Trao đổi ý kiến

Kỳ 1: Nguy cơ lung lay "pháo đài" chân - thiện - mỹ?

LTS - Là một bộ phận quan trọng của đời sống tinh thần, sự phát triển của văn học - nghệ thuật sẽ dẫn lối, mở đường cho những giá trị tốt đẹp lan tỏa trong xã hội. Để góp phần gợi mở hướng đi cho nhiều lĩnh vực văn học - nghệ thuật, bắt đầu từ số báo này, Nhân Dân cuối tuần đăng tải những ý kiến trao đổi về thực trạng và giải pháp phát triển đời sống văn học - nghệ thuật nước nhà.

Các hội sách được tổ chức thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ đến tìm đọc, góp phần nâng cao văn hóa đọc của giới trẻ (ảnh chụp trước ngày 27/4). Ảnh: MỸ HÀ
Các hội sách được tổ chức thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ đến tìm đọc, góp phần nâng cao văn hóa đọc của giới trẻ (ảnh chụp trước ngày 27/4). Ảnh: MỸ HÀ

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Văn học - nghệ thuật là bộ phận tinh hoa của văn hóa, là pháo đài của chân - thiện - mỹ, một ngành sản xuất quan trọng của xã hội loài người. Đó không phải là nhận thức của chúng ta hôm nay. Platon, nhà triết học cổ đại trước công nguyên, cho rằng nghệ thuật là một sản phẩm bí mật, có nguồn gốc thần linh (giống như người Trung Hoa cổ đại quan niệm Thi - Thơ, là lời nói từ cửa đền linh thiêng). Phúng dụ hang động của ông cho biết, khi thoát xác, thoát khỏi sự giam hãm trong hang động, người ta mới có thể đến được tự do, ánh sáng và chân lý vĩnh cửu. Đó là con đường của nghệ thuật.

Tư tưởng của Các Mác cho rằng loài người có hai hình thức sản xuất chủ yếu. Đó là sản xuất ra của cải vật chất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất tinh thần (trong đó có nghệ thuật và nghệ thuật là chủ yếu) thì sản phẩm cuối cùng của nó, chính là con người.

Ta có thể suy rằng, sản xuất vật chất là "cái cần"; sản xuất tinh thần mới là "cái đủ". Sản xuất tinh thần, mà sản phẩm chủ yếu của nó là Lễ - Nghĩa, sự thiện, mỹ và cái cao cả mới làm cho xã hội thành xã hội loài người.

Bởi vậy, thời đại nào chăm lo đội ngũ trí thức, chăm lo cho sự phát triển của đời sống văn nghệ, tinh thần; không chỉ thời đại ấy thịnh trị mà còn ảnh hưởng tốt đẹp đến đời sau.

Sợi chỉ bền và những nút thắt

Công cuộc Đổi mới, bắt nguồn từ lao động sáng tạo của nhân dân, được Đảng ta tổng kết, lãnh đạo đã thu được nhiều thành quả trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Văn học - nghệ thuật cũng đã có những bước chuyển chưa từng thấy. Sự đổi mới trong nghệ thuật, theo tôi, bắt đầu là hội họa, vào đầu những năm 80 (thế kỷ 20), có thể trước đó một chút, khi các họa sĩ tiếp xúc sớm với thị trường tranh quốc tế qua khách nước ngoài, mở rộng bút pháp từ hiện thực đến trừu tượng, lập thể...; không những tự mình bước vào hội nhập thế giới mà còn góp phần tạo ra thị hiếu mới, công chúng mới. Đến lượt văn học - bộ phận quan trọng của nghệ thuật lên tiếng thì mới tạo ra một trào lưu đổi mới mạnh mẽ trong tất cả các ngành nghệ thuật. Mọi chiều sâu của hiện thực và tâm trạng, mọi tiếng nói, nhất là tiếng nói phê phán sự giả dối, phê phán các hiện tượng tiêu cực, lật lại các vấn đề của lịch sử đều được cất lên.

Văn học - nghệ thuật từ năm 1985 đến nay đã có những bước trưởng thành vượt bậc trên một số lĩnh vực. Đó là sự đông đảo về đội ngũ. Với trình độ học vấn ngày càng cao, tiếp xúc quốc tế ngày càng rộng, với tác động tích cực của thông tin mạng, nhân tài nghệ thuật nảy nở khắp mọi nơi.

