Tập trung xây dựng trường học tại khu đô thị mới

Hà Nội hiện có 573 dự án khu đô thị, khu nhà với hàng chục nghìn người dân sinh sống, nhưng tình trạng thiếu trường học để các học sinh học tập ngay trong địa bàn khá phổ biến. Thực trạng này đòi hỏi thành phố trong thời gian tới cần những giải pháp chặt chẽ, mạnh mẽ hơn.

Lô đất TH.III.11.5 quy hoạch là đất trường học tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp hiện đang bị bỏ hoang. Ảnh: CHÍ KIÊN
Lô đất TH.III.11.5 quy hoạch là đất trường học tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp hiện đang bị bỏ hoang. Ảnh: CHÍ KIÊN

Xây nhà, không xây trường

Dự án khu nhà ở Thạch Bàn (quận Long Biên) khởi công từ cuối năm 2010, có diện tích lên tới 14,2 ha. Theo thiết kế, dự án xây dựng các biệt thự liền kề, các tòa chung cư cao tầng, các công trình công cộng, trường tiểu học, trường THCS, THPT, vườn hoa, bãi đỗ xe... Sau thời gian ì ạch thi công, dù người dân tòa CT2B cùng một số hộ dân tại các căn biệt thự liền kề đã an cư được hai năm, nhưng khu vực dành cho các công trình công cộng, trường học... vẫn chỉ thấy cỏ dại, lau sậy mọc hoang. Do khu đô thị không có trường học, người dân phải chật vật xin học cho con tại các trường chung quanh. Riêng khu đất để xây trường mầm non đến nay đã có một ngôi trường mới rộng rãi, tuy nhiên, đây lại là trường dân lập. "Khi thấy một trường mầm non to đẹp xây dựng xong, tôi đã rất vui mừng, vì có nơi gửi con gần nhà. Nhưng đó không phải là trường công lập, mức học phí quá cao, thu nhập của gia đình tôi không cho phép cho con theo học" - chị Trần Huyền Trang ở tòa nhà CT2B cho biết.

Ðây là tình trạng chung của khoảng 15 dự án khu đô thị mới, khu chức năng đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố, gồm: Khu đô thị mới Phùng Khoang, Khu nhà ở Ðài phát thanh phát sóng Mễ Trì, Khu đô thị Xuân Phương - Viglacera, Khu đô thị Ðoàn ngoại giao, Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Ðỉnh, Dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại xã Cổ Nhuế, Khu nhà ở để bán Quang Minh - Vinaconex 2, Khu đô thị Lê Trọng Tấn - Geleximco... Các dự án này khi được phê duyệt đều có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường phổ thông, nhưng việc đầu tư xây dựng không đồng bộ với tiến độ xây dựng nhà ở.

Hiện tại, trên địa bàn thành phố có tới 573 dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở. Thực trạng thiếu trường, nhất là trường công lập trong các khu đô thị dẫn đến tình trạng quá tải cho hệ thống trường có sẵn trên địa bàn. Các trường này được xây dựng để đáp ứng cho người dân vốn sinh sống trên địa bàn. Khi các khu đô thị, khu nhà ở đưa vào hoạt động, lượng dân cư mới đến ở có thể tương đương với dân số của một phường, khiến tình trạng quá tải ở các trường, lớp công lập. Tình trạng sĩ số mỗi lớp lên tới 60 đến 70 em diễn ra phổ biến, không bảo đảm chất lượng dạy và học.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HÐND thành phố Hà Nội Trần Thế Cương nhận định, nhiều chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc xây dựng nhà ở và các công trình hỗn hợp để kinh doanh thu hồi vốn, chứ không quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho các công trình hạ tầng xã hội, nhà trẻ, trường học... Việc triển khai xây dựng các công trình hạ tầng xã hội khi phê duyệt chưa xác định rõ trách nhiệm nguồn đầu tư từ đâu, chưa quy định cụ thể, chi tiết về tiến độ thực hiện dẫn đến chủ đầu tư chậm chạp triển khai, thậm chí bỏ mặc, gây nên tình trạng người dân đã về ở mà các trường học vẫn chưa được xây dựng.

Kiên quyết thu hồi đất để làm trường học

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, thời gian tới, trong công tác quản lý chấp thuận đầu tư dự án mới sẽ quy định cụ thể trách nhiệm, tiến độ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trường học, nhà trẻ trong dự án; trên cơ sở đó, sẽ kiểm tra, giám sát, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện.

UBND thành phố đã chỉ đạo thu hồi một số dự án chậm tiến độ để lấy quỹ đất xây dựng trường học công lập tại các điểm thiếu trường học như Dự án xây dựng trường học tại ô đất TH1, khu đô thị Ðông Nam đường Trần Duy Hưng; tại 94 phố Lò Ðúc, 63 phố Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng);… Cuối năm 2016 và đầu năm 2017, UBND thành phố đã giải quyết bổ sung 184 địa điểm đầu tư xây dựng trường học trên địa bàn 12 quận nội thành với quỹ đất khoảng 112 ha, cơ bản đáp ứng đủ theo nhu cầu đến năm 2020.

Ðối với 15 khu đô thị còn tình trạng các công trình trường học, hạ tầng xã hội chưa xây dựng, thành phố sẽ xem xét cụ thể từng trường hợp, đưa ra chế tài xử lý đối với từng khu đô thị; trong đó có các giải pháp mạnh mẽ như yêu cầu các chủ đầu tư đến cuối năm 2017 phải triển khai xây dựng các công trình này. Nếu vẫn tiếp tục không thực hiện, sẽ thu hồi đất để đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, xem xét việc dừng không cho các nhà đầu tư này tiếp tục thực hiện các dự án khác trên địa bàn thành phố. Ðồng thời, công bố rộng rãi thông tin về việc chấp hành pháp luật và các quy định của Nhà nước trong thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.