Thước đo năng lực của đội ngũ cán bộ

Những khó khăn, thử thách chưa từng có tiền lệ khi phải đối mặt với đợt dịch Covid-19 thứ tư như liều thuốc thử năng lực, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, đó cũng chính là cơ hội cho cán bộ nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô bước đầu khống chế thành công đại dịch, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Cán bộ, nhân viên phường Văn Miếu (Đống Đa) vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân tại khu vực cách ly trên địa bàn. Ảnh: MINH HÀ
Cán bộ, nhân viên phường Văn Miếu (Đống Đa) vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân tại khu vực cách ly trên địa bàn. Ảnh: MINH HÀ

Bài 1: Cán bộ “ba cùng” ở tâm dịch

Luôn có mặt tại các điểm nóng, các cán bộ của thành phố ăn cùng, ở cùng và xắn tay chăm lo từ những điều nhỏ nhất để bảo đảm an toàn cho người dân. Tinh thần nêu gương ấy từ những cán bộ chủ chốt đã tạo sự lan tỏa, góp phần quan trọng nâng cao năng lực và hiệu quả của hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch.

Dù đã hơn hai tháng kể từ ngày “chia tay” cán bộ và người dân phường Chương Dương, nhưng Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân vẫn nhớ như in 40 ngày chống dịch ròng rã ở một trong những ổ dịch phức tạp nhất của Hà Nội thời điểm đó. 

“Nếu bị kỷ luật, cứ kỷ luật tôi”

Ông Quân kể: “Tối muộn 30/7, khi vừa về gần đến nhà, tôi nhận được lệnh họp khẩn từ quận về diễn biến phức tạp tại phường Chương Dương, khi một cán bộ dân phố bị nhiễm Covid-19 và hầu hết cán bộ UBND, Công an phường thành F1, phải đi cách ly. Sau khi họp bàn, nhận định tình hình, tôi nhận lệnh trực tiếp xuống địa bàn để thành lập Sở Chỉ huy ở đấy”.

Gần 1 giờ sáng, ông Quân “cầm quân” xuống phường, tập kết tại một nhà văn hóa nhỏ ở khu dân cư để triển khai ngay các phương án phong tỏa. Lúc đầu mọi người tính toán 5 giờ sáng sẽ bắt đầu lập chốt, dựng các hàng rào cứng, nhưng sau khi đánh giá tình hình phải đẩy lên 2 giờ vì chỉ một tiếng sau, tại đây có một chợ rau hoạt động, tình hình sẽ phức tạp, khó kiểm soát hơn. Mấy ngày sau, đoàn công tác được vào ở nhờ một quán cà-phê nhìn ra ngay cửa khẩu chính Hàm Tử Quan. Bàn ghế được thu gọn lại thành chỗ ăn, nghỉ cho sáu người. “Trong 15 ngày đầu, tôi hầu như không ngủ trước 4 giờ sáng, 6 giờ đã dậy vì thông tin về F0 liên tục báo về, nên phải tức tốc vào cuộc truy vết, phong tỏa ngay. Điện thoại liên tục có các cuộc gọi và tin nhắn, lúc thì thông báo tình hình, lúc thì người dân hỏi về việc cung cấp lương thực, thu gom rác thải, khám, chữa bệnh. Mấy hôm đầu nói nhiều đến mất tiếng, tôi đề nghị mọi người nhắn tin và tôi trả lời đầy đủ”.

Lúc đầu thiếu nhân lực, những cán bộ, đảng viên của phường được huy động tham gia chống dịch. Về sau, nhiều người dân nhiệt tình tham gia, trong đó có cả những người lao động tự do bị mắc kẹt ở các khu nhà trọ trên địa bàn. Họ chân thành chia sẻ: “Chúng tôi giúp các anh vì những ngày qua được chính quyền, được các anh quan tâm”. Khi được hỏi về tâm trạng những ngày trực chiến ở tâm dịch, ông Quân trả lời ngay: “Chúng tôi không có thời gian để lo lắng, vì bận giải quyết công việc”. Cán bộ ở cơ sở đều phải lăn xả vào việc, có bác tổ trưởng bị tai biến khi đang đẩy xe hàng cứu trợ cho người dân, may mắn được cấp cứu kịp thời nên đã qua khỏi. Vừa hồi phục, bác lại tiếp tục tham gia hoạt động tình nguyện. 

Sau 40 ngày ròng rã, phường Chương Dương đã bình yên trở lại. Ông Quân cho rằng, nếu không quyết liệt, không quyết đoán, linh hoạt thì khó mà giữ được tình hình: “Đơn cử như việc bịt hai cửa khẩu ra, vào phường để tăng cường kiểm soát, cũng có ý kiến này, ý kiến kia vì chưa xin phép cơ quan có thẩm quyền. Nhưng nếu không làm thì hàng chục cán bộ dân phòng phải ngày đêm trực chốt. Chỉ cần tạm thời rào cửa khẩu lại sẽ vừa an toàn, mọi người thêm được chút thời gian để nghỉ ngơi, giữ sức cho lực lượng tuyến đầu. Tôi điện thoại cho Bí thư Quận ủy để đề xuất và quả quyết: “Nếu bị kỷ luật thì cứ kỷ luật tôi”. Nghe tôi trình bày xong, đồng chí Bí thư Quận ủy nhất trí với đề xuất và nói rõ “nếu bị kỷ luật, tôi sẽ chịu kỷ luật cùng anh”. Nhờ sự quyết đoán của người đứng đầu cùng sự đồng thuận của người dân, nên sau 40 ngày phong tỏa, tình hình dịch tại phường Chương Dương đã được kiểm soát, không lây lan ra các địa bàn khác.

