Tăng kết nối, giảm ùn tắc cho nội đô

Hà Nội vừa thông qua Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm giảm ùn tắc cho khu vực nội đô, đồng thời tạo kết nối chặt chẽ, đồng bộ với hệ thống giao thông Vùng Thủ đô. Tuy nhiên, để cụ thể hóa được những mục tiêu này, đòi hỏi phải có những cơ chế, chính sách linh hoạt, nhất là trong việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa.

Theo quy hoạch, bến xe khách Mỹ Ðình sẽ được di dời và nhường đất cho các công trình giao thông đô thị.
Theo quy hoạch, bến xe khách Mỹ Ðình sẽ được di dời và nhường đất cho các công trình giao thông đô thị.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đồ án quy hoạch, các bến xe khách, xe tải liên tỉnh được bố trí trên các trục hướng tâm tại cửa ngõ giao với đường Vành đai 3, Vành đai 4.

Tăng quỹ đất cho giao thông đô thị

Vị trí các bến xe được lựa chọn theo các tiêu chí cơ bản sau: Phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông-vận tải Thủ đô và các quy hoạch phân khu đô thị. Các bến xe khách liên tỉnh xây dựng mới kết hợp với các điểm đầu, cuối của hệ thống xe buýt và gần nhà ga đường sắt đô thị, nhằm kết nối, vận chuyển hành khách vào khu vực nội đô và ngược lại. Vị trí các bến xe phân bổ đều theo các hướng để cân đối vùng phục vụ, hạn chế tập trung vào khu vực đô thị trung tâm, gây ùn tắc giao thông; có đủ diện tích để bố trí kết nối các loại hình phương tiện giao thông công cộng, cũng như dự phòng quỹ đất phát triển trong tương lai.

Cụ thể tại khu vực đô thị trung tâm, các bến xe hiện có (trong khu vực đường Vành đai 3) gồm: Gia Lâm, Mỹ Ðình, Giáp Bát, Nước Ngầm được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của bến xe trên cơ sở quy mô hiện có. Về lâu dài, các bến xe này sẽ được thay thế bằng các bến xe theo quy hoạch tại khu vực lân cận đường Vành đai 3 (bến Ðông Anh, bến Cổ Bi) và Vành đai 4 (bến Nội Bài, bến Phùng, bến phía Nam...).

Quỹ đất các bến xe khách hiện có sẽ được chuyển chức năng, ưu tiên phục vụ giao thông công cộng và giao thông đô thị (bãi đỗ xe công cộng, điểm trung chuyển xe buýt, trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ).

Về quy hoạch các bến xe khách trung hạn, bến Yên Sở (diện tích khoảng 3,2 ha) được xây dựng theo dự án đầu tư được duyệt. Thành phố không bố trí các bến Xuân Phương, Kim Chung do đã hết thời hạn thực hiện. Vị trí, quy mô các bến xe trung hạn quy hoạch sẽ tiếp tục được rà soát xem xét cụ thể trong quá trình lập Ðiều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải có liên quan.

Các bến xe được quy hoạch dài hạn gồm bến phía bắc tại khu vực giao giữa đường Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Hạ Long với đường Võ Văn Kiệt, huyện Sóc Sơn, diện tích khoảng từ 5-7 ha; bến phía nam tại hai khu vực: Khu vực Duyên Thái nằm giữa quốc lộ 1A cũ với đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, huyện Thường Tín và khu vực Ngọc Hồi nằm phía nam khu công nghiệp Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, tổng diện tích khoảng 11 ha.

Cụ thể các chính sách ưu đãi

Nội dung quy hoạch cũng bao gồm mạng lưới bến xe khách, bến xe tải, trung tâm tiếp vận, trạm dừng nghỉ tại các khu vực đô thị vệ tinh, thị trấn huyện lỵ, thị trấn sinh thái. Cụ thể, tại năm đô thị vệ tinh quy hoạch 11 bến xe khách, tổng diện tích khoảng 423 ha. Tại các thị trấn huyện lỵ, thị trấn sinh thái khác bố trí các bến xe khách quy mô nhỏ từ 1 đến 5 ha theo nhu cầu từng khu vực và sẽ được cụ thể hóa tại các đồ án quy hoạch đô thị được duyệt.

Thành phố xác định rõ, giai đoạn đến năm 2025: Xây dựng bốn bến xe khách gồm bến Cổ Bi, bến Ðông Anh, bến Yên Sở và bến Sơn Tây 1; bốn bến xe tải gồm bến Yên Viên, bến Cổ Bi, bến phía nam và bến Khuyến Lương. Giai đoạn 2025 đến 2030: Xây dựng bốn bến xe khách (bến phía nam, bến phía bắc, bến phía tây và bến xe khách Phùng); bốn bến xe tải (bến Hà Ðông, bến phía bắc, bến phía đông bắc và bến Phùng)…

Về các giải pháp, cơ chế chính sách thực hiện, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, thành phố sẽ tăng cường kêu gọi đầu tư, xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống bến, bãi đỗ xe; ưu tiên đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, cao tầng thông minh để tận dụng, khai thác tối đa quỹ đất hiện có; có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhà đầu tư trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, khai thác và vận hành các bãi đỗ xe theo quy hoạch.

HÐND thành phố Hà Nội đã ban hành nghị quyết giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, tăng tính hấp dẫn nhà đầu tư tham gia đầu tư lĩnh vực giao thông, bảo đảm tính khả thi cũng như hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Trong đó, phải kể đến một số khuyến khích, ưu đãi nổi bật như: Ưu đãi về vay vốn, tiếp cận nguồn vốn; ưu đãi về thuê đất, giao đất; lồng ghép một số chức năng dịch vụ tiện ích, thương mại khi đầu tư xây dựng nhưng bảo đảm không thay đổi chức năng quy hoạch cơ bản của ô đất, cũng như công suất đỗ xe.