Thổi sự sống vào những tượng cổ im lìm

LTS - Báo Nhân Dân cuối tuần số 2, ra ngày 10-1 đã đăng tải bài viết "Tiểu thuyết lịch sử: Dấu ấn từ những hiện tượng mới" của TS Nguyễn Văn Hùng, đề cập sự xuất hiện trở lại đầy ấn tượng của tiểu thuyết lịch sử và khẳng định, tiểu thuyết lịch sử vẫn là một trong những thành tựu nổi bật nhất của văn học Việt Nam đương đại. Tiếp tục bàn sâu về chủ đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà văn Trần Thùy Mai (trong ảnh) - tác giả tiểu thuyết "Từ Dụ Thái hậu" được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải nhất cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016-2019). Tác phẩm này đã thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu, phê bình cùng đông đảo độc giả yêu lịch sử và văn chương, phần nào đã khuấy động đời sống văn học thời gian gần đây.

Thổi sự sống vào những tượng cổ im lìm

- Trước hết, xin chúc mừng bà với Giải nhất dành cho "Từ Dụ Thái hậu". Bà có thể chia sẻ cơ duyên lựa chọn đề tài lịch sử cho tiểu thuyết đầu tay của mình?

- Cách đây nhiều năm tôi được Trường đại học Sư phạm Huế giao việc giảng dạy và nghiên cứu văn học dân gian. Trong 10 năm tìm hiểu văn hóa dân gian ở miền trung, tôi thấy hình ảnh của Từ Dụ Thái hậu in bóng sâu đậm trong nhiều giai thoại và thơ ca. Thật sự khi ấy tôi cảm thấy thắc mắc muốn tìm hiểu vì sao, bởi bà thái hậu này không để lại sự nghiệp lẫy lừng như nữ tướng Bùi Thị Xuân, cũng không nhúng tay vào xoay chuyển triều chính như các Thái hậu Dương Vân Nga, Thái phi Ỷ Lan ngày xưa. Vậy điều gì làm nên dấu ấn của bà trong tâm hồn người dân Việt?

Việc tìm hiểu về Thái hậu Từ Dụ khiến tôi dồn quan tâm tìm đọc các bộ sử triều Nguyễn. Giai đoạn 13 vị vua này, cùng với chín đời chúa trước đó, là giai đoạn lịch sử gắn liền nền văn hóa Phú Xuân. Rất nhiều điều thú vị để viết…

- Tôi hoàn toàn đồng ý với quan niệm của bà khi cho rằng có bao nhiêu người viết tiểu thuyết lịch sử thì có bấy nhiêu quan niệm và cách viết. Nhưng, câu chuyện về sự thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật vẫn là mối quan tâm chung của họ. Bà quan niệm như thế nào về mối quan hệ này?

- " Lịch sử kể cho ta biết những nhân vật đã làm gì. Tiểu thuyết cho ta thấy họ cảm nghĩ như thế nào vào lúc ấy" (Guy Vanderhaeghe). Hoàng tử Miên Tông yêu quý nàng Phạm Thị Hằng, đấy là việc có thật trong sử. Nhưng muốn tả lại niềm hạnh phúc của Tông và Hằng khi gặp nhau trong một đêm thả đèn hoa trên sông Hương, thì phải đặt mình vào tâm trạng nhân vật, để làm sống lại một trang trong đời họ. Và đó chính là phần việc của hư cấu: thổi sự sống vào những tượng cổ im lìm. Sử gia mở cánh cửa cho ta thấy quá khứ. Với hư cấu, nhà văn có thể cầm tay người đọc dẫn vào ngay trong thế giới ấy.

- Nhà văn người Hà Lan Hella S. Haasse, tác giả của nhiều tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng, cho rằng: "có một sự đồng cảm thật sự giữa nhà văn với thời đại lịch sử và các nhân vật. Một cuốn tiểu thuyết lịch sử hay hay không, luôn luôn là một phản chiếu cái thế giới bên trong của tác giả ở một thời điểm nhất định trong cuộc đời họ". Sự đồng cảm, ngưỡng vọng là điều dễ thấy khi bà viết về "Từ Dụ Thái hậu", một người phụ nữ rất đặc biệt trong lịch sử. Vậy còn, sự phản chiếu thế giới bên trong của chính nhà văn, bà có thể chia sẻ với độc giả được không?

