Phụ nữ Thủ đô sáng tạo, hội nhập và kết nối thành công

Trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội phát động đã khích lệ, động viên cán bộ, hội viên không ngừng học tập nâng cao trình độ, nâng cao năng suất lao động, giữ gìn tổ ấm gia đình. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương người tốt, việc tốt là động lực cho chị em học tập, vươn lên.

Các đại biểu giao lưu tại chương trình.
Các đại biểu giao lưu tại chương trình.

Các tấm gương phụ nữ tiêu biểu tại Chương trình giao lưu do Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức vào ngày 27/11 với chủ đề "Phụ nữ Thủ đô sáng tạo, hội nhập và kết nối thành công” đã minh chứng cho khả năng, sức sáng tạo của giới nữ, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại và giàu đẹp.

Người giữ lửa nghề

Với PGS,TS Nguyễn Thị Bích Thủy, nguyên Giám đốc Viện chuyên ngành Vật liệu xây dựng và bảo vệ công trình (Bộ Giao thông vận tải), Tổng Thư ký Hội Nữ Trí thức Hà Nội, nghiên cứu khoa học là một dòng chảy không ngừng nghỉ. 40 năm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giao thông vận tải nói chung và trong lĩnh vực bảo vệ công trình nói riêng, bà cùng các đồng nghiệp luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết để có thể tìm ra đóng góp cho ngành những sản phẩm, vật liệu tốt nhất. Công nghệ chống trượt ceramic ở Mai Châu, Quảng Ninh do bà và các đồng nghiệp nghiên cứu đã giúp giảm tai nạn giao thông trên các tuyến đường. PGS, TS Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ: Chúng tôi phải nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và tại hiện trường. Dù khó khăn chúng tôi vẫn đam mê cống hiến những sản phẩm của Việt Nam có chất lượng tương đương với các sản phẩm quốc tế. Hiện tại, đang là giai đoạn số hóa, để có những sản phẩm tốt, chúng tôi phải trau dồi kiến thức, tăng cường hợp tác để rút ngắn thời gian nghiên cứu, tiếp thu công nghệ nước ngoài nhằm đưa ra những sản phẩm mới, hiện đại, hướng tới công nghệ xanh. 

Qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh do bà Hà Thị Vinh làm Tổng Giám đốc đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động, các sản phẩm của công ty đã được người tiêu dùng Thủ đô và các nước đón nhận. Nỗ lực phấn đấu không ngừng cùng sự trợ giúp của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội từ những ngày đầu thành lập, đến nay, Công ty Quang Vinh đã có hai cơ sở sản xuất, 95% sản phẩm của Quang Vinh đã  được xuất khẩu tới hơn 30 nước trên thế giới. Bà Vinh cho biết: “Tôi cùng cộng đồng 19 dòng họ làng Bát Tràng góp sức xây dựng Bảo tàng gốm, Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt để giao lưu với các làng nghề truyền thống khác của Hà Nội nhằm tri ân công đức của tổ nghề, tôn vinh sản phẩm làng nghề truyền thống của Thủ đô và đất nước, góp phần đưa Bát Tràng thành điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô. 

Điểm tựa của phụ nữ

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông đã có nhiều hoạt động vì phụ nữ, trẻ em và cộng đồng, thu hút sự tham gia của đông đảo chị em. Chị Lại Hà Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông cho biết, từ mô hình "Phế liệu giữ mầu xanh" của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận, đến nay đã phát triển thành các mô hình "Thùng rác thân thiện" gắn với việc thu gom phế liệu để bảo vệ môi trường, tuyên truyền cho con em hội viên cùng tham gia, góp phần vào hoạt động nhân đạo từ thiện, hoạt động xã hội. Trung bình mỗi tuần, mỗi chi hội thu đổi phế liệu được từ 300.000 đồng đến hai triệu đồng. Từ đó, các bà, các chị có thêm kinh phí cho hoạt động xã hội, hỗ trợ hoạt động của chi hội tại khu dân cư. Trong ba năm qua đã thu đổi được hơn ba tỷ đồng.

Là một phụ nữ đầy nghị lực vươn lên trong cuộc sống, chị Đinh Thị Quỳnh Nga, Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khuyết tật huyện Sóc Sơn được nhiều người khâm phục không chỉ bởi thành công trong công việc, mà còn luôn quan tâm, chăm lo đến những người cùng cảnh ngộ. Chị Nga tâm sự: Là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khuyết tật của huyện, tôi thấu hiểu mong muốn, tâm tư của chị em phụ nữ khuyết tật và các trẻ em gái. Từ đó, chúng tôi càng nỗ lực triển khai các hoạt động để không ai bị bỏ lại phía sau. Tôi mong trong nhiệm kỳ tới, các cấp hội sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho phụ nữ yếu thế được tham gia các hoạt động xã hội, được tiếp cận vốn vay ưu đãi để kinh doanh, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật. 

Bác sĩ Vũ Thị Thu Hiền, bác sĩ gây mê hồi sức, Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) đã có chín sáng kiến kinh nghiệm trong việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. Bên cạnh công việc chuyên môn, chị cùng đồng nghiệp triển khai nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa như tuyên truyền kiến thức chăm sóc sinh sản, giới tính cho học sinh, sinh viên, chăm sóc sức khỏe sinh sản của nữ công nhân, xây dựng nhà tình nghĩa cho phụ nữ nghèo. Trong bối cảnh dịch Covid-19, bác sĩ Hiền cùng tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội luôn nỗ lực để vừa bảo đảm chuyên môn, vừa bảo đảm an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Đó là những bông hoa đẹp trong vườn hoa nghìn việc tốt của phụ nữ Thủ đô.