Tạo cơ chế thuận lợi để triển khai các dự án cấp nước

Có nước sạch để ăn uống, sinh hoạt là một trong những nhu cầu tối thiểu của người dân đô thị. Thế nhưng, ngay tại Hà Nội, đến nay mới chỉ có người dân khu vực nội thành được tiếp cận và sử dụng nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

Tại khu vực ngoại thành, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch mới đạt khoảng 52%. Trước thực trạng này, năm 2016, Thành ủy, HĐND thành phố Hà Nội đã có chủ trương, UBND thành phố đã phê duyệt Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện, mục tiêu là đến năm 2020 tỷ lệ hộ dân cả ở khu vực đô thị và nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 100%.

Sau hai năm thực hiện, thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án cấp nước, trong đó có 11 dự án phát triển nguồn và 23 dự án phát triển mạng cấp nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều dự án bị chậm tiến độ. Về các dự án phát triển nguồn nước, ngoài ba dự án gồm xây dựng trạm cấp nước Dương Nội, nâng công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì và Nhà máy nước mặt sông Đuống hoàn thành đúng hạn, còn dự án nhà máy nước sông Đà giai đoạn 2 và dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng triển khai chậm, không bảo đảm tiến độ đề ra. Đối với các dự án phát triển mạng cấp nước, có 12 dự án chậm tiến độ.

Nguyên nhân chung dẫn đến việc chậm trễ các dự án là do các chủ đầu tư thiếu quyết liệt, chưa tích cực triển khai thực hiện. Lý do này cũng làm cho các dự án phát triển mạng bị ảnh hưởng, chậm trễ theo. Nhiều chủ đầu tư dự án phát triển mạng cho biết, nguyên nhân chính là do chi phí đầu tư, suất đầu tư các dự án phát triển mạng ở khu vực ngoại thành rất lớn do địa hình rộng, dân cư thưa, nhưng tỷ lệ hộ dân đăng ký đấu nối sử dụng nước sạch còn thấp. Nhiều hộ dân hiện vẫn khai thác nước mưa, nước giếng, nước ao, hồ, sông… để sử dụng, dẫn đến khả năng thu hồi vốn thấp, chưa phát huy hiệu quả đầu tư của dự án. Chính vì vậy, các nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính vì khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi - vốn chỉ cấp cho các dự án chứng minh được là bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển nguồn nước và mạng lưới cấp nước, bên cạnh việc giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án, kiên quyết thay thế các nhà đầu tư hạn chế về năng lực, không đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành, các huyện tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân ở khu vực nông thôn đối với việc sử dụng nước sạch, xây dựng lộ trình đóng dần các giếng khai thác nước ngầm đối với địa bàn đã có nguồn nước sạch tập trung. Sở Tài chính phối hợp Quỹ Đầu tư phát triển thành phố cần xây dựng cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cấp nước, đồng thời xây dựng giá bán nước sinh hoạt bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, trong đó có cơ chế hỗ trợ về giá trong những năm đầu ở khu vực nông thôn. Có như vậy, mục tiêu đến năm 2020, toàn bộ hộ dân ở khu vực đô thị và nông thôn Hà Nội đều được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn mới thành hiện thực.