Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Thời gian qua, do tác động của dịch Covid-19, các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đã được người dân sử dụng phổ biến hơn, nhằm hạn chế việc đi lại và tiếp xúc trực tiếp. Thành phố Hà Nội đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh các hình thức thanh toán điện tử hiện đại, hướng tới phát triển kinh tế số.

Người tiêu dùng Hà Nội thử nghiệm quét mã QR để thanh toán trực tuyến.
Người tiêu dùng Hà Nội thử nghiệm quét mã QR để thanh toán trực tuyến.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Dương Minh Anh (ở phố Thái Thịnh, quận Ðống Ða) rất ít khi sử dụng tiền mặt để thanh toán, do tăng cường đặt hàng online và trả tiền qua chuyển khoản, ví điện tử hoặc quét mã QR… Chị chia sẻ: "Nhờ các phương thức thanh toán hiện đại này, tôi đỡ phải tiếp xúc với người bán hoặc nhân viên giao hàng, cũng không cần rút tiền tại ATM. So với việc tiếp xúc gần, trả tiền mặt trực tiếp, tôi thấy vừa thuận tiện, tiết kiệm thời gian lại bảo đảm an toàn phòng, chống dịch". Không chỉ chị Minh Anh, mà nhiều người tiêu dùng Hà Nội đang quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo khảo sát gần đây của Tập đoàn dịch vụ tài chính Visa cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến để thích ứng với đại dịch Covid-19. Các hình thức dùng ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc qua thẻ và điện thoại thông minh, thanh toán bằng mã QR trên các loại hình mua sắm, dịch vụ đều tăng mạnh trong thời gian qua. Ðơn cử, tỷ lệ giao dịch không tiếp xúc trên tổng số giao dịch trực tiếp của thẻ Visa đã tăng 230% so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt tại Hà Nội lên đến 99,71%...

Thanh toán không dùng tiền mặt được sử dụng khá phổ biến trên các nền tảng thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee... Tỷ lệ thanh toán không tiền mặt trên sàn thương mại điện tử Lazada đã tăng hơn 30% mỗi tháng kể từ tháng 4/2021. "Chúng tôi đã tăng cường nhiều giải pháp liên kết, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn khi thanh toán điện tử để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng, qua đó hạn chế tiếp xúc trực tiếp, bảo đảm an toàn phòng dịch, nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng", Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam Vũ Thị Minh Tú cho biết.

Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt cũng tăng cao. Giám đốc Hoạch định Tài chính Aeon Việt Nam, Lưu Hồng Phước chia sẻ: "Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của Aeon Việt Nam đã tăng dần qua các năm, hiện đạt gần 50%. Việc tăng tốc chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của Aeon Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp xu hướng chung, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh hiện tại". Chủ tịch Công ty TNHH bán lẻ BRG Nguyễn Thái Dũng nhận định: "Nhận thức rõ tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt, Tập đoàn BRG đang tập trung đầu tư để chuỗi hệ thống siêu thị, các cửa hàng triển khai nhiều giải pháp thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng làm quen với các hình thức không dùng tiền mặt".

Tuy nhiên, vẫn còn một số người tiêu dùng vẫn ưu tiên sử dụng nhiều tiền mặt, còn thiếu niềm tin vào các giao dịch điện tử. Các hạ tầng thanh toán trực tuyến hỗ trợ thương mại điện tử còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ. Ðể đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới nền kinh tế số, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để nhanh chóng thay đổi về công nghệ và sự phát triển các mô hình, dịch vụ thanh toán hiện đại. Trong đó, thành phố đẩy mạnh các chương trình, giải pháp nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng, như miễn, giảm phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công... Thành phố cũng chú trọng phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đa năng, mở rộng mạng lưới thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tại các đơn vị…

Theo quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Trần Thị Phương Lan, để thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, phát triển kinh tế số, thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục phối hợp Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hà Nội khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ triển khai mạnh mẽ các loại hình thanh toán mới hiện đại. Ðồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị bán lẻ triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, có chính sách ưu tiên, ưu đãi khi người tiêu dùng lựa chọn hình thức thanh toán này. Bên cạnh đó là phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến (qua các ứng dụng thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba, Sendo, Shopee…) nhằm tìm kiếm, kết nối với khách hàng, duy trì kinh doanh trong điều kiện phòng, chống dịch ngày càng siết chặt ■ 

An Nhiên