Tích cực phòng, chống sốt xuất huyết

Thời gian gần đây, các ca mắc sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn Thủ đô. Thành phố Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết kịp thời.

Các tổ dân phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch sốt xuất huyết.
Các tổ dân phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch sốt xuất huyết.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 93 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Mặc dù dịch bệnh đang được kiểm soát, tuy nhiên, dự báo số ca mắc còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới do chu kỳ của dịch thường diễn ra khoảng ba đến bốn năm/lần (đợt dịch cao điểm gần đây nhất là năm 2018). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết thêm, trong vài tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết đã có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, đầu tháng 5/2022, mỗi tuần trên địa bàn chỉ ghi nhận từ hai đến năm ca sốt xuất huyết, nhưng từ cuối tháng 5, số ca mắc đã tăng lên khoảng 15 ca mỗi tuần, phân bố khá rộng tại hơn 10 quận, huyện. Thêm vào đó, thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và có khả năng bùng phát thành dịch trên diện rộng, nếu không có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Trước tình hình này, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã đồng loạt ra quân triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn nhằm giảm tỷ lệ mắc, khống chế không để xảy ra ổ dịch lớn. Tại quận Long Biên, hệ thống truyền thanh phường mỗi ngày đều đặn phát bài tuyên truyền về phòng, chống dịch sốt xuất huyết một lần và tăng cường phát thanh bốn đến sáu lần trong những ngày triển khai chiến dịch. Tại khu vực đông dân cư như chợ, cổng trường học, công trường… đều treo khẩu hiệu, áp-phích thông tin, tuyên truyền về công tác này.

Hơn 3.300 người dân tại các tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học tại quận Long Biên đã hưởng ứng, cùng nhau tham gia cấp phát 22.571 tờ rơi đến các hộ gia đình; kiểm tra gần 700 khu vực và 85 nghìn hộ gia đình, 120 nghìn dụng cụ chứa nước… Qua đó, đã xử lý hơn 3.500 dụng cụ chứa nước có bọ gậy. Chị Trần Thanh Bình (ở Bát Khối, quận Long Biên) cho biết: "Cứ đợt nào mưa nhiều thì lại thấy nhà xuất hiện nhiều muỗi. Khi được cán bộ y tế hướng dẫn, tôi mới biết do trong sân có nhiều chậu cây, chai lọ tích nước mưa, thành nơi thuận lợi cho muỗi sinh sản. Sau khi xử lý những dụng cụ chứa nước này đã đỡ hẳn muỗi".

Tại huyện Chương Mỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Dương Mạnh Hùng cho biết, Trung tâm đã yêu cầu các xã có chỉ số bọ gậy cao cần tăng cường kiểm tra, giám sát và tuyên truyền để người dân tham gia công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết. Các đội xung kích, tổ giám sát tăng cường hướng dẫn người dân biết cách tự phát hiện ổ bọ gậy, tự xử lý các dụng cụ chứa nước, loại bỏ các dụng cụ phế thải đọng nước bằng cách lật úp các dụng cụ chứa nước, thả cá vào các bể chứa nước, hòn non bộ… để diệt bọ gậy.

Ðồng thời, huyện Chương Mỹ cũng chỉ đạo các cơ sở y tế, trạm y tế các xã, thị trấn thực hiện giám sát dịch tễ tình hình dịch bệnh, nhất là các xã có ổ dịch sốt xuất huyết lưu hành thường xuyên hằng ngày, hằng tuần, đồng thời giám sát tình hình bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện và điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện để kịp thời xử lý ổ dịch phát sinh.

Cùng với công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, Sở Y tế Hà Nội đã gửi công văn tới các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường triển khai thực hiện công tác điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Theo yêu cầu của Sở Y tế, các đơn vị này phải tuân thủ việc thu dung, điều trị người bệnh theo quy định; nghiêm túc thực hiện chế độ thường trực, thường trú theo đúng quy chế để phát hiện, điều trị kịp thời, chuyển tuyến các ca bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nặng. Ðồng thời, củng cố duy trì hoạt động của "Nhóm điều trị sốt xuất huyết" và "Ðường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết" tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.

Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đồng thời triển khai mạnh mẽ các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết năm 2022 trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu: UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, "đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng dụng cụ chứa nước". Một mặt tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, nhưng cũng kiên quyết xử phạt đối với những cá nhân, tập thể không hợp tác, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định" ■