Từng bước hình thành mạng lưới đường sắt đô thị tại Thủ đô

Cùng với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Ðông đã chính thức được khai thác thương mại, Hà Nội đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị khác, để đến năm 2030 có 10 tuyến với tổng chiều dài 417 km. Tuy nhiên, để mục tiêu này trở thành hiện thực, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, nhất là giải quyết vấn đề về vốn và giải phóng mặt bằng.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông được vận hành và đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân. Ảnh: MINH HÀ
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông được vận hành và đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân. Ảnh: MINH HÀ

Sau mấy ngày được sử dụng miễn phí thấy khá tiện lợi, từ ngày 21/11, anh Nguyễn Lê Văn ở khu đô thị Văn Phú, quận Hà Ðông đã quyết định mua vé tháng tàu Cát Linh-Hà Ðông để đi làm hằng ngày. "Chi phí 200 nghìn đồng/tháng, phải đi bộ thêm một quãng đường, nhưng lại không phải chịu cảnh tắc đường, khói bụi, tôi thấy kinh tế, an toàn hơn rất nhiều". Ðó cũng là cảm nhận của nhiều người khi trải nghiệm và quyết định sẽ sử dụng tàu điện Cát Linh-Hà Ðông để đi lại thường xuyên.

Trong ba ngày đầu chính thức khai thác thương mại, tàu điện đã chở được gần 54 nghìn lượt khách, con số khá khả quan cho loại hình giao thông công cộng hiện đại lần đầu có tại Thủ đô. Trong khi đó, một tuyến quan trọng khác là đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội đến nay cũng đã hoàn thành 74% khối lượng thi công tổng thể, riêng đoạn trên cao đã hoàn thành 89,41% khối lượng thi công. Tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5 km, trong đó 8,5 km chạy trên cao, 4km chạy ngầm dưới lòng đất và dự kiến bắt đầu khai thác đoạn tuyến trên cao Nhổn-Kim Mã trong năm 2022.

Hai tuyến đường sắt đô thị đầu tiên rất đáng trông đợi bởi đây là điểm nhấn cho một đô thị văn minh, phát triển. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường, một hay hai tuyến đường sắt đô thị được đưa vào khai thác chỉ phục vụ chủ yếu cho những cư dân sống dọc tuyến. Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy nhanh phát triển mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch, làm "xương sống" cho hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô để tất cả người dân cũng như du khách trong nước và nước ngoài đến Hà Nội đều có thể thụ hưởng.

Ngoài dự án Nhổn-Ga Hà Nội, hiện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đang triển khai dự án xây dựng tuyến Nam Thăng Long-Trần Hưng Ðạo. Dự án này đang tập trung vào các nội dung như: Thẩm định nguồn vốn, điều chỉnh chủ trương đầu tư, nghiên cứu bổ sung các phương án tuyến và vị trí ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, đánh giá tác động môi trường, giải phóng mặt bằng… Cùng với đó, đơn vị đang tích cực thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các đoạn tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Nội Bài; Ga Hà Nội-Hoàng Mai; tuyến số 5 Văn Cao-Ngọc Khánh-Hòa Lạc.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Dương Ðức Tuấn nhận định, tỷ trọng vận tải hành khách công cộng của Hà Nội hiện còn rất thấp, mới đạt khoảng 17%. Thành ủy, HÐND, UBND thành phố đã xác định phải nâng tỷ trọng vận tải hành khách công cộng đạt từ 30 đến 35% trong giai đoạn trước mắt. Ðể đạt được mục tiêu đó, Hà Nội cần thêm nhiều tuyến đường sắt đô thị nữa. Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030, sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị kết nối xuyên tâm và vành đai. Trong tương lai gần, ngoài kết nối giữa khu vực nội đô lịch sử đến khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Ðông, dự kiến tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Ðông sẽ được kéo dài đến đô thị vệ tinh Xuân Mai.

Tuy nhiên, khi triển khai những dự án quy mô lớn như đường sắt đô thị đã nảy sinh không ít khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách, thiếu vốn, vướng mắc giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn nhân lực trình độ cao. Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu chia sẻ, từ thực tế xây dựng tuyến số 3, giai đoạn 1, Nhổn-Ga Hà Nội cho thấy, Thủ đô nói chung và cả nước nói riêng còn đang thiếu những cơ chế chính sách thích hợp với loại hình dự án đặc biệt này. Ðể đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị, thành phố cần chuẩn bị tốt bốn điều kiện tiên quyết, đó là: Quy hoạch; giải phóng mặt bằng; vốn và nguồn nhân lực.

Theo các chuyên gia giao thông, nhiệm vụ trước mắt là các cấp, ngành chức năng phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Thực tế cho thấy, hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Ðông; Nhổn-Ga Hà Nội chậm tiến độ đều do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Ðể tránh đi vào "vết xe đổ", công tác giải phóng mặt bằng cần đi trước một bước, chuẩn bị sớm, kỹ lưỡng và sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị.

Cùng với đó, vốn cũng là khâu cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi triển khai các dự án đường sắt đô thị. Ðể giải quyết vấn đề này, cùng với việc chủ động các nguồn vốn vay ưu đãi, trong quá trình phát triển các dự án, cần khai thác tối đa quỹ đất dọc các tuyến đường; đấu giá quỹ đất xen kẹt để tạo nguồn lực đầu tư cho hạ tầng đường sắt; có chính sách khai thác nguồn lợi từ chính các dự án đường sắt đô thị để tạo thêm nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Ðức Tuấn cho biết, sắp tới, tuyến số 5 (Hồ Tây-Hòa Lạc) sẽ được thành phố tập trung nguồn lực triển khai theo hình thức đầu tư công, không phân kỳ, gần 30 km toàn tuyến sẽ được thực hiện cơ bản xong trong một giai đoạn. Trên cơ sở đó cũng như những kinh nghiệm từ việc đầu tư xây dựng các tuyến khác, thành phố sẽ kiểm soát cả công nghệ, quá trình đầu tư chặt chẽ và hiệu quả hơn đối với tuyến số 5 ■ 

QUỐC TOẢN