Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở Hà Nội tăng cao bất thường

Tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đang tăng cao bất thường, do tâm lý thích con trai ở các cặp vợ chồng còn quá nặng nề. Thực trạng này đòi hỏi các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc để tuyên truyền, nhằm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề này.

Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ huyện Gia Lâm.
Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ huyện Gia Lâm.

Số bé trai "áp đảo" bé gái Nếu như năm 2013, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) của Hà Nội đã ở mức báo động là 114 bé trai/ 100 bé gái, thì năm nay, con số đó là 116/100. Đặc biệt ở một số quận, huyện, MCBGTKS tăng đến mức đáng báo động, có thể lọt vào "tốp" những địa phương có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước. Chẳng hạn như tỷ lệ MCBGTKS của huyện Đan Phượng lên đến 139 bé trai/100 bé gái, Phúc Thọ (134/100), Sóc Sơn (133/100), Mỹ Đức (129/100)...

Các chuyên gia dân số khuyến cáo, nếu Hà Nội không triển khai quyết liệt công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS -KHHGĐ), tỷ lệ này sẽ tăng "phi mã" trong thời gian tới, đặc biệt là khu vực ngoại thành. Ngoài ra, tại nội thành, nhiều gia đình trí thức, gia đình có kinh tế khá giả có tâm lý sinh con dự phòng, lựa chọn giới tính khi mang thai bằng nhiều phương pháp. Khi được hỏi, hầu hết các cán bộ công tác DS -KHHGĐ đều khẳng định, có hiện tượng các phòng khám tư tiếp tay cho người dân lựa chọn giới tính khi sinh, nhưng rất khó phát hiện để xử lý.

Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội Nguyễn Đình Lân cho biết, sự gia tăng tỷ lệ MCBGTKS ở Hà Nội trong năm nay là điều khá bất thường. Tuy vậy, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này vẫn là do tâm lý muốn sinh nhiều con, thích con trai ở đa số cặp vợ chồng còn quá nặng nề. Cùng với đó, các dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh ở nước ta cũng khá phổ biến và đa dạng, tạo ra một thách thức rất lớn cho công tác kiểm soát tỷ lệ giới tính khi sinh.

Theo thống kê của Bộ Y tế, số tỉnh, thành phố có tỷ lệ MCBGTKS cao ngày càng gia tăng. Nếu năm 1999 chỉ có 28 tỉnh, thành phố, thì nay lên tới 40 địa phương. Điển hình như tỉnh Hưng Yên (tỷ lệ 130,7 bé trai/100 bé gái), tỉnh Hải Dương (120,2/100), tỉnh Bắc Ninh (119,4/100).... Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, mấy thập kỷ qua, tỷ lệ nữ giới luôn chiếm từ khoảng 52 đến 53%, nam giới 47 đến 48% và được duy trì khá ổn định. Nhưng trong 14 năm qua, tỷ lệ GTKS đã tăng dần từ 105, 106, 111 đến 120 bé trai/100 bé gái. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với viễn cảnh từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không lấy được vợ.

MCBGTKS còn ảnh hưởng tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.

Cần thay đổi nhận thức Theo Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam A.Éc-ken, hiện khu vực châu Á đang thiếu hụt 117 triệu trẻ em gái, đây chính là hậu quả của tình trạng phân biệt giới. Đáng báo động là thực trạng này về lâu dài sẽ rất nghiêm trọng. Cụ thể việc thiếu phụ nữ làm gia tăng nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình... Nếu không giải quyết kịp thời sẽ là tai họa cho mỗi quốc gia. Trong khi đó, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến chỉ rõ, MCBGTKS chủ yếu do việc lựa chọn giới tính thai nhi có nguyên nhân sâu xa từ định kiến về giới, trọng nam khinh nữ, tâm lý ưa thích con trai vẫn rất nặng nề. Tư tưởng lâu đời đã tạo nên áp lực nặng nề đối với phụ nữ về việc phải sinh được con trai để "nối dõi tông đường" cho nhà chồng và ảnh hưởng tới vị thế kinh tế, xã hội, đời sống sinh sản và tình dục của người phụ nữ. Thái độ xem thường giá trị của con gái đã "ăn sâu, bám rễ" trong các quan niệm văn hóa. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, sự phát triển của khoa học- kỹ thuật có thể giúp biết trước giới tính thai nhi. Tuy nhiên, đây không phải là lý do chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới. Bằng chứng là khoa học kỹ thuật ở miền nam phát triển không kém miền bắc, thậm chí một số mặt còn vượt trội, nhưng MCBGTKS chủ yếu ở miền bắc, nhất là ở đồng bằng sông Hồng. Bởi lẽ phần lớn người miền nam quan niệm con nào cũng là con, miễn khỏe mạnh, trong khi nhiều người miền bắc lại thích sinh con trai.

Biện pháp tuyên truyền để giảm mất cân bằng giới tính đó là phải làm thay đổi nhận thức của người dân. Làm thế nào để người dân quan tâm đến chất lượng dân số, chứ không phải là vấn đề giới tính. Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Y tế mong muốn, tất cả các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc để tuyên truyền đến từng đối tượng, không chỉ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mà đặc biệt là các bậc ông bà, cha mẹ và người chồng của họ những hiểu biết về giới tính. Thực tế, chênh lệch tỷ lệ giới tính và những hệ lụy từ hiện tượng này đã được cảnh báo, nhưng vẫn chưa tác động nhiều đến nhận thức của người dân.