Không chỉ thừa nhận nghệ thuật có chức năng giải trí, ngành công nghiệp giải trí được thừa nhận và ngày càng phát triển. Không chỉ có một cuộc cách mạng về tư duy lý luận, tư duy quản lý khi mà mọi phương pháp, thủ pháp sáng tác được mở giới hạn tối đa; mà cuộc cách mạng về kỹ thuật, công nghệ đã tiếp sức vô giới hạn cho người nghệ sĩ. Tôi nhớ, vào những năm 80 của thế kỷ trước, mỗi nhà xuất bản chỉ in được bốn tập thơ. Nhà văn Phan Quang đã dịch xong "Nghìn lẻ một đêm", cấp trên nói rằng, chưa nên in vội để dành giấy cho việc khác cần kíp hơn. Nhiều họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương không có sơn dầu để vẽ... Bây giờ, mỗi năm hàng nghìn tập thơ được in, mỗi nhà văn, mỗi ca sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ... có thể tự xuất bản tác phẩm của mình ra toàn thế giới.

Đa thanh, đa sắc, phong phú về thể loại, chất liệu; về hình thức biểu hiện, hình thức phổ biến (tranh tường, sắp đặt, đưa giao hưởng ra đường phố...) cũng coi như sự phát triển mới của nghệ thuật.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, trong sự so sánh với nền văn nghệ kháng chiến, trong mục tiêu bảo vệ truyền thống dân tộc và hướng tới cái đẹp, sự cao cả... thì văn học - nghệ thuật thời kỳ từ năm 1985 đến nay, đang bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm nghiêm trọng. Pháo đài của chân - thiện - mỹ đang lung lay trước sức tấn công của những làn gió bốn phương.

Trước hết, đó là sự ảnh hưởng của các làn sóng văn hóa nước ngoài, trong đó, không ít giá trị xung đột, mâu thuẫn với các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam, mà nghị quyết của Đảng đã nhiều lần khẳng định, đang diễn ra hằng ngày, tinh vi và phức tạp, tác động tới lối sống thanh, thiếu niên và những tầng lớp có ảnh hưởng xã hội. Sự xâm thực quyết liệt của mạng xã hội, của truyền hình, không chỉ phim Hàn Quốc, Trung Quốc, phim Mỹ (thông qua hình thức cho, tặng bản quyền để đưa lên sóng các bộ phim chất lượng không cao, truyền bá và quảng cáo lối sống, sản phẩm của nước ngoài…); cùng với hàng loạt các chương trình gameshow, truyền hình thực tế không chỉ hướng con người vào sự ăn chơi, vào sự thành công dễ dãi, mà còn không ít chuyện tầm phào, phản cảm. Trên mạng xã hội, hàng triệu clip đủ các thể loại, các trò chơi đã thu hút một lượng lớn công chúng nghệ thuật; làm hỏng thị hiếu của họ. Người sáng tác cũng bị "méo mó" do hiện trạng ấy gây nên, dẫn đến những quan niệm nghệ thuật thấp kém, sự hoài nghi, thậm chí hằn học cuộc sống của không ít người viết.

Nếu cách đây bốn, năm mươi năm, Khoa Văn Trường đại học Tổng hợp, Khoa Văn Trường đại học Sư phạm… còn là những "thánh đường", thì bây giờ điểm đầu vào rất thấp, không còn ai tha thiết học văn nữa. Các trường đào tạo tài năng nghệ thuật cũng trở nên eo xèo vì làm nghệ thuật chân chính không đủ sống. Đó là sự rỗng ruột, sẽ để lại sự di hại lâu dài.

Việc quản lý văn nghệ có vấn đề không? Đã đến lúc chúng ta phải đặt ra câu hỏi đó một cách nghiêm túc. Theo tôi, dường như đã có một sự buông lỏng. Trước đây, phải mất nhiều năm, chúng ta mới xây dựng được một đội ngũ nghệ sĩ – chiến sĩ, luôn có mặt ở tuyến đầu cuộc sống, sẵn sàng hy sinh cả bản thân để có những tác phẩm xứng đáng với nhân dân, với thời đại. Đó là thời của "bút máu". Biết bao nhà nhiếp ảnh, nhà quay phim, nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ, nhà văn ưu tú như Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý... đã ngã xuống ở chiến trường trong tư thế của người chiến sĩ. Máu thịt của họ, tác phẩm của họ đã hóa thành hồn sông núi như thơ Hoàng Nhuận Cầm viết:

Chỗ Hiến nằm - giờ trời trắng heo may

Chỗ Thi ngủ - bình minh rơi tím đất

Mặt trận xưa, đồng trưa đưa cỏ mật

Ơi chiến hào tha thiết tuổi hai mươi...

