Sáng tạo trong bảo vệ cảnh quan, môi trường

Là huyện còn nhiều người dân gắn với nghề nông, nhưng cảnh quan môi trường của Gia Lâm ngày một sạch, đẹp. Đó là nhờ những sáng tạo trong cải tạo cảnh quan, môi trường, kết hợp giữa vốn đầu tư của chính quyền với vận động sức dân, giúp Gia Lâm từng bước tiến tới xây dựng thành quận trong tương lai gần.

Tuyến đường kiểu mẫu của thôn Phú Thụy, xã Phú Thị.
Tuyến đường kiểu mẫu của thôn Phú Thụy, xã Phú Thị.

Thời gian gần đây, người dân thôn Phú Thụy (xã Phú Thị) ai cũng muốn giới thiệu về cảnh quan, môi trường quê hương mình. Ngoài những tuyến đường chính đã được trải nhựa sạch sẽ, thoáng đãng, hai bên đường chỗ nào cũng được làm đẹp bằng những bức tranh tường và trang trí các loại hoa.

Trong đó, riêng tuyến đường kiểu mẫu dài hơn 200 m, diện tích gần 300 m2 với 29 bức tranh bích họa với nhiều chủ đề khác nhau được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Các đoàn thể cùng người dân đặt hàng chục chậu hoa, gắn giá treo cờ đồng bộ suốt tuyến. Những ngày lễ, Tết, tuyến đường trông rất rực rỡ. Tuyến đường kiểu mẫu này là thành quả của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Thị chủ trì thực hiện.

Không chỉ xã Phú Thị mà tại nhiều địa bàn khác, cảnh quan, môi trường cũng đã được cải thiện. Xã Dương Xá xây dựng “Tuyến đường kiểu mẫu” có chiều dài khoảng 800 m, gồm hơn 100 bức tranh phong cảnh và 50 chậu hoa giấy trên địa bàn thôn Thuận Tiến. Tổng kinh phí lên tới hơn 200 triệu đồng, trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hỗ trợ 25 triệu đồng, còn lại là sự đóng góp của nhân dân.

Xã Phù Đổng có nghề nuôi bò sữa nhiều năm nay. Các hộ gia đình đều có hầm bioga để biến chất thải của bò thành chất đốt. Tuy nhiên, do lượng bò nuôi lớn, cho nên có lúc không tránh khỏi phân bò bị thải ra đường, hay xuống mương, ao. Trước thực tế ấy, cấp ủy, chính quyền xã đã vào cuộc vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, vận động các hộ gia đình chuyển việc nuôi bò ra khỏi khu dân cư.

Song song với xóa bỏ chất thải, các đoàn thể nhân dân như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... cùng vào cuộc tích cực cải tạo cảnh quan. Phù Đổng có tuyến đê sông Đuống chạy qua địa bàn. Với sự vào cuộc tích cực của các đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ, toàn tuyến đê vốn đầy cát, sỏi, cỏ dại được cải tạo thành tuyến đê hoa đẹp mắt. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phù Đổng 1 Nguyễn Hồng Chương cho biết, trên địa bàn thôn, người dân đã đóng góp tổng cộng 140 triệu đồng cùng hàng trăm ngày công. Thôn Phù Đổng 1 có nhiều ao, hồ.

Từ cuối năm 2019 đến nay, thôn được đầu tư dự án kè ba ao làng. Các ao đều được kè đá, có đường dạo, đường nước thải tách riêng. Có ao làng, người dân phấn khởi, tự nguyện đóng góp thêm ghế đá, tự nguyện trang trí, gìn giữ. Nhờ thế, vùng quê ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Huyện Gia Lâm triển khai Đề án “Đầu tư, quản lý vườn hoa, sân chơi, ao hồ trên địa bàn giai đoạn 2017-2020”. Huyện đã rà soát, thống kê thực trạng ao làng trên toàn địa bàn để có các biện pháp xử lý. Trong đó, vốn đầu tư của huyện trong kè ao, xây dựng hạ tầng là nguồn vốn chủ lực. Tương tự như tại thôn Phù Đổng 1, sau khi hoàn thành công tác xây dựng, công trình được bàn giao lại cho chính quyền, đoàn thể, nhân dân địa phương.

Nhân dân các địa phương tiếp tục trang trí, chăm sóc ao làng để trở thành một “tiểu công viên” trong làng mình. Nhiều nơi, còn lắp đặt thêm điện chiếu sáng, thiết bị tập thể dục... Biến ao làng thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao lành mạnh. Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân nhấn mạnh: Việc kè ao làm cảnh quan môi trường thôn quê khang trang hơn, đồng thời, ngăn chặn việc lấn chiếm ao hồ, khôi phục nét đẹp văn hóa các làng quê.

Năm 2021, việc cải tạo cảnh quan môi trường tiếp tục được đẩy mạnh khi huyện Gia Lâm triển khai cuộc thi “Khu dân cư xanh-sạch-văn minh”, với các tiêu chí về vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân. Việc cải tạo cảnh quan, môi trường còn góp phần nâng cao ý thức người dân, để Gia Lâm từng bước tiến tới xây dựng thành quận trong tương lai.

VIỆT HƯNG