Hà Nội một góc nhìn

Vấn vương những nhịp cầu

Hầu như từ phía ngoại ô hay những tỉnh lân cận muốn vào nội thành Hà Nội đều phải đi qua những cây cầu. Tôi luôn hình dung mỗi cây cầu dẫn vào Hà Nội như những con rồng khổng lồ vươn mình hướng vào Thủ đô.

Hà Nội thời nay gắn bó với những cây cầu. Những lần đi công tác xa trở về, thường là khi đến những cây cầu, tôi có thói quen gọi điện cho người thân và thông báo mình đã về đến cầu này, cầu kia. Tôi cũng không thể lý giải tại sao mình lại chọn những cây cầu để làm dấu mốc cho sự trở về Hà Nội. Là cảm giác bình yên sau chuyến đi dài, hay cảm giác mình đang sắp trở về với những điều quen thuộc, thân yêu nhen nhóm lên trong lòng đã khiến tôi luôn lặp lại điều đó. Những cây cầu ở Hà Nội không chỉ mang dấu ấn của khoa học kỹ thuật, mà ở đó ta còn thấy dấu ấn của lịch sử, văn hóa, biểu tượng…

Cầu Long Biên là cây cầu được nhắc nhớ nhiều nhất khi nói về Hà Nội. Ðây là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, được xây dựng từ năm 1898 đến năm 1902. Cầu Long Biên là chứng nhân lịch sử trong những năm tháng chiến tranh và hiện nay những chứng tích ấy vẫn còn. Cây cầu ấy đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thơ, văn, nhạc, họa, nhiếp ảnh… Khi nói về Hà Nội nếu không nói đến cầu Long Biên thì có lẽ trong lòng mỗi chúng ta đều như cảm thấy thiếu vắng điều gì. Cầu Thăng Long là cây cầu mang dấu ấn của mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Liên Xô thời đó. Nằm ở tuyến giao thông huyết mạch, trọng điểm, cây cầu này đã hướng cho Hà Nội vươn xa hơn, mang tầm quốc tế khi kết nối với sân bay quốc tế Nội Bài. Cầu Chương Dương là cây cầu mang đậm dấu ấn và niềm tự hào của Việt Nam, do những kỹ sư Việt Nam tự thiết kế, thi công. Cầu Nhật Tân là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản với phong cách hiện đại, sang trọng. Cầu Vĩnh Tuy và cầu Thanh Trì cũng được xây dựng trong bối cảnh đất nước ta đang phát triển mạnh, cơ hội hợp tác quốc tế mở ra.

Sự hình thành của mỗi cây cầu mang trong đó tầm nhìn mà có thể ngay ở thì hiện tại không phải ai cũng nhìn ra. Ngày nay, chúng ta đã thấy được sự quan trọng của mỗi cây cầu ở Hà Nội, nhưng điều quan trọng khác còn nằm ở giá trị biểu tượng. Chẳng hạn như cầu Long Biên là biểu tượng cho truyền thống và lịch sử, còn cầu Nhật Tân là biểu tượng cho hiện đại và hội nhập. Nơi mỗi nhịp cầu bắc qua sông còn gợi ta nghĩ đến sự phát triển của Thủ đô.

Buổi chiều, đứng trên cầu nhìn xuống dòng sông đang lững lờ chảy qua thành phố, trong lòng ta như trào dâng một niềm mến yêu rất mơ hồ nhưng cũng rất gần gũi. Nơi bãi bồi, bóng người thấp thoáng chăm cây, xới bãi gọi ta về trong tiềm thức xa xưa. Những cây cầu mọc lên đưa Thủ đô đến với nhân loại, những cây cầu cũng lưu giữ lại những giá trị vĩnh hằng ■ 

HOÀI PHƯƠNG