Tự do sáng tác không phải là xã hội không cần đòi hỏi người nghệ sĩ phải dấn thân; để cho nghệ sĩ "tự thân" hay Nhà nước chỉ "đặt hàng" chung chung. Có nhiều việc không thể áp dụng quy luật của kinh tế thị trường vào lĩnh vực văn nghệ. Người quản lý văn nghệ đã hiểu biết sâu về văn nghệ hay chưa? Đã đủ thân tình, có lòng thành với văn nghệ sĩ chưa? Đã chăm sóc chu đáo họ chưa? Tôi nhớ, khi Phạm Tiến Duật còn là chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã căn dặn Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên phải chăm lo cho Phạm Tiến Duật, cho anh hưởng tiêu chuẩn, chế độ của một sĩ quan trung cấp.

Điều đáng mừng là dòng văn nghệ yêu nước, kế thừa truyền thống hàng nghìn năm vẫn xuyên suốt cho đến hôm nay như một sợi chỉ bền đã làm nên những tác phẩm lay động triệu triệu con tim như "Tổ quốc gọi tên mình" của Đinh Trung Cẩn - Nguyễn Phan Quế Mai. Chúng ta có thêm một khuynh hướng đáng tự hào nữa là dòng văn nghệ đối mặt với cái xấu, dũng cảm phê phán những hiện tượng tiêu cực dù ở cấp nào, lĩnh vực nào.

Nhưng bên cạnh đó, có những khuynh hướng chạy theo hình thức một cách cực đoan, lạ hóa, tây hóa, xa rời tính dân tộc. Có một loại nghệ thuật vị kỷ, chỉ viết, vẽ để thỏa mãn nhu cầu bản thân, danh lợi cá nhân; dung tục và tầm thường hóa nghệ thuật; thậm chí có những hướng đi lệch lạc, bế tắc, độc hại.

Thực tế đã chứng minh rất hùng hồn: Chỉ có nghệ sĩ quay lưng lại công chúng; công chúng chưa bao giờ quay lưng lại với nghệ thuật.

Sức lan tỏa, tác động sâu sắc của văn học - nghệ thuật đến cuộc sống, đến đông đảo nhân dân trong giai đoạn trước đổi mới lại lớn hơn rất nhiều so với hiện nay. Đấy chính là sự yếu kém không thể biện minh được của hôm nay nhưng lại có thể rút kinh nghiệm để tiến lên.

"Cuộc đau đẻ" kéo dài

Trong cuốn sách Nghĩ và viết (NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2021), GS, TS Đinh Xuân Dũng viết: "Cho đến hiện tại, văn học Việt Nam (1975 - 2021) vẫn chưa định hình vì quá trình tìm kiếm của nó vẫn chưa kết thúc". Tôi đồng tình với nhận định này và hết sức băn khoăn: Sao lại có cuộc tìm kiếm dài gần nửa thế kỷ, dài hơn mấy cuộc chiến tranh mà vẫn chưa thấy sự định hình? Trong khi đó, chỉ cần 10 năm đã có một Phong trào Thơ mới lẫy lừng?

Trong việc tạo ra một trào lưu, định hình phương pháp và tính chất của một thời đại văn nghệ thì lý luận, phê bình chiếm một vai trò hết sức quan trọng. Thế nhưng nền lý luận, phê bình văn nghệ nước ta từ ngày đổi mới đã trở nên mờ nhạt. Chỉ còn nổi bật là sự lăng-xê, hoặc đôi khi là hạ bệ nhau. Ngành hội họa, kể đi, kể lại chỉ có mấy cái tên Thái Bá Vân, Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng... Các ngành khác, trừ văn học, càng èo uột hơn. Mà lý luận, phê bình trong văn học thì cũng năm bè, bảy mối, không có được tiếng nói thống nhất, còn "bâng khuâng" lắm! Khen không dám khen, chê không dám chê, mà dám khen thì nhiều phần không đúng.

Nghị quyết T.Ư 9 (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" là một nghị quyết đặc biệt quan trọng, vừa có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, vừa nhằm giải quyết những vấn đề mang tính cấp bách đã yêu cầu phải xây dựng cho được một nền lý luận văn nghệ Việt Nam. Từ cành cao của lý luận, đôi cánh sáng tác mới có thể bay bổng trên bầu trời vô biên của sự sáng tạo.

Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị từ năm 2008 (cách đây 13 năm!) đã đặt ra mục tiêu: "Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Hiểu đúng, làm đúng việc "tập trung mọi nguồn lực" là như thế nào? Nếu làm đúng, văn học - nghệ thuật nhất định từ chỗ chậm đổi mới, sẽ có bước chuyển mình, trở thành pháo đài vững chắc của chân - thiện - mỹ, của hồn dân tộc. 

(Còn nữa)