Xử lý nhà tái định cư bỏ hoang

Mặc dù nhu cầu nhà ở, cải thiện điều kiện sống của người dân rất lớn, nhưng hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội tồn tại nhiều khu nhà tái định cư bị bỏ hoang, xuống cấp, gây lãng phí và nhếch nhác đô thị.  

Khu nhà tái định cư tại Khu đô thị Sài Ðồng.
Khu nhà tái định cư tại Khu đô thị Sài Ðồng.

Năm 2017, dư luận rất bất ngờ với đề xuất của Công ty cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) về việc phá bỏ ba tòa nhà tái định cư N3, N4 và N5 tại khu đô thị mới Sài Ðồng (quận Long Biên) để xây dựng nhà ở thương mại phục vụ nhu cầu tái định cư theo đặt hàng của thành phố. Theo lý giải của chủ đầu tư, ba tòa nhà nêu trên được xây dựng từ năm 2001, hoàn thành năm 2006, nhưng người dân không đến ở dẫn đến công trình xuống cấp nhanh chóng. Phía người dân cho rằng, chủ đầu tư đưa ra mức giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và chính sách bố trí tái định cư không hợp lý cho nên người dân không đồng thuận. Còn việc chủ đầu tư đưa ra lý do người dân không đến ở, chất lượng công trình xuống cấp để xin thành phố cho đập đi, xây nhà ở thương mại là nhằm mục đích tối đa lợi nhuận. Sau gần bốn năm, đến nay ba tòa nhà nêu trên vẫn không có người đến ở, chỉ có một phần nhỏ diện tích tầng một được sử dụng làm xưởng sản xuất. Chị Nguyễn Thị Hằng, người dân sinh sống trong khu đô thị Sài Ðồng cho biết, nhờ hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thời gian gần đây, chung quanh khu nhà tái định cư mọc san sát nhiều căn biệt thự, nhà ở cao tầng khang trang, hiện đại, với giá bán ngày càng tăng cao. Trong khi đó, khu nhà tái định cư nằm ở vị trí “đất vàng” tiếp tục bị bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn. 

Dự án nhà tái định cư N01-D17 Duy Tân, quận Cầu Giấy có vị trí đắc địa khi tọa lạc ngay tại ngã tư Duy Tân - Trần Thái Tông, kết nối giao thông rất thuận lợi và gần công viên Cầu Giấy. Dự án gồm bốn đơn nguyên, có hai tầng hầm để xe, 15 tầng nổi gồm một tầng thương mại và 14 tầng bố trí căn hộ, được xây dựng từ hơn mười năm trước, nhưng đến nay vẫn dang dở. Nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, rác thải vẫn ngổn ngang. Hệ thống cẩu trục hoen gỉ sừng sững chưa được tháo dỡ bởi còn nhiều hạng mục xây dựng chưa hoàn thiện. Hàng rào tôn quây quanh khu nhà trải qua thời gian dài đã xiêu vẹo, mục nát. Mặc dù dự án chưa hoàn thiện và bàn giao căn hộ cho người dân, nhưng trên mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều thông tin rao bán suất mua các căn hộ tái định cư tại đây. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn không ít khu nhà tái định cư chưa bố trí người dân đến ở, bỏ hoang tại phường Trần Phú, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai.

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhà tái định cư xây dựng dang dở hoặc đã hoàn thiện, nhưng chưa bố trí người dân đến ở là do các tòa nhà này chưa hoàn thành nghiệm thu theo quy định, nhất là các quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Sở Xây dựng đã nhiều lần có văn bản gửi UBND các quận chỉ đạo, phối hợp các chủ đầu tư hoàn thiện công tác nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng. Ngoài ra, không ít người dân trong diện tái định cư không muốn nhận căn hộ tái định cư do nghi ngờ chất lượng xây dựng thấp, muốn chủ động được nhận tiền để tự tái định cư.

Trong những năm qua, Hà Nội triển khai nhiều dự án phát triển hạ tầng đô thị cho nên nhu cầu giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho người dân rất lớn. Thành phố luôn chủ trương cải thiện chỗ ở cho người dân bị thu hồi đất tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ, với nhiều chính sách ưu đãi dành cho các chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà tái định cư. Tuy nhiên, chất lượng công trình xây dựng cũng như công tác quản lý, vận hành, sử dụng các khu nhà tái định cư đã bộc lộ không ít hạn chế khiến người dân không mặn mà. Vì thế, thành phố cần mở rộng các hình thức tái định cư, nhất là ưu tiên trả tiền bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng để người dân chủ động bố trí chỗ ở. Ðối với những khu nhà tái định cư còn dang dở hoặc đã hoàn thiện, nhưng chưa đưa vào sử dụng, thành phố cần chỉ đạo các quận tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa, hoàn thiện các hạng mục và thực hiện công tác nghiệm thu theo quy định. Ngoài ra, để tránh lãng phí quỹ nhà, thành phố có thể xem xét, bố trí nhà tái định cư thành nhà tạm cư để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án; bố trí chỗ ở cho người dân di dời khỏi các chung cư nguy hiểm.