Tranh cãi dai dẳng

Mỹ và các đồng minh ở Trung Đông lại nảy sinh bất đồng sau quyết định giảm mạnh sản lượng dầu của nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+. Liên minh châu Âu (EU) đồng thuận về lộ trình giải quyết khủng hoảng năng lượng, song các thành viên vẫn không thống nhất được biện pháp cụ thể để thực hiện kế hoạch. Tranh cãi vẫn dai dẳng ở nhiều nơi trong tuần qua.
0:00 / 0:00
0:00
OPEC+ kiên quyết cắt giảm mạnh sản lượng.
OPEC+ kiên quyết cắt giảm mạnh sản lượng.
  • Tổng Thư ký OPEC Haitham Al-Ghais nhận định: Thị trường dầu mỏ thế giới đang trong giai đoạn biến động mạnh. Mục tiêu của OPEC và các đối tác sản xuất dầu là duy trì sự ổn định của thị trường. Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng sẽ giúp bảo đảm nguồn cung để đối phó bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Trước đó, 13 thành viên nhóm OPEC+ đã thông qua quyết định giảm sản lượng dầu toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, từ đầu tháng 11 tới. Đây là lần cắt giảm mới nhất và mạnh nhất của OPEC+, trong bối cảnh giá dầu có xu hướng hạ nhiệt, trong khi kinh tế thế giới sụt giảm, lạm phát tăng cao. Quyết định của OPEC+ được đưa ra trên cơ sở OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm nay, với mức tăng thêm chỉ 2,64 triệu thùng/ngày, giảm 460 nghìn thùng so dự báo hồi tháng 9. OPEC cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong năm 2023, với đánh giá triển vọng kinh tế thế giới khó đoán định, trong khi nhiều nền kinh tế đã rơi vào suy thoái.
  • Trong một loạt tuyên bố hồi đầu tuần, các thành viên OPEC+ khẳng định ủng hộ quyết định giảm mạnh sản lượng dầu. Tuyên bố của Sudan nêu rõ quyết định cắt giảm sản lượng đạt được sự đồng thuận của tất cả các thành viên. Iraq phản đối mọi chính sách đe dọa hoặc gây sức ép, đồng thời khẳng định lại sự ủng hộ đối với quyết định của OPEC+, cũng như ủng hộ quan điểm của Saudi Arabia trong việc cắt giảm sản lượng dầu. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nêu rõ, OPEC+ đã có lựa chọn đúng đắn về kỹ thuật và sự đồng thuận cắt giảm sản lượng dầu không mang động cơ chính trị. Thể hiện ủng hộ quyết định của OPEC+, Malaysia cũng cho biết từ tháng 11 tới sẽ giảm sản lượng dầu mỗi ngày 27 nghìn thùng, xuống còn 567 nghìn thùng/ngày. Văn phòng Chính phủ Malaysia khẳng định, Malaysia ủng hộ sáng kiến chủ động của OPEC+ và tiếp tục hợp tác với liên minh các nhà sản xuất dầu để ổn định thị trường toàn cầu.
  • Trong khi đó, Mỹ tuyên bố sẽ đánh giá lại quan hệ đồng minh với Saudi Arabia sau quyết định mới nhất của OPEC+. Trước khi OPEC+ đồng thuận giảm mạnh sản lượng, Mỹ từng tìm cách thuyết phục Saudi Arabia bác bỏ ý tưởng này, với cảnh báo việc giảm sản lượng dầu có thể khiến giá "vàng đen" tăng mạnh. Washington chỉ trích Ryiadh đứng về phía Nga khi ủng hộ quyết định của OPEC+. Truyền thông Mỹ đưa tin, chính quyền Tổng thống Joe Biden có kế hoạch xả thêm từ 10 đến 15 triệu thùng dầu từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược quốc gia (SPR) nhằm cân bằng thị trường và ổn định giá xăng trong nước. Nhà trắng cũng lên kế hoạch bổ sung kho dự trữ nêu trên và đang đàm phán với các công ty năng lượng về việc mua dầu bổ sung cho SPR đến năm 2025.
Tranh cãi dai dẳng ảnh 1
Các Bộ trưởng Năng lượng EU tranh luận.
  • Tại châu Âu, trong nỗ lực hạ nhiệt "cơn sốt giá năng lượng", Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất cơ chế tạm thời hạn chế giá bán buôn khí đốt trong mùa đông tới. EC nêu rõ, gói đề xuất mới nhằm ngăn chặn tình trạng giá tăng vọt và hành vi thao túng giá, đồng thời bảo đảm minh bạch và ổn định thị trường. Đề xuất được EC đưa ra ngay trước thềm Hội nghị cấp cao EU trong hai ngày 20 và 21/10. Tuy nhiên, gói giải pháp EC đề xuất lại không bao gồm việc áp trần giá khí đốt, vấn đề gây chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên EU. Hơn một nửa số thành viên EU, đi đầu là Pháp, Italy, Ba Lan ủng hộ, cho rằng quy định về trần giá bán buôn khí đốt có thể giúp kiềm chế lạm phát. Số thành viên còn lại, nhất là Đức, không chấp thuận phương án này. Hungary nhiều lần cảnh báo rằng, việc áp giá trần với khí đốt của Nga có thể kích hoạt hành động trả đũa từ Moscow. Giải pháp hiện được EC thúc đẩy và số đông thành viên EU ủng hộ là phương án mua chung khí đốt, giảm tiêu thụ năng lượng và đa dạng hóa nguồn cung năng lượng