Từng bước hoàn thiện hạ tầng, phát huy lợi thế

Nằm ở cửa ngõ tây nam Thủ đô, tiếp giáp với năm quận, huyện, cùng các di tích và làng nghề lâu đời, huyện Thanh Oai có nhiều tiềm năng để phát triển. Huyện đang nỗ lực phát huy các lợi thế này để không chỉ hướng tới mục tiêu huyện nông thôn mới nâng cao, mà còn trở thành quận trong giai đoạn 2025-2030.

Một đoạn quốc lộ 21B đang được thi công mở rộng ở xã Bình Minh, huyện Thanh Oai. Ảnh: Hoàng Huy
Một đoạn quốc lộ 21B đang được thi công mở rộng ở xã Bình Minh, huyện Thanh Oai. Ảnh: Hoàng Huy

Từ nội thành Hà Nội đi về huyện Thanh Oai những ngày này, cảm nhận đầu tiên đó là hạ tầng giao thông khang trang, hiện đại hơn trước rất nhiều. Trong đó, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 21B giai đoạn 2 đang được thi công khẩn trương, mở rộng mặt đường từ 9 m lên 35 m, khi hoàn thiện sẽ tạo diện mạo mới cho khu vực trung tâm của huyện.

Vừa thích ứng, vừa bảo đảm phát triển

Theo Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan, cùng với dự án trọng điểm này, huyện đang tích cực triển khai hàng loạt dự án, đầu việc liên quan đến xây dựng, quy hoạch để từng bước hoàn thiện hạ tầng. Đến nay, toàn bộ hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn, đường trục chính nội đồng được nhựa hóa, bê-tông hóa; 100% trạm y tế, nhà văn hóa đạt chuẩn; 57/74 trường đạt chuẩn quốc gia; toàn huyện đã có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có hai xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện Thanh Oai được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và đang chuẩn bị các điều kiện để tổ chức lễ đón nhận Bằng Công nhận của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ sở quan trọng để địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ hơn nữa.

Năm 2021, dù trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng chín tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện ước đạt 13.503 tỷ đồng, đạt 61,8% kế hoạch (tăng 6,9% so với năm 2020). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (tính đến hết ngày 31/10) là 463 tỷ đồng, đạt 86% dự toán thành phố giao; giải ngân vốn đầu tư công của huyện đạt 326 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch vốn thành phố giao và đứng thứ 8/30 quận, huyện, thị xã. Huyện cũng đã nhanh chóng chuyển trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19”, trong đó vừa nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch, vừa đề ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, bảo đảm lưu thông hàng hóa, giữ vững chuỗi cung ứng.

Tăng hiệu quả sử dụng đất

Về những mục tiêu dài hơi, Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Sáng cho biết, huyện đang xây dựng kế hoạch thực hiện các xã đạt nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu phấn đấu thêm 12 xã đạt nông thôn mới nâng cao và phấn đấu đến năm 2025 đạt huyện nông thôn mới nâng cao. Thanh Oai đang hướng tới mục tiêu lên quận vào giai đoạn 2025-2030. Bên cạnh việc phát huy nguồn lực nội tại, huyện đề nghị thành phố quan tâm phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn năm 2021-2030 của Thanh Oai và quy hoạch vùng huyện giai đoạn năm 2021-2030, bảo đảm tiêu chí quy hoạch 60% diện tích đất tự nhiên là đất phi nông nghiệp và 40% diện tích còn lại là đất nông nghiệp. Đồng thời phân cấp cho UBND huyện phê duyệt, đồng thời, hệ số điều chỉnh giá đất cụ thể và giá khởi điểm (đối với các trường hợp thửa đất, khu đất có giá trị dưới 30 tỷ đồng) để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, ngay từ bây giờ huyện cần tập trung công sức, trí tuệ cho việc xây dựng quy hoạch vùng huyện, trong đó cần phát huy hiệu quả trục quốc lộ 21B, đường trục kinh tế phía nam, đường vành đai 4 đi qua địa bàn huyện để thúc đẩy phát triển đô thị; vùng bãi sông Đáy cần tập trung phát triển du lịch, dịch vụ như sân gôn, khu nghỉ dưỡng, nông nghiệp sinh thái. Cùng với phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, Thanh Oai cần đẩy mạnh phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn để phát huy thế mạnh làng nghề. Trong đó, huyện và các sở, ngành cần quán triệt quan điểm chỉ đạo của thành phố, các cụm công nghiệp làng nghề phải có diện tích tối thiểu 15 ha, các hộ sản xuất vào cụm công nghiệp phải trở thành doanh nghiệp và phải có diện tích tối thiểu 1.500 m2 để từ đó đầu tư đồng bộ.

Tại buổi làm việc mới đây với huyện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, Thanh Oai cần rà soát lại các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của huyện và các xã, các chỉ tiêu cần tiệm cận với các tiêu chí đô thị. Trong đó, quan tâm hơn đến các tiêu chí văn hóa-xã hội, nhất là tiêu chí môi trường, xây dựng trường chuẩn quốc gia; nâng cao tỷ lệ người dân được cấp nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung; quan tâm làm tốt công tác quản lý đất đai, xây dựng, không để xảy ra sai phạm dẫn đến phải xử lý kỷ luật.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, huyện cần đặc biệt quan tâm xây dựng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng huyện để trở thành “kim chỉ nam” cho phát triển của huyện trong những năm tới. Đồng thời cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ môi trường, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các thủ tục để thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn đã được thành phố phê duyệt, để vừa cụ thể hóa mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, vừa từng bước đáp ứng các tiêu chí phát triển đô thị trở thành quận trong tương lai n