp dẫn, mà thường dông dài, đa số truyện gần gũi với truyện ký hơn truyện ngắn. Một số truyện như được cấu tứ chủ yếu giúp tác giả bàn chuyện nhân tình thế thái, triết lý sự đời (như các truyện: Lời xưng tội lúc nửa đêm, Cõi âm). Cách kể - tả như vậy không mới, không cho thấy dấu ấn một “bậc thầy”, có truyện tác giả còn tỏ ra kém tay nghề, chẳng hạn như truyện ngắn Nấm mồ. “Một bậc thầy kể chuyện” sẽ không phải sử dụng tới 559 chữ (hơn hai trang giấy) chỉ để người kể chuyện ở ngôi thứ nhất lòng vòng mào đầu: “Câu chuyện tôi kể ở đây không dài, lại không có những diễn biến đan xen, bất ngờ, khả dĩ dắt dẫn người đọc tới những suy đoán mung lung, đặng tạo ra sự lôi cuốn. Vì lẽ đó nó sẽ không thú vị, hoặc kém thú vị, tính theo chuẩn văn chương quen thuộc. Xin rào trước một câu như thế để người viết khỏi bị những phiền trách về sau”; rồi bày tỏ “băn khoăn là nên chọn cho nó hình thức nào đây để nó không trở thành nhàm chán”; rồi giới thiệu nhân vật thứ nhất tên là gì, lai lịch và hoàn cảnh thế nào, quan hệ với người kể chuyện ra sao; rồi kể nhân vật thứ hai là ai, làm nghề gì, đặc điểm, hiện sống ở đâu; thậm chí chồng của nhân vật thứ nhất cũng được giới thiệu “tuy không đóng vai trò đáng kể nhưng cũng không thể vắng mặt trong câu chuyện”. Tôi thử đọc truyện ngắn Nấm mồ theo cách bỏ qua 559 chữ mào đầu, và không thấy tác phẩm suy suyển. Thiết nghĩ, căn cứ vào 13 truyện ngắn trong Hoa cúc dại, giả dụ coi Kim Ân - Vũ Thư Hiên là một trong các đại diện hàng đầu của văn chương của người Việt ở nước ngoài đã cần phải cân nhắc, huống hồ đại diện hàng đầu của văn chương Việt Nam đương đại.

Trong Hoa cúc dại, một số truyện ngắn của Kim Ân - Vũ Thư Hiên cũng đưa đến cái kết có hậu, ít nhiều có ý nghĩa nhân văn, có dấu ấn tình người (như các truyện: Nấm mồ, Ông thông gia, Đêm mất ngủ); tác giả cũng sử dụng yếu tố huyền ảo làm cho chuyện kể vừa hư vừa thực, tăng tính ly kỳ (như các truyện: Đôi mắt màu đêm, Cõi âm). Nhưng lối kể dông dài trong các truyện ngắn dễ làm người đọc khó nhẫn nại đi cùng tác giả đến cuối cùng, hoặc khiến yếu tố huyền ảo trở nên nhạt nhòa. Hẳn vì các truyện ngắn trong Hoa cúc dại không phải xuất sắc, nên tuy đã công bố từ lâu nhưng chưa thấy được đề cập như đối tượng khảo sát, chí ít với các tác giả lý luận, phê bình người Việt hiện ở nước ngoài. Ngoại trừ một khảo sát của Du Tử Lê, tôi chưa thấy có ý kiến đánh giá cao truyện ngắn của Kim Ân - Vũ Thư Hiên. Hơn nữa theo tôi, điều Nguyễn Vĩnh Nguyên khẳng định Kim Ân - Vũ Thư Hiên là “một bậc thầy kể chuyện” thực chất là sản xuất một phó bản của điều năm 2017 Du Tử Lê đã nhận xét Kim Ân - Vũ Thư Hiên: “là một trong những bậc thầy về truyện ngắn”!...

Ngày 23-4-2019, trang facebook Anh Doan Thuan đăng tải một trạng thái: “Cảm ơn Nguyễn Vĩnh Nguyên, biên tập viên xuất sắc, dũng cảm và tài năng”, lời cảm ơn này giúp xác định vai trò của Nguyễn Vĩnh Nguyên khi xuất bản Thư gửi Mina. Không bình luận về sự “xuất sắc, tài năng” của Nguyễn Vĩnh Nguyên khi biên tập cuốn sách, tôi chỉ băn khoăn vì không rõ đâu là cơ sở xác định đó là việc làm “dũng cảm”? Là tác giả, là người biên tập, chỉ Thuận và Nguyễn Vĩnh Nguyên mới có thể trả lời câu hỏi này. Còn khi Nguyễn Vĩnh Nguyên “thổi kèn khen lấy” thì không làm tôi ngạc nhiên, tuy nhiên theo tôi, hẳn vì mải mê “mãi võ” nên Nguyễn Vĩnh Nguyên đã “múa mấy đường quyền” quá đà qua việc tôn vinh Thuận, Kim Ân - Vũ Thư Hiên là hai tác giả “có thể xem là những đại diện hàng đầu của văn chương Việt Nam đương đại” kèm theo lời ca ngợi có cánh về tác phẩm của họ! Thiển nghĩ, dù “có thể” và là ý kiến của Nguyễn Vĩnh Nguyên thì vẫn nên cân nhắc trước khi công bố. Đồng thời xin lưu ý, đến thời điểm tôi viết bài này, với Thư gửi Mina và Hoa cúc dại, mới chỉ có riêng Nguyễn Vĩnh Nguyên là “chờ đợi, bất ngờ, sửng sốt”, còn giới phê bình vẫn im lặng, báo chí mới công bố vài bài đọc sách chủ yếu là xào xáo của nhau.

Tôi không phân biệt nhà văn trong nước hay ngoài nước và luôn trông đợi những tác phẩm ngày càng hay hơn góp phần phát triển văn chương nước nhà. Song theo tôi, đã và đang có một hiện tượng không bình thường là khi xuất bản trong nước, tên gốc một số tác phẩm của nhà văn người Việt ở nước ngoài đã bị thay đổi hoặc tên tác giả được thay bằng bút danh ít người biết, sau khi tác phẩm phát hành thì lập tức trên một số tờ báo, tác giả được ca ngợi hết lời, tác phẩm được khẳng định như tuyệt tác. Rồi lúc lời ca ngợi lắng xuống thì tác giả và tác phẩm cũng lắng xuống theo, nếu không nói mất hút trong sinh hoạt văn chương. Như cuốn sách của một người Việt ở nước ngoài luận bàn về thơ từng được ví như “Thi nhân Việt Nam thứ hai” chẳng hạn, gần mười năm rồi, không mấy ai nhắc đến, hoặc trích dẫn! Xa hơn, một tiểu thuyết của người Việt ở nước ngoài từng được đề nghị cần “nằm trong hành trang tinh thần của mỗi người Việt Nam trước khi bước sang thế kỷ 20” giờ cũng vắng bóng! Nên xét đến cùng, bản chất của những việc làm như vậy là thiếu trung thực. Nếu thực tâm với sự phát triển văn chương thì đừng vì mục đích nào đó hay chỉ nhằm bán sách mà “biến không thành có”, làm người đọc rối trí vì không thể nhận biết đâu là nhà văn tài năng, đâu là tác phẩm xuất sắc.