Xử lý ngay các tình huống phát sinh 

Không lâu sau khi phong tỏa phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), hai phường Văn Miếu và Văn Chương (quận Đống Đa) cũng phải phong tỏa toàn bộ để khống chế dịch. Chủ tịch UBND phường Văn Miếu Nguyễn Thị Vân Anh chia sẻ: “Dù các ngày trước, thông tin về một số ca mắc trên địa bàn diễn biến phức tạp, nhưng khi nhận được quyết định phong tỏa toàn bộ phường, ai cũng cảm thấy lo lắng, căng thẳng. Nhất là ngày đầu tiên, những ngõ phố vốn nhộn nhịp, giờ vắng không một bóng người. Nhưng cảm giác ấy cũng qua nhanh khi cuốn vào công việc. Tất cả cùng xắn tay vừa làm vừa động viên nhau phải nỗ lực, cố gắng hơn, nếu không thì lấy ai chăm lo cho người dân”. 

Theo quy định phòng, chống dịch, hàng hóa chỉ được để bên ngoài chốt trực, lực lượng tình nguyện sẽ vận chuyển đến tận nhà cho người dân. Từ lãnh đạo phường đến cán bộ, công chức đều trở thành shipper, chẳng nề hà gì. Có nhiều hôm họp bàn, triển khai các phương án đến nửa đêm, nhưng cứ đến 5 giờ là dậy, tranh thủ lót dạ bát mì úp rồi mặc quần áo bảo hộ lên đường làm nhiệm vụ. Chỉ mất mấy ngày đầu chệch choạc, sau đó mọi người đều thực hiện theo đúng quy trình, nào bố trí tiêm, sắp xếp cho người dân đi xét nghiệm, truy vết, vận chuyển hàng… Trong thời gian bị phong tỏa, trên địa bàn phường còn có năm trường hợp tử vong, nhưng không phải do Covid-19. Lãnh đạo phường họp bàn, rồi xin ý kiến cơ quan chuyên môn để tổ chức tang lễ thế nào cho phù hợp, bảo đảm phòng, chống dịch. Cán bộ phường phụ giúp các gia đình, trực tiếp lo hậu sự, chia sẻ mất mát với người dân. Người dân còn lập nhóm Zalo “Tôi yêu Văn Miếu” để động viên, chia sẻ thông tin liên quan, đưa các bức ảnh cán bộ phường nhiệt tình tham gia phòng, chống dịch. Chị Trần Thu Phương ở khu dân cư số 7, phường Văn Miếu bày tỏ: “Các cấp chính quyền luôn quan tâm, hỗ trợ, chăm lo đời sống của người dân trong diện thực hiện cách ly. Chúng tôi rất yên tâm chống dịch, nhờ đó đến nay cuộc sống đã trở lại bình thường”.

Đúng là nếu không có sự đồng thuận của người dân, không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự nêu gương của cán bộ chủ chốt, sẽ rất khó để Hà Nội khống chế thành công dịch bệnh. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) Tạ Văn Hải, nếu cán bộ sâu sát, gắn bó với cơ sở và linh hoạt, quyết đoán xử lý tình huống thì nhiệm vụ khó cũng sẽ hoàn thành, người dân sẽ tin tưởng, đồng thuận hơn. Khi phường Hoàng Liệt phong tỏa tại ổ dịch HH4C với hơn 2.100 nhân khẩu, phường quyết định thành lập ngay Sở Chỉ huy tại đây, lãnh đạo trực tiếp đứng chốt để vừa chỉ đạo, vừa xử lý ngay các tình huống phát sinh. Những việc như đi chợ, vận chuyển hàng hóa hay lĩnh lương hưu hộ thì thường xuyên rồi, khó nhất là một vài trường hợp phải đi chạy thận, đi khám thai, làm thế nào để bảo đảm tuân thủ các quy định phòng, chống dịch? Ông Hải nhớ như in tình huống một sản phụ và cũng là F0 thứ 48 tại HH4C. Hôm ấy khoảng 20 giờ 30 phút, gia đình xuống chốt báo sản phụ sắp trở dạ, cán bộ phường mượn ô-tô, lái xe chở vào Bệnh viện Bưu điện. Đến gần 23 giờ, bệnh viện lại cho về vì chưa có dấu hiệu sinh. Đến nửa đêm, gia đình lại đưa người xuống và nhờ đưa lên Bệnh viện Thanh Nhàn. “Chúng tôi hội ý nhanh rồi gấp rút đưa sản phụ đến bệnh viện, sinh nở mẹ tròn con vuông. Sau khi xét nghiệm, lại phát hiện người mẹ dương tính với SARS-CoV-2, cho nên phải giữ lại. Thật may là sau đấy sức khỏe hai mẹ con ổn định, khi về nhà nhắn tin, gọi điện cảm ơn mọi người, khiến chúng tôi  rất vui”, ông Hải chia sẻ.

(Còn nữa)