- Như đã nói, tôi đã tìm cách lý giải tại sao ảnh hưởng của bà trong lòng người dân lại sâu đậm như vậy. Giữa một cung đình đầy cạm bẫy, tranh đoạt tình yêu và tranh giành quyền lực là một cuộc chiến triền miên. Cuộc chiến ấy rất dễ làm người ta tha hóa, méo mó, tàn ác. Nàng Phạm Thị Hằng (tức là Thái hậu Từ Dụ sau này) đã trụ vững trong chiến trường khốc liệt ấy, không phải bằng mưu mô thủ đoạn, mà bằng một tâm hồn miễn nhiễm, một nữ tính trong lành khiến nàng luôn ở thế "vô chiêu thắng hữu chiêu". Vẻ đẹp thầm lặng của nàng, chính là sự giản dị, nhân hậu, là tình thương bao dung đã chia sẻ cho những đứa con mình sinh ra, cũng như những đứa con mình không sinh ra. Phải chăng, cả nhân loại này đều khát khao tấm lòng của người mẹ?

- Tiểu thuyết của bà đã khơi mở một góc nhìn khác về lịch sử qua cuộc đời, số phận của Thái hậu Từ Dụ và câu chuyện diễn ra sau cánh cửa hậu cung. Lịch sử mang gương mặt phụ nữ và qua lối viết nữ có gì khác biệt, thưa bà?

- Giới tính chắc chắn có chi phối góc nhìn của người viết. Thí dụ, trong Ðông Chu Liệt Quốc chí, nàng Bao Tự được xem là đầu dây mối nhợ trong việc gây ra một cuộc chiến liên miên, làm nhà Chu tan rã. Trong Bà Chúa Chè của Nguyễn Triệu Luật, nàng Ðặng Thị Huệ là thủ phạm làm nhà Trịnh sụp đổ, chứ chúa Trịnh Sâm dường như chẳng có lỗi gì... Còn tôi là nữ, nên tôi viết về ông Vua Minh Mạng chủ trương chuyên chế hà khắc, để lại những vụ án oan trong lịch sử, mà lòng nhân hậu của nàng Phạm Thị Hằng đã xoa dịu những vết thương của một thời đại. Tóm lại sự thật có thể nhìn từ nhiều chiều, nhưng một người viết nữ chắc là nhìn nhân vật nữ công bằng hơn và thấu hiểu hơn!

- Trong "Từ Dụ Thái hậu", bà khai thác khá nhiều chủ đề đời tư - thế sự, đặc biệt là tình yêu đôi lứa, khiến độc giả, nhất là độc giả trẻ thấy thích thú. Việc đưa chất "ngôn tình" (nếu có thể gọi vậy) vào tiểu thuyết, khai thác gương mặt đời thường của lịch sử, cùng ngôn ngữ tự sự uyển chuyển, mượt mà, phải chăng là cách để bà đưa lịch sử gần hơn với tâm lý, thị hiếu của người đọc đương thời?

- Cuộc đời Thái hậu Từ Dụ trải dài từ đời Vua Gia Long đến đời Vua Thành Thái. Tôi chỉ chọn viết về đoạn đời đẹp nhất của bà, từ mười ba tuổi đến ba mươi bảy tuổi. Vào độ tuổi đó thì tình yêu lứa đôi là chuyện rất quan trọng với đời người. Mối tình vô vọng của Trương Ðăng Quế, hay tình yêu đằm thắm của Hoàng tử Miên Tông và nàng cung nữ Phạm Thị Hằng, tuy là sản phẩm của hư cấu, nhưng cũng hoàn toàn có thể đã có trong đời thực! Dù xưa hay là nay thì âm dương vẫn là nguyên lý vận hành của thế gian. Nếu viết một tiểu thuyết mà hoàn toàn không có ai yêu ai trong đó, thì đến người viết cũng phải chán, nói chi đến người đọc!

- Bà có thể bật mí một chút về dự định sắp tới. Bà sẽ vẫn tiếp tục với đề tài lịch sử chứ?

- Tôi đang viết, và vẫn tiếp tục về đề tài triều Nguyễn mà tôi vẫn còn rất nhiều cảm hứng. Câu chuyện trong "Từ Dụ Thái hậu" có thời gian từ thời Gia Long đến thời Tự Ðức. Còn cuốn tiếp theo sẽ là những chuyện từ thời Tự Ðức đến đời Vua Thành Thái. Tuy vậy đây không phải là phần tiếp theo của "Từ Dụ Thái hậu", mà là một cuốn tiểu thuyết khác, với những nhân vật mới xuất hiện. Và cách viết, do sự chi phối của nội dung, cũng sẽ khác nhiều!

- Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện cởi mở và thú vị này!