Tập trung sản xuất vụ mùa

Sản xuất vụ xuân năm nay của các huyện, thị xã ở Hà Nội đều được mùa, bội thu. Phát huy kết quả này, thành phố đang tập trung sản xuất vụ mùa.

Nông dân Hà Nội làm đất, gieo cấy lúa.
Nông dân Hà Nội làm đất, gieo cấy lúa.

Nhờ thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ sản xuất, như hỗ trợ duy trì vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao hơn 435 ha; thực hiện dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ rau, quả…, sản xuất vụ xuân năm nay của huyện Chương Mỹ được mùa lớn. Năng suất lúa bình quân đạt 65,1 tạ/ha, năng suất cây màu cũng đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Tổng sản lượng lương thực vụ xuân đạt hơn 59.300 tấn. Ngành chăn nuôi cũng phát triển ổn định. Các dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, viêm da nổi cục được khống chế; công tác tái đàn lợn đạt kết quả tốt, với tổng đàn lợn 201.500 con.

Sau khi hoàn thành thu hoạch vụ xuân, huyện Chương Mỹ đang tập trung sản xuất vụ mùa, với tổng diện tích 8.600 ha, bao gồm 7.270 ha trồng lúa, 330 ha ngô, 17 ha đậu tương, 95 ha lạc, 90 ha khoai lang, gần 800 ha rau các loại và cây trồng khác. Cùng với việc làm đất, lựa chọn giống cây, con phù hợp, vụ mùa năm nay, huyện Chương Mỹ đặc biệt quan tâm dọn dẹp, vệ sinh ruộng đồng kết hợp tổ chức diệt chuột và ốc bươu vàng để bảo vệ mùa màng, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

Tại huyện Phú Xuyên, kế hoạch gieo cấy vụ mùa gần 7.000 ha lúa, gồm các nhóm giống lúa thuần chất lượng như BT 7 kháng bạc lá, HD T10, TBR 25, lúa nếp. Ðể đẩy nhanh tiến độ gieo trồng, kể cả trong những ngày nắng nóng gay gắt, huyện Phú Xuyên đã khẩn trương thu hoạch vụ xuân; đồng thời đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất và sử dụng mạ khay máy cấy cho khoảng 10% tổng diện tích. Nhờ đó, đến nay nhiều xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành gieo cấy, phấn đấu cơ bản hoàn thành gieo trồng trong tháng 6, bảo đảm khung thời vụ tốt nhất.

Với kế hoạch gieo cấy hơn 4.100 ha, huyện Thường Tín tiếp tục hỗ trợ 50% giá giống lúa. Ðối với các mô hình khảo nghiệm giống mới, huyện hỗ trợ 100% giá giống và tiền phân bón 130.000 đồng/sào. Mô hình khảo nghiệm giống lúa mới kết hợp với máy cấy được hỗ trợ 100% giá giống lúa và tiền máy cấy 150.000 đồng/sào. Theo lịch thời vụ, từ ngày 15-6, nông dân các xã trên địa bàn huyện bắt đầu gieo cấy và phấn đấu hoàn thành trong tháng 6.

Ðại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo, để hạn chế thiệt hại do nắng nóng, đối với diện tích mạ còn non, gieo cấy trà mùa chính vụ, nông dân cần giữ mạ trên ruộng thêm vài ngày, khi nhiệt độ giảm, tiếp tục cấy và phải giữ nước sâu ngập chân mạ để tạo lớp đệm bảo vệ bộ rễ; giữ nước ngập mặt ruộng đối với các ruộng lúa đã cấy và chuẩn bị cấy. Nông dân chú ý nhổ mạ đến đâu cấy hết đến đó.

Ðối với đàn vật nuôi, các cơ sở chăn nuôi cần tăng cường vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh tẩy uế chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; tiêm đầy đủ vắc-xin cho gia súc, gia cầm để tăng cường khả năng miễn dịch. Với trâu, bò, bò sữa cần tăng cường các loại thức ăn thô xanh, một số thức ăn ủ chua. Riêng đối với bò sữa là con vật chịu nóng kém, cho nên cần vừa bổ sung thức ăn thô xanh, các loại khoáng vừa kết hợp làm mát cho con vật. Trong những ngày nắng nóng cần chú ý giãn mật độ nuôi nhốt trong chuồng nuôi đối với gia súc, gia cầm để tạo sự thông thoáng và cân bằng dưỡng khí trong chuồng nuôi.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, vụ lúa xuân 2021, các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đều được mùa. Năng suất lúa trung bình đạt 61,2 tạ/ha, cao hơn 1,2 tạ/ha so với vụ xuân 2020. Ðây là tin vui trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, thu nhập của người dân. Phát huy kết quả này, trong vụ mùa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng, thủy văn để có phương án điều tiết nước phù hợp.

Chủ động phương tiện máy móc để bơm tiêu úng khi có mưa lớn, tránh gây ngập úng, hạn chế thiệt hại cho cây trồng. Tập trung hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, nhất là kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi trong những ngày nắng nóng gay gắt; phòng trừ sâu bệnh, chuột hại. Làm tốt công tác điều tra, dự báo các loại sâu, bệnh trên cây trồng để kịp thời tham mưu chính quyền địa phương, nông dân tổ chức phòng trừ dịch hại, bảo vệ sản xuất, phấn đấu vụ mùa bội thu.

Bài và ảnh: MINH VÂN