Siết chặt công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ

Chợ là nơi tập trung đông người tới kinh doanh, buôn bán, mọi người thường tiếp xúc gần, trao đổi tiền mặt, cho nên nguy cơ lây nhiễm Covid-19 luôn rất cao.

Gần đây nhất, TP Hà Nội đã ghi nhận chùm ca bệnh liên quan đến những người bán hàng tại một khu chợ tại thị trấn Ðông Anh. Do đó, các địa phương, đơn vị cần siết chặt công tác kiểm soát, phòng, chống dịch tại các chợ.

Chiều 9-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, cho đến nay, liên quan đến bệnh nhân Covid-19 là một phụ nữ bán rau tại chợ Cửa hàng mới (thị trấn Ðông Anh) đã có thêm năm ca dương tính. Ngoài hai trường hợp là người nhà bệnh nhân thì ba trường hợp đều có tiền sử đến mua bán rau tại đây. CDC Hà Nội đã tiếp tục thông báo tìm người đã đến làm việc, mua bán, liên quan đến khu vực chợ Cửa hàng mới từ ngày 16-5 đến 8-6. Ðáng lưu ý, để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, chợ Cửa hàng mới đã tạm ngừng hoạt động từ 12 giờ trưa ngày 28-5 cho đến khi có thông báo mới, nhưng đến nay vẫn có những người bán hàng trên hè đường quanh chợ.

Chùm ca bệnh tại chợ Cửa hàng mới ở Ðông Anh cho thấy, hoạt động mua bán, kinh doanh tại các chợ gây nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao. Tuy nhiên, mua bán thực phẩm là nhu cầu thiết yếu của người dân. Do đó, các chợ cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 để có thể hoạt động an toàn. Chính quyền địa phương cũng cần quyết liệt giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm, việc bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường…

Qua khảo sát, nhìn chung các chợ trên địa bàn đều hoạt động nghiêm túc dưới sự giám sát của lực lượng chức năng. Hầu hết người dân khi ra vào chợ đều đeo khẩu trang đầy đủ. Chợ Long Biên (quận Ba Ðình) mỗi ngày có hàng nghìn lượt người đến mua bán tại đây. Ði quanh chợ, dễ dàng bắt gặp nhiều bảng, biển, khẩu hiệu thông tin phòng, chống dịch, Thông điệp 5K của Bộ Y tế. Hệ thống loa phát thanh của chợ thường xuyên tuyên truyền thông tin và khuyến cáo người dân cách phòng, chống dịch bệnh. Ban Quản lý chợ lắp đặt 20 điểm rửa tay, bố trí 100 chai nước sát khuẩn, 300 chai nước rửa tay khô… để người dân sử dụng. Ðồng thời, lắp đặt hệ thống phun thuốc sát trùng kết hợp với muối i-ôn khử trùng tự động tại khu vực cổng chợ; phun thuốc phòng dịch và rắc vôi bột khử khuẩn toàn bộ khu vực chợ hai ngày/lần…

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Ðình, Cồ Như Dũng cho biết, đến cuối tháng 5-2021, tất cả các hộ kinh doanh tại chợ Long Biên đã được xét nghiệm Covid-19 và kết quả đều âm tính. Ban Quản lý chợ cũng khuyến cáo mỗi quầy kinh doanh chỉ nên có một, hai người bán, hạn chế thuê người lao động đến từ vùng dịch đến làm việc. Các hộ kinh doanh dịch vụ không thiết yếu hạn chế mở cửa bán hàng trong thời điểm này…

Nếu như bên trong các chợ, việc đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn được cơ bản kiểm soát, thì với hoạt động mua bán tại vỉa hè, hàng rong, tại các chợ cóc, chợ tạm… lại khá lỏng lẻo. Dù thành phố đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã ra quân dẹp chợ cóc, chợ tạm, nhưng vẫn có tình trạng tụ tập buôn bán trên vỉa hè, lòng đường… Mỗi sáng sớm, vỉa hè hai bên đường Thạch Bàn (khu vực quanh chợ Thạch Bàn, quận Long Biên) thường tập trung đông người bán thực phẩm trên vỉa hè, người dân xúm xít lại mua bán. Phải đến 7-8 giờ sáng, lực lượng chức năng nhắc nhở mới giải tỏa được việc mua bán trên vỉa hè. Tại nhiều khu vực khác như chợ cóc ở phố Yên Bái 2 (quận Hai Bà Trưng), chợ cóc ở khu tập thể Thành Công (quận Ba Ðình), khu vực quanh chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy)…, những lúc vắng mặt lực lượng chức năng, nhiều cửa hàng cũng bày bán hàng lấn chiếm vỉa hè, nhiều xe, gánh hàng rong tụ tập kinh doanh.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Trần Thị Phương Lan cho biết, ngày 14-5, Sở đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện những biện pháp phòng, chống Covid-19 tại chợ truyền thống, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. Trong đó, yêu cầu các đơn vị tăng cường thông tin tuyên truyền đến các chợ trên địa bàn và người dân nghiêm túc thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế. Các chợ phải bố trí bộ phận đón tiếp, đo thân nhiệt và hướng dẫn khách hàng ra vào chợ, thực hiện rửa tay, sát khuẩn tay theo quy trình; thực hiện vệ sinh, khử khuẩn định kỳ tại chợ; tăng cường bảo vệ, có nhân viên kiểm soát các cửa ra vào chợ. "Các chợ kiên quyết không cho người không đeo khẩu trang vào chợ hoặc báo cho chính quyền, lực lượng chức năng địa phương xử lý theo quy định. Thường xuyên đôn đốc các tiểu thương bán hàng tại chợ phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian hoạt động. Các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Công thương và thành phố về công tác bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ do đơn vị quản lý" - đồng chí Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.