Tâm lý "chờ xem" khi giá xăng, điện tăng

NDO -

Những thông tin về việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu như: xăng, điện, ga, sữa... cộng với những tác động của thời tiết, khiến thị trường hàng hóa, thực phẩm trên địa bàn Hà Nội có dấu hiệu biến động. Người dân chưa kịp mừng vì lương cơ bản tăng thì lại phải đối diện với nỗi lo lắng về tăng giá.

Mặc dù giá xăng tăng nhưng giá một số mặt hàng thực phẩm ở Hà Nội vẫn ổn định.
Mặc dù giá xăng tăng nhưng giá một số mặt hàng thực phẩm ở Hà Nội vẫn ổn định.

Nhìn lại tháng 7 vừa qua, người dân và cả doanh nghiệp không khỏi lo lắng với những đợt tăng giá dồn dập các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu. Riêng xăng tăng giá ba lần, mỗi lần thêm khoảng 400 đồng/lít. Từ ngày 1-8, giá điện tăng thêm 5%, giá ga tăng thêm 8.000 đồng/bình 12 kg. Ngoài ra, nhiều loại học phí, dịch vụ y tế, viện phí cũng chính thức điều chỉnh tăng so với trước. Nhiều gia đình đang nuôi con nhỏ còn lo lắng hơn vì sữa đang tăng giá. Trong khi với cán bộ, công nhân viên, lương cơ bản chỉ tăng thêm vài trăm nghìn đồng/tháng. Còn khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vẫn chưa thoát được tình trạng khó khăn do tình trạng nợ đọng, hàng tồn kho lớn, sức tiêu thụ giảm....

Có lẽ, vì sức mua hiện nay xuống quá thấp cho nên các mặt hàng, thực phẩm trên địa bàn Hà Nội chưa có tình trạng tăng giá mạnh và phổ biến trên diện rộng. Giá  rau xanh, thịt cá chỉ nhích lên một chút trong những ngày xảy ra mưa bão. Nhiều người bán hàng rau thì cho biết, do mấy ngày mưa kéo dài, cho nên rau bị dập nát nhiều, nguồn cung cấp giảm, nên giá rau xanh tăng. Nhưng đang trong vụ hè thu, rau sinh trưởng nhanh, cho nên sản lượng sẽ sớm dồi dào trở lại. Giá thịt lợn cũng tăng từ 5 đến 10 nghìn đồng/kg tùy loại. Chị Nguyễn Thị Hoa, bán thịt lợn tại chợ trên phố Phúc Xá cho biết: "Thịt lợn giữ mức giá ổn định trong thời gian khá dài, khách hàng đã quen với mức giá đó. Nếu bây giờ tăng cao suốt thì chẳng còn khách nữa". Sau khi thời tiết ổn định lại, giá thực phẩm tươi sống tại hầu hết các chợ quay lại với mức bình thường.

Tại các siêu thị, giá hàng hóa vẫn giữ ổn định. Giám đốc Quan hệ công chúng và Ðối ngoại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam Dương Thị Quỳnh Trang cho biết, cho đến nay siêu thị chưa nhận được yêu cầu tăng giá từ các nhà sản xuất. Lý do, siêu thị đã ký hợp đồng thu mua hàng hóa số lượng lớn với các doanh nghiệp trong khoảng thời gian dài. Ngoài ra, nhiều siêu thị như Hapro, Intimex, Fivimart... đang triển khai chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu theo chỉ đạo của TP Hà Nội. Vì vậy, các mặt hàng như gạo, rau xanh, thịt lợn, thực phẩm chế biến... vẫn giữ được mức giá ổn định.

Nhiều cửa hàng tạp hóa, đại lý đang tìm cách kiềm chế việc tăng giá bằng cách tích trữ nhiều hàng ở mức giá cũ hơn. Bà Ngọc, chủ cửa hàng tạp hóa số 38 phố Lò Ðúc (quận Hai Bà Trưng) cho biết, nhiều đơn vị cung cấp đã thông báo sẽ tăng giá nhẹ vào đợt hàng tiếp theo như nước mắm thêm khoảng 30 nghìn đồng/thùng, mì tôm tăng khoảng 7.000 đồng/thùng... cho nên cửa hàng đã nhập nhiều hàng với giá cũ để bán dần trong thời gian sắp tới. Phía Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định, việc tăng giá xăng dầu, điện, ga và học phí, viện phí chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng giá các hàng hóa, dịch vụ khác trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay do sức mua vẫn ở mức thấp, cho nên các siêu thị không muốn tăng giá trong thời gian này. Ðại diện các siêu thị cũng cho biết, trong trường hợp nhận được yêu cầu tăng giá của phía sản xuất, cung ứng, phía siêu thị sẽ xem xét kỹ lý do tăng, tỷ lệ tăng có hợp lý không và yêu cầu thời gian áp dụng trễ nhất có thể. Ngoài ra, cũng sẽ tìm cách để tăng cường các chương trình khuyến mại, thêm ưu đãi... để kích cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, nhiều người nhận định, thời gian tới việc tăng giá nhiều mặt hàng sẽ khó tránh khỏi. UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các Sở Tài chính, Sở Công thương và các doanh nghiệp tham gia đẩy mạnh thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, triển khai các biện pháp cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường. Từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ còn nhiều biến động, đòi hỏi sự theo dõi sát sao và các chính sách điều tiết hợp lý của nhà nước để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và bảo đảm đời sống hằng ngày của người dân.

NGUYÊN TRANG