Ðưa nghị quyết vào cuộc sống

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, HÐND thành phố Hà Nội đã ban hành gần 200 nghị quyết. Các nghị quyết được các ban của HÐND góp ý kiến với cơ quan chuyên môn của UBND thành phố ngay từ quá trình xây dựng dự thảo.

HĐND thành phố Hà Nội khảo sát công tác quản lý bến thủy nội địa tại cảng Hồng Vân, huyện Thường Tín (Hà Nội).
HĐND thành phố Hà Nội khảo sát công tác quản lý bến thủy nội địa tại cảng Hồng Vân, huyện Thường Tín (Hà Nội).

Nhiều nội dung các ban thẩm tra vừa trên cơ sở hồ sơ, vừa trên cơ sở khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến của đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của chính sách. Ðây là kinh nghiệm đáng quý để HÐND thành phố tiếp tục phát huy trong nhiệm kỳ tới, đưa nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của Thủ đô.

Từ năm 2016 đến 2021, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng và trình HÐND thành phố ban hành gần 60 nghị quyết quy phạm pháp luật. Trong đó, nhiều nghị quyết tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân, sau khi triển khai đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn như: Nghị quyết thông qua Ðề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường; Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống; Nghị quyết về hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã phải nghỉ công tác do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; Nghị quyết quy định một số cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố…

Theo Trưởng ban Ðô thị HÐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân, triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HÐND của HÐND thành phố thông qua Ðề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030", tình hình giao thông được cải thiện đáng kể. Ðã giải quyết được 63 điểm ùn tắc giao thông; tai nạn giao thông liên tục giảm trên cả ba tiêu chí. Mạng lưới xe buýt đã phủ kín toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã và tiếp cận đến các bệnh viện, trường học, khu công nghiệp. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, HÐND thành phố đã ban hành các nghị quyết chuyên đề và phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án liên quan đến môi trường. Ðến nay, Hà Nội đạt nhiều chỉ tiêu về môi trường như: Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 100% tại đô thị và xấp xỉ 100% tại nông thôn; tỷ lệ khu công nghiệp và khu chế xuất xử lý nước thải tập trung đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý xấp xỉ 100%. HÐND thành phố Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết số 05/2017/NQ-HÐND về quy định xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố. Sau hơn bốn năm ban hành nghị quyết, thành phố đã chấn chỉnh kịp thời các hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu chung cư, khu tập thể, khu dân cư, các nhà xưởng sản xuất; xử lý các vi phạm, đồng thời tiếp tục trang bị cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thành phố trang, thiết bị để tăng cường khả năng cứu hộ, cứu nạn trị giá hơn 500 tỷ đồng.

Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HÐND thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga, để các nghị quyết đi vào đời sống, việc thẩm tra của các ban HÐND đối với các nội dung UBND thành phố trình cần được thực hiện kỹ lưỡng. Kinh nghiệm xây dựng các nghị quyết là các ban của HÐND tham gia đóng góp ý kiến với các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố ngay từ quá trình xây dựng dự thảo. Nhiều nội dung các ban thẩm tra vừa trên cơ sở hồ sơ, vừa trên cơ sở khảo sát trực tiếp trên thực tế, tham khảo ý kiến của các đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của chính sách. Thậm chí, có những nội dung, qua thẩm tra, các ban HÐND thành phố đề nghị không xem xét theo đề xuất của UBND thành phố do không thuộc thẩm quyền. Vì vậy, những nội dung trình ra kỳ họp đều được thông qua với tỷ lệ thống nhất cao, triển khai đi vào đời sống.

Kỳ họp thường kỳ giữa năm 2021 của HÐND thành phố Hà Nội dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7, để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Theo đó, trong số 35 nội dung của kỳ họp, có 28 nội dung do UBND thành phố đề xuất, liên quan các vấn đề kinh tế - xã hội, đầu tư công, mức chi đặc thù, chính sách an sinh xã hội, quản lý đô thị… Ðáng lưu ý, sẽ có tám nghị quyết chuyên đề liên quan đời sống dân sinh, cử tri sẽ quan tâm như: Quy định về cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Ðề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2022; quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của TP Hà Nội năm học 2021 - 2022; quy định mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô từ năm học 2021 - 2022; việc cho phép các quận sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội; về điều chỉnh phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách quận, thị xã, phường khi áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị...

Ðể các nghị quyết ban hành đi vào đời sống, dự kiến, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ tổ chức phản biện xã hội trước khi UBND thành phố trình HÐND thành phố tại kỳ họp các nội dung về: Ðiều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố; một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố; quy định đối tượng và mức chuẩn trợ cấp xã hội của thành phố; Ðề án nghiên cứu, xây dựng khung cơ chế chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

VIỆT TUẤN