Mỹ thuật ứng dụng

Bẻ lái tư duy sáng tạo

Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ tư (2014-2019) đang diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội đã mang đến cho người xem một cách nhìn khác về mỹ thuật ứng dụng, thật sự cuốn hút công chúng không chỉ bởi ấn tượng thị giác mà còn là tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu cuộc sống ở các tác phẩm trưng bày. Vậy nhưng, thực tế vẫn gợi nên những băn khoăn về con đường khẳng định chỗ đứng lâu bền của mỹ thuật ứng dụng trong đời sống.

Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam đang rất thiếu vắng những mẫu sáng tạo của các nhà thiết kế trong nước.
Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam đang rất thiếu vắng những mẫu sáng tạo của các nhà thiết kế trong nước.

Ứng dụng đến đâu?

Khẳng định tính ứng dụng là tiêu chí quan trọng hàng đầu ở bất cứ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng nào, họa sĩ Lương Xuân Ðoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn và chấm giải thưởng sản phẩm trang trí lấy thí dụ từ bộ cửa "Trung hiếu môn", giải nhất loại hình sản phẩm trang trí: "Từ câu chuyện cũ của những thế kỷ xa xưa, tác giả nói lên câu chuyện mới trên bộ cánh cửa của chính ngôi nhà của mình. Có lẽ điều đầu tiên thử thách ý tưởng sáng tạo chính là thành công trong không gian sống của bản thân. Sau khi hoàn thành bộ cửa nhà mình, tác giả Trần Nam Tước đã nhận được nhiều đơn đặt hàng, rất nhiều khách hàng mong muốn sở hữu bộ cửa như vậy. Ðó chính là thành công về tính ứng dụng cao của những tác phẩm mỹ thuật", họa sĩ Lương Xuân Ðoàn phân tích.

Chủ nhân giải thưởng, nghệ nhân Trần Nam Tước (Hà Nội) chia sẻ, thật vui khi ý tưởng sáng tạo của anh đã được thị trường đón nhận. Dù nhận được nhiều đơn đặt hàng nhưng anh sẽ không lặp lại những sáng tạo mà tiếp tục khai thác chi tiết mới trên các bộ cửa được làm sau này.

Một thí dụ khác về tiêu chí tính ứng dụng, họa sĩ Lương Xuân Ðoàn nói về sản phẩm trúc chỉ Huế. Sau sơn mài, lụa thì trúc chỉ, giấy dó được mong mỏi sẽ là chất liệu mới của mỹ thuật ứng dụng Việt. Mặc dù vậy, hội đồng giám khảo đã phải cân nhắc khi quyết định có đưa sản phẩm trúc chỉ vào giải hay không. Các nghệ sĩ Huế đã rất thành công ở chất liệu này, nhưng nếu đặt tiêu chí tính ứng dụng lên cao nhất thì sản phẩm trúc chỉ lại chưa đủ để lọt được vào giải lần này.

Họa sĩ Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn và chấm giải thưởng sản phẩm ứng dụng nhận định, đây cũng là kỳ triển lãm hội tụ nhiều tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có chất lượng nghệ thuật, thể hiện kỹ thuật cao của các nghệ nhân làng nghề với các sản phẩm đan lát, đậu bạc, sơn mài, đục chạm… tinh xảo, bắt mắt. Ở lĩnh vực thiết kế, sản phẩm của các nhà thiết kế trẻ đều đã tiếp cận xu hướng chung của thế giới đương đại…

Yếu tố sáng tạo còn... chập chờn

Một trong những vấn đề đang gặp phải của mỹ thuật ứng dụng được các chuyên gia nhận định là khâu thiết kế, sáng tạo. Họa sĩ Hồ Nam dẫn chứng về lần anh đến làng nghề Hạ Thái và được chứng kiến những nghệ nhân ở đây sản xuất tới 1.000 sản phẩm thủ công mỹ nghệ theo đơn đặt hàng từ nước ngoài. Thế nhưng khi nghiệm thu, họ chỉ lấy khoảng 250 sản phẩm tinh xảo và công phu nhất.

Các chuyên gia cũng chỉ rõ vấn đề mỹ thuật ứng dụng Việt Nam có nhiều sản phẩm được sản xuất từ mẫu thiết kế của nước ngoài, trong khi lại rất thiếu vắng những mẫu sáng tạo của chính các nhà thiết kế trong nước. "Chúng ta đang rơi vào tình trạng mang những mẫu mã từ nước ngoài về và gia công. Khâu quan trọng là thiết kế đang bị coi nhẹ", họa sĩ Hồ Nam chia sẻ.

Bên cạnh đó là những lo lắng khi cơ chế thị trường tác động đến mối quan hệ giữa những người làm thiết kế (designer) và doanh nghiệp. Theo họa sĩ Phan Quân Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường đại học Văn Lang, mối quan hệ giữa những người thiết kế và doanh nghiệp là không thể tách rời. Thế nhưng thực tế lại đang chứng kiến sự chồng lấn, tách rời, co cụm trong mối quan hệ này. "Doanh thu là yếu tố sống còn với các doanh nghiệp nên họ không thể dành hàng tháng trời chờ đợi một nhà thiết kế tự đi thực tế và sáng tạo tác phẩm. Một điều tai hại mà các doanh nghiệp đang làm là cho các nhà thiết kế ra hội chợ, lấy những bản thiết kế có sẵn và copy, sao chép biến thành tác phẩm của mình. Ðây không khác gì hành động ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ", họa sĩ Phan Quân Dũng nói.

Họa sĩ Lê Ngọc Hân, nguyên giảng viên Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp cho rằng, thuật ngữ ứng dụng để chỉ những sản phẩm làm ra có thể ứng dụng được trong cuộc sống. Tưởng chừng, đây là khái niệm rộng nhưng lại đang bị bó hẹp: "Mặc dù đang mang ý nghĩa rất đẹp nhưng khái niệm thủ công lại đang bị mọi người né tránh. Tôi đến Hà Tây (trước đây), chứng kiến những nghệ nhân sản xuất mây tre đan, những sản phẩm vô cùng tỉ mỉ, thể hiện trí tuệ và công sức của họ, nhưng không hiểu sao chúng ta lại đang "mặc cảm" về tên gọi này".

Các chuyên gia cho rằng, cần làm rõ nghĩa hơn thuật ngữ "mỹ thuật ứng dụng", từ đó mới xác định được các nhánh ứng dụng đi vào đời sống.

Không thể phủ nhận rằng, Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ tư đã ghi dấu bước ngoặt mang tính chuyên nghiệp. Thay vì giậm chân tại chỗ như những lần trước, các nghệ nhân đã thật sự "bẻ lái" về tư duy làm nghệ thuật. Những tác phẩm đoạt giải thưởng cao ở kỳ triển lãm này đều là những tác phẩm mang đậm chất văn hóa dân tộc cũng như có tính ứng dụng cao trong đời sống. Chính những nỗ lực không ngừng nghỉ của những người trong cuộc đang làm cho mỹ thuật ứng dụng trở nên gần gũi hơn với đời sống.