Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Với mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 70%, thành phố Hà Nội đang tập trung hỗ trợ các địa phương chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, vật nuôi áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ.

Sản xuất nấm tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao. Ảnh: Bá Hoạt
Sản xuất nấm tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao. Ảnh: Bá Hoạt

Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ được thành lập năm 2016, với 16 thành viên. Chỉ sau thời gian ngắn thành lập, từ vụ đông năm 2017, hợp tác xã đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn của Nhật Bản. Ðặc biệt, hợp tác xã áp dụng công nghệ viễn thám, hệ thống quan trắc thời tiết vào sản xuất rau an toàn. Thông qua Trạm thời tiết thông minh iMentos 3.3 A-G với hệ thống quan trắc và ca-mê-ra truyền hình ảnh về khu nhà điều hành, giúp người phụ trách dễ dàng cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem, nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất. Với bán kính phủ sóng 15 km, trạm quan trắc dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa, độ ẩm của đất..., giúp người quản lý nắm bắt được tình hình sâu bệnh, cũng như quá trình sinh trưởng của cây trồng để có kế hoạch sản xuất sao cho hiệu quả. Toàn bộ sản phẩm rau, củ, quả của hợp tác xã có chất lượng tốt, an toàn và đều được sơ chế, đóng gói, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Sản lượng tiêu thụ theo chuỗi đạt 830 tấn/năm. Trong năm 2020 và chín tháng đầu năm 2021, tuy ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng hợp tác xã vẫn ổn định về mặt sản xuất và tiêu thụ. Tổng doanh thu năm 2020 của hợp tác xã hơn 12 tỷ đồng và chín tháng đầu năm 2021 đạt gần 10 tỷ đồng. Nhờ sản xuất hiệu quả, đến nay hợp tác xã đã có 12,8 ha được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và 5 ha được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP.

Tại Công ty cổ phần KMS Ðầu tư sản xuất và Thương mại (Công ty KMS), xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, đơn vị đầu tư gần 30 tỷ đồng để mua sắm trang, thiết bị, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu. Trung bình mỗi ngày, công ty cung cấp từ 800 đến 1.000 kg nấm các loại cho siêu thị, nhà hàng, chuỗi thực phẩm sạch trên cả nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ là nơi lai tạo các giống nấm mới, công ty còn áp dụng công nghệ nuôi trồng, chăm sóc nấm, nhân giống theo công nghệ kỹ thuật của Hàn Quốc, giúp nông dân tận dụng các phế phẩm trong nông nghiệp như rơm rạ, cám gạo, cám ngô, lõi ngô, cây ngô, thân cây sắn... để sản xuất nấm, mang lại giá trị kinh tế cao, bền vững.

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao trên địa bàn xã Ðốc Tín, huyện Mỹ Ðức, chuyên sản xuất, kinh doanh nấm, nhờ áp dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất nấm được tuân thủ nghiêm ngặt mười bước, từ khâu làm giá thể, cấy giống, ươm giống đến đóng gói, thu hoạch, bảo đảm sản phẩm chất lượng, an toàn. Từ năm 2019 đến nay, công suất của nhà máy đã đạt 1,5 tấn nấm/ngày. Sản phẩm đều được bán trong các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại thị trường phía bắc và địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay thành phố có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó 109 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 40 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình trong lĩnh vực thủy sản. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp thực tế và từng bước khẳng định được vị thế trên thị trường. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã bổ sung gần 49 tỷ đồng hỗ trợ các huyện: Ba Vì, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thanh Oai, Mê Linh, Thanh Trì và Quốc Oai thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, thủy sản áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2021. UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 227/KH-UBND, thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội về "Ðẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025", với nguồn vốn đầu tư khoảng 92.680 tỷ đồng. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Hà Nội phấn đấu tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 70% vào năm 2025.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, thành phố đang trong quá trình công nghiệp hóa, phát triển đô thị, diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm dần. Vì thế, thành phố sẽ tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ðặc biệt, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến và ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.