Cách ly y tế tập trung bảy ngày đối với người nhập cảnh đủ điều kiện

Để bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu đối với người được phép nhập cảnh trên địa bàn sẽ thực hiện cách ly y tế tập trung bảy ngày và tiếp tục theo dõi y tế trong bảy ngày tiếp theo nếu bảo đảm đủ các điều kiện gồm: Giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT - LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh; Giấy chứng nhận tiêm chủng đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 trong đó liều cuối cùng tiêm đã được tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh hoặc Giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp (Giấy tờ xác nhận khỏi bệnh Covid-19)...

Người nhập cảnh khi cách ly sẽ được xét nghiệm vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 tính từ ngày nhập cảnh. Trường hợp có kết quả dương tính thì xử trí theo quy định. Thành phố yêu cầu người nhập cảnh sử dụng ứng dụng Bluezone khi cách ly tập trung và tiếp tục sử dụng đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
 
 Hướng dẫn thực hiện một số chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
 
 Tại Kế hoạch số 118/KH-UBND, TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị có liên quan triển khai nhanh một số chính sách đặc thù được quy định tại Nghị quyết số 15/NQ-HĐND về hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thành phố yêu cầu việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; phải đồng bộ, thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị có liên quan với phương thức hỗ trợ linh hoạt, phù hợp tình hình thực tiễn, thuận lợi cho người được hưởng chính sách; đồng thời bảo đảm thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. 
 
 Về nguồn kinh phí, đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, kinh phí thực hiện chính sách do ngân sách thành phố bảo đảm theo quy định; đối với các quận, huyện, thị xã thì sử dụng ngân sách của quận, huyện, thị xã (50% nguồn dự phòng ngân sách các cấp, nguồn cải cách tiền lương còn dư) để kịp thời chi trả cho các đối tượng thụ hưởng. Ngân sách thành phố bổ sung kinh phí còn thiếu cho các địa phương để thực hiện chính sách.
 
 Thành lập tổ công tác xử lý vướng mắc dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội
 
 UBND thành phố Hà Nội thành lập Tổ công tác liên ngành để tăng cường phối hợp xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ dự án Đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Tổ công tác liên ngành có nhiệm vụ đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội; phối hợp xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc một cách nhanh chóng, hiệu quả nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.