Tạo chuyển biến trên nhiều lĩnh vực

5 năm qua, Thành ủy Hà Nội luôn chú trọng thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) bằng tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết liệt. Những kết quả, hạn chế và kinh nghiệm có được thời gian qua sẽ giúp Ðảng bộ thành phố đạt được nhiều chuyển biến toàn diện hơn khi triển khai nghị quyết này trong thời gian tới.

Cán bộ bộ phận một cửa UBND phường Trung Hòa (Cầu Giấy) giải quyết công việc trên cơ sở phân cấp trách nhiệm rõ ràng, công khai, minh bạch. Ảnh: Ðăng Anh
Cán bộ bộ phận một cửa UBND phường Trung Hòa (Cầu Giấy) giải quyết công việc trên cơ sở phân cấp trách nhiệm rõ ràng, công khai, minh bạch. Ảnh: Ðăng Anh

Chọn trọng tâm, trọng điểm

Ðiểm nhấn ấn tượng và xuyên suốt là Hà Nội không chỉ thể hiện rõ sự chủ động, mà còn có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện tạo được những kết quả ấn tượng trên tất cả các mặt công tác xây dựng Ðảng gồm: Tuyên giáo, tổ chức cán bộ, kiểm tra, giám sát, dân vận, nội chính. Một trong những dấu ấn nổi bật là kết quả phát hiện và củng cố cơ sở đảng yếu kém và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Cụ thể, trước yêu cầu thực tiễn, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4/7/2017 "Về việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội". Việc tổ chức quyết liệt, bài bản trong tổ chức thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 16/12/2016 về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội" đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị, giữ ổn định tình hình, ngăn chặn phát sinh "điểm nóng". Từ khi Nghị quyết ban hành đến nay, toàn Ðảng bộ thành phố đã rà soát đưa vào danh sách và củng cố thành công toàn bộ 226 tổ chức cơ sở đảng, đạt 100%. Công tác rà soát, đánh giá, phát hiện những đơn vị yếu kém, có giải pháp kịp thời khắc phục đã trở thành nền nếp. Ðây là biện pháp đã góp phần quan trọng giúp Hà Nội nắm thế chủ động, bảo đảm tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân gắn với kiểm điểm hằng năm được thực hiện nghiêm túc từ Ban Thường vụ Thành ủy đến Ban Thường vụ các cấp ủy. Trong đó, nội dung kiểm điểm đi sâu vào những hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên các lĩnh vực; phân tích cụ thể nguyên nhân và trách nhiệm từng tập thể, cá nhân liên quan cùng các giải pháp khắc phục. Thành ủy đã gợi ý kiểm điểm đối với 58 tập thể và nhiều cá nhân, nhất là người đứng đầu, tập trung vào những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc, có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh. 5 năm qua, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 9.810 tổ chức đảng và 4.309 đảng viên, giám sát 4.786 tổ chức đảng và 3.900 đảng viên; qua đó thi hành kỷ luật 59 tổ chức đảng (khiển trách 43 tổ chức, cảnh cáo 16 tổ chức) và 4.143 đảng viên.

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác cán bộ

Về công tác cán bộ, Hà Nội đã tạo bước đột phá về công tác đánh giá với việc ban hành Quyết định số 3814-QÐ/TU ngày 16/5/2018 về "Ban hành khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội", đưa việc đánh giá cán bộ hằng tháng đi vào nền nếp. Hà Nội còn có đề án riêng về đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trọng tâm là đào tạo theo chức danh, theo vị trí việc làm. Trên cơ sở đó, tất cả các lĩnh vực công tác cán bộ đã đổi mới như quy hoạch có động, có mở, có vào, có ra; luân chuyển cán bộ ngang, dọc, trên xuống dưới, dưới lên trên để rèn luyện đội ngũ...

Hà Nội còn là đơn vị dẫn đầu trong thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; sắp xếp đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị. Thành phố đã giảm hàng nghìn đầu mối, hàng chục nghìn nhân sự từ cấp thành phố xuống cấp cơ sở; tiết giảm chi phí hằng năm cho ngân sách nhà nước lên tới hàng trăm tỷ đồng. Cơ cấu bộ máy tinh gọn, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, lao động giảm, nhưng chất lượng công việc, hiệu quả tiếp tục được nâng lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thành ủy Hà Nội đánh giá, vai trò lãnh đạo của một số cấp ủy, tính năng động, sáng tạo chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; còn lúng túng, bị động trong xử lý những vụ việc phức tạp phát sinh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí có trường hợp vi phạm đến mức phải truy tố. Việc chỉ ra các khuyết điểm, hạn chế để gợi ý kiểm điểm sâu đối với tập thể, cá nhân là đúng và trúng nhưng chưa được nhiều; có đơn vị còn trì trệ, yếu kém, song khi kiểm điểm lại không chỉ ra được những nội dung, địa chỉ cụ thể; sau kiểm điểm có nội dung cần khắc phục chậm chuyển biến.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, những kết quả 5 năm qua mới chỉ là bước đầu, do đó Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xác định rõ mục tiêu thời gian tới là tiếp tục tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra. Cùng với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, Thành ủy sẽ chú trọng đổi mới công tác tổ chức, cán bộ để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới, quyết tâm xây dựng Ðảng bộ thành phố thật sự trong sạch, vững mạnh.