Thước đo năng lực của đội ngũ cán bộ

Bài 2: Vai trò nêu gương của người đứng đầu

Không nề hà, không ngại vất vả, thậm chí tiếc là không thể làm tốt hơn để chăm lo chu đáo cho người dân. Đó là những chia sẻ thật lòng của nhiều cán bộ tham gia phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua và kết quả đã đạt được từ thực tế là minh chứng rõ nét, sinh động nhất.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà kiểm tra công tác triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác. Ảnh: Duy Tuân
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà kiểm tra công tác triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác. Ảnh: Duy Tuân

Nhận quyết định bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cuối tháng 2/2021, đồng chí Trần Thị Nhị Hà bắt tay ngay vào việc bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chỉ cần người dân tin tưởng

Trước và trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, áp lực từ dư luận rất lớn. Người thì cho rằng, ngành y tế Thủ đô làm căng quá, có ý kiến lại bảo phải siết chặt hơn. “Chúng tôi hiểu, nếu Hà Nội không bình tĩnh, quyết liệt ứng phó, thì số ca mắc sẽ tăng cao, thương vong nhiều là điều khó tránh khỏi. Khi thành phố yêu cầu thực hiện chiến dịch thần tốc xét nghiệm và tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid cho toàn bộ người dân trong độ tuổi, chưa bao giờ ngành y chúng tôi phải làm khối lượng công việc lớn đến vậy. Vừa xét nghiệm, vừa tiêm vắc-xin cho hàng triệu người, vừa khoanh vùng, điều tra dịch tễ và dập bằng được các ổ dịch phát sinh trong cộng đồng. Khi chưa được phân bổ vắc-xin thì trăn trở làm sao để người dân sớm được tiêm, nhưng khi tiếp nhận ba triệu liều vắc-xin, phải tiêm xong trong một tuần, tôi lo lắm”, bà Hà chia sẻ.

Những ngày đó, các điểm tiêm chủng đều hoạt động hết công suất. Hơn 3.000 dây chuyền và hơn 18.000 cán bộ y tế tham gia, tiêm cả ngày lẫn đêm, có nơi tiêm đến 2-3 giờ sáng mới kết thúc, có ngày tiêm gần 800.000 liều vắc-xin. Cùng góp sức với ngành y tế Thủ đô trong chiến dịch này còn có hơn 4.000 cán bộ, nhân viên y tế của 12 tỉnh, thành phố phía bắc. Mặc dù cố gắng tiêm nhanh nhất, xét nghiệm trên diện rộng, nhưng phải bảo đảm an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, là những áp lực rất lớn đặt lên vai ngành y tế. “Càng áp lực bao nhiêu, chúng tôi càng phải nỗ lực bấy nhiêu, chỉ cần người dân tin tưởng”, bà Hà rất vui khi những cố gắng ấy đã có được kết quả xứng đáng. Chiến dịch tiêm và xét nghiệm thần tốc của thành phố đạt kết quả rất cao, là tiền đề quan trọng để Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới.

Cùng “chia lửa” với ngành y tế, các cấp, các ngành, các địa phương vào cuộc rất chủ động, linh hoạt. Trong đó, những cán bộ chủ chốt thật sự thể hiện được vai trò “cầm trịch” và nêu gương, tạo được mối gắn kết chặt chẽ trong hệ thống chính trị và sự đồng lòng, nhất trí của nhân dân. Trong quá trình tác nghiệp cũng như tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã rất nhiều lần chứng kiến từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của thành phố đến cán bộ cơ sở rất sâu sát, có mặt tại mọi “điểm nóng”.

Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) Dương Minh Đức cho biết, những ngày cao điểm chống dịch, các bữa ăn chính vào khoảng 23-24 giờ đêm. “Cán bộ lúc đầu thì đợi chờ, sau thì tự giác, chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Giờ chỉ cần nghe thông tin có F0, F1 ở đâu là mọi người triển khai công việc theo quy trình. Nhưng để được như vậy, theo tôi, lãnh đạo càng phải nêu gương, “có việc” là có mặt ngay, anh em cán bộ nhìn vào, còn người dân thì yên tâm, tin tưởng”, ông Đức nói.

Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Tuy Lưu Xuân Trịch cho biết, lãnh đạo phường thường xuyên cắm chốt ở trụ sở, để khi cần thiết là “lên đường” ngay. Một trong những ổ dịch phức tạp nhất là tại ngõ 238 phố Dương Văn Bé, nơi có hơn 300 nhân khẩu mà hầu hết là lao động tự do. Ngay khi nhận được tin phải phong tỏa khu vực này, lãnh đạo phường mặc đồ bảo hộ, xuống ngay thực địa, để vừa động viên người dân, vừa nghiên cứu cụ thể xem khoanh vùng đến đâu, tổ chức các chốt chặn thế nào cho hợp lý. Những ngày hè nắng nóng, anh em mặc đồ bảo hộ kín mít để truy vết, xét nghiệm và vận chuyển lương thực, thực phẩm cho người dân. Nhiều lần trong ngày, quần áo ướt sũng vì mồ hôi rồi lại khô, nhưng không một tiếng phàn nàn, kêu ca.

Huy động sức mạnh cộng đồng

Mô hình "vùng xanh" đầu tiên của Hà Nội ra đời sau một đêm khó ngủ của Chủ tịch UBND phường Mai Động Trần Văn Vịnh. “Trong quá trình triển khai, tôi thấy các lực lượng tham gia quá vất vả, nếu chỉ có cán bộ, công chức và cán bộ cơ sở thì sẽ không đủ, trong khi sức dân thì có nhiều. Sau khi thấy hình ảnh người dân tham gia tự quản các “vùng xanh” tại TP Hồ Chí Minh, tôi nghĩ, nếu áp dụng tại địa bàn sẽ phát huy hiệu quả cao”. Sau khi xin ý kiến, nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo quận, cũng như đồng thuận của cán bộ cơ sở, phường Mai Động đã nhanh chóng chỉ đạo các khu dân cư, tổ dân phố rà soát, xác định vùng an toàn để thiết lập “vùng xanh” nhằm phát huy sự đoàn kết, sức mạnh cộng đồng. Trong đó, cùng với cán bộ tổ dân phố, người dân đóng vai trò chủ thể khi trực chốt quản lý việc đi lại của mọi người tại khu dân cư. Khu vực "vùng xanh" chỉ cho phép người dân cư trú tại địa bàn có giấy đi đường, giấy đi chợ (đúng ngày, đúng giờ) đi lại. Những trường hợp khác chỉ được giao hàng tại chốt, tuyệt đối không được vào bên trong.

Nhiều chi bộ, tổ dân phố huy động hàng chục cán bộ, đảng viên tham gia giữ chốt. Bà Trần Thị Hạnh, Tổ trưởng tổ dân phố 20, tòa chung cư T18 khu đô thị Times City cho biết, trong gần hai tháng giãn cách xã hội, 23 cán bộ, đảng viên sinh sống tại tòa nhà thay nhau trực chốt chống dịch từ 6 giờ đến 23 giờ. Anh Phạm Văn Đức, đảng viên ở tầng 17 tòa nhà T18 cho biết: “Tôi và rất nhiều người dân tình nguyện trực chốt bảo vệ “vùng xanh” bảo đảm an toàn cho chính tòa nhà mình sinh sống. Các cán bộ đã nghỉ hưu, thanh niên trực những ngày trong tuần, đảng viên hai chiều được phân công trực những ngày cuối tuần”.

Bí thư Đảng ủy phường Mai Động Đặng Thị Thanh Bình nói: “Phường xác định làm thực chất, không phải dựng lên cho có. Lúc đầu mới triển khai, không phải người nào cũng đồng thuận, chấp hành ngay. Có trường hợp còn ăn vạ, chửi bới, khóa xe máy lại bỏ đi. Nhận được thông tin, Bí thư, Chủ tịch hay Trưởng công an phường xuống hiện trường ngay để chỉ đạo xử lý. Với cán bộ, đảng viên, dù xưng làm ở cơ quan này, cơ quan kia, chúng tôi cũng kiên quyết, cần thiết sẽ làm công văn gửi đến tận đơn vị để thông tin về việc không chấp hành quy định phòng, chống dịch”. Nỗ lực của cả hệ thống được người dân ghi nhận. Chị Nguyễn Minh Phương ở ngõ 13 Lĩnh Nam, phường Mai Động chia sẻ: “Tôi thấy mô hình mang lại hiệu quả thiết thực. Khu vực nhà tôi giữ được sự bình yên”.

Từ 50 “vùng xanh” tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai đã nhân rộng mô hình này tại tất cả các phường. Sau đó, các quận, huyện khác của Hà Nội cũng học tập, xây dựng các “vùng xanh”. Một số phường tại quận Cầu Giấy còn nâng cấp lên thành “phường xanh”. Các chốt kiểm soát từ phường, xã, đến tổ dân phố là những “lá chắn” quan trọng bảo vệ địa phương trước nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập từ bên ngoài hoặc lây nhiễm chéo bên trong n

(Còn nữa)

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 30/11/2021.