Gần 11 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm

Trong tháng 5, TP Hà Nội có 2.238 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020; số vốn đăng ký đạt 42,3 nghìn tỷ đồng, tăng 69%; có 644 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 51%. Tính trong 5 tháng đầu năm 2021, Hà Nội có 10.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước; 5.400 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 95%. Tuy nhiên cũng có 1.400 doanh nghiệp giải thể, tăng 39%; 6.900 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 22%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.

Thu hút đầu tư nước ngoài hơn 519 triệu USD
 
 Theo Cục Thống kê Hà Nội, trong tháng 5, thành phố có 16 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 5,3 triệu USD. Bên cạnh đó, có 13 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 184 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp đạt 13,1 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng vốn đăng ký của các dự án FDI thành lập mới và dự án bổ sung tăng vốn trên địa bàn đạt 519,2 triệu USD. Trong đó đăng ký mới 139 dự án với số vốn đạt 76,8 triệu USD.
 
 Từ nay đến năm 2025, Transerco mở mới từ 90 đến 100 tuyến xe buýt
 
 Theo đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), trong giai đoạn 2020 - 2025, đơn vị sẽ mở mới từ 90 đến 100 tuyến xe buýt, nâng tổng số tuyến xe buýt của doanh nghiệp lên 220 đến 230 tuyến. Cùng với việc mở mới các tuyến xe buýt, doanh nghiệp sẽ đầu tư khoảng từ 1.600 đến 1.800 xe, nâng tổng số phương tiện lên 3.400 đến 3.800 xe. Đơn vị tiếp tục thực hiện điều chỉnh lộ trình 52 tuyến xe buýt nhằm hợp lý hóa mạng lưới và mở rộng vùng phục vụ, trong đó có 15 tuyến điều chỉnh nhằm giảm trùng tuyến và tăng kết nối tại các nhà ga khi các tuyến đường sắt đô thị hoạt động; điều chỉnh tần suất dịch vụ cho 23 tuyến buýt hiện có nhằm tăng cường kết nối và nâng cao chất lượng dịch vụ.
 
 Khắc phục sự cố sạt lở tại đê hữu sông Cà Lồ
 
 Do ảnh hưởng của thiên tai kéo dài trong nhiều năm, vừa qua tại đê hữu sông Cà Lồ đoạn qua xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh) đã xảy ra sự cố sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể, từ vị trí K3+600 - K4+250 đê hữu sông Cà Lồ với tổng chiều dài khoảng 650 m đã bị sụt sạt một đoạn chân kè xuống sông. Một số đoạn khác đã bị tách rời khỏi mái kè. Đáng lo ngại, tình trạng sạt lở vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình kè bảo vệ bờ sông và tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định tuyến đê. Ngay sau khi phát hiện sự cố, huyện Đông Anh đã tổ chức xử lý, cảnh báo, công bố rộng rãi thông tin về sự cố và hạn chế người dân qua lại khu vực đê kè này. Để khắc phục triệt để sự cố, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu để triển khai thực hiện dự án xử lý cấp bách khắc phục sự cố sạt lở kè Nhạn Tái, huyện Đông Anh, tiến tới tổ chức triển khai trong thời gian sớm nhất.