Tập trung xử lý các dự án sử dụng đất nhưng chậm triển khai

Mới đây, tại hội nghị giao ban công tác quý II/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Bùi Duy Cường cho biết, Tổ công tác liên ngành của thành phố đã làm việc trực tiếp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã để kiểm tra, rà soát, hậu kiểm và phân loại các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai để tập trung xử lý.

Theo kết quả phân loại, trong số 404 dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã được Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, mới có 105 dự án với tổng diện tích 299 ha đất đã được chủ đầu tư chủ động khắc phục các tồn tại, đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai. Có tám dự án với tổng diện tích 34,4ha đất, kiến nghị trình Ủy ban nhân dân thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án. Bên cạnh đó, UBND thành phố đã có quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định, chấm dứt hoạt động dự án đối với 12 dự án với tổng diện tích 177ha đất. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có tờ trình về việc bãi bỏ quyết định đối với bảy dự án với tổng diện tích 184,8ha đất…

Đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, dự án vi phạm do Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tiếp tục đề xuất xử lý (số liệu ghi nhận đến hết quý I/2022), chính quyền các địa phương đã bổ sung và tiếp tục đề xuất, kiến nghị xử lý đối với 173 dự án. Trong đó, 53 dự án đã có quyết định chủ trương (chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư, văn bản giao chủ đầu tư nghiên cứu), đến nay đã quá tiến độ thực hiện dự án nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; 120 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm triển khai.

Như vậy, số lượng các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai còn khá lớn, gây lãng phí lớn về nguồn lực đất đai và khiến cộng đồng doanh nghiệp, người dân bức xúc. Nguyên nhân là do những vướng mắc trong thủ tục hành chính, năng lực của chủ đầu tư dự án còn hạn chế hoặc mục đích muốn “ôm đất” của chủ đầu tư. Tình trạng này cần được các sở, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tập trung tiến hành thanh tra, kiểm tra nghiêm ngặt, đồng thời, thực hiện hậu kiểm việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với từng dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, các sở, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã cần phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ đầu mối giải quyết, rõ quy trình và thời hạn, rõ kết quả thực hiện xử lý theo các nhóm dự án vi phạm. Trong đó, tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan, tạo điều kiện sớm nhất, tốt nhất để chủ đầu tư khắc phục, khẩn trương thực hiện dự án đầu tư, tránh tình trạng lãng phí đất đai kéo dài ■

Gia Minh