Phát triển chăn nuôi nâng cao thu nhập cho người dân

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp thông minh. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong chăn nuôi, tạo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới, bước đầu đã cho kết quả đáng ghi nhận.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng hàng hóa tại xã Cấn Hữu (Quốc Oai) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: ÐĂNG ANH
Ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng hàng hóa tại xã Cấn Hữu (Quốc Oai) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: ÐĂNG ANH

Xác định chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, tăng tổng đàn là hướng đi đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân, những năm qua, ngành nông nghiệp thành phố đã tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa trong chăn nuôi. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố đã xây dựng được 39 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thủy sản và một mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Ðây là những mô hình khép kín từ sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm đã và đang cho nguồn lợi kinh tế cao.

Tại huyện Ðông Anh, nhờ chính sách linh hoạt trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, kéo dài thời gian cho thuê đất theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, nhiều mô hình chăn nuôi gia cầm lớn với quy mô từ 15 nghìn đến 25 nghìn gà siêu trứng, từ 18 đến 30 lò ấp có công suất 20 nghìn trứng/mẻ, cung cấp cho thị trường hàng triệu gà giống và hơn 10 nghìn gà thương phẩm đã được mở ra trong nhiều xã, mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho người nông dân.

Việc ứng dụng khoa học-công nghệ cũng được đẩy mạnh tại huyện Ứng Hòa. Hiện tại, địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi thả cá chất lượng cao với hệ thống tạo dòng chảy sục khí trong sông, ao để nuôi cá mật độ cao, năng suất đạt hơn 80 tấn/ha, đạt giá trị hơn 3,5 tỷ đồng/ha và lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/ha.

Nhiều hộ nông dân tại xã Ðại Yên (huyện Chương Mỹ) đã mạnh dạn chuyển hướng sang nuôi đà điểu. Ðơn cử như trang trại nuôi đà điểu kết hợp nuôi gà thịt, chim bồ câu của anh Ðặng Ðình Tiến ở xã Ðại Yên cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ðể phát triển trang trại, anh Tiến đã mạnh dạn đấu thầu hơn một mẫu ruộng của người dân trong thôn, xã. Ðồng thời, tự chế tạo máy băm cỏ, hệ thống dẫn nước sạch, sân cát dày để bảo vệ đà điểu khỏi những tác nhân gây bệnh, cho chất lượng thịt ngon. Nhờ đó, đà điểu thương phẩm của cơ sở anh Tiến luôn được người tiêu dùng lựa chọn.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, Tạ Văn Tường, thành phố đã và đang đẩy mạnh triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ và thiết bị thông minh ở hầu hết các quận, huyện còn sản xuất nông nghiệp, nhất là các trang trại, gia trại. Trong chăn nuôi đã áp dụng hình thức nuôi trong chuồng kín, có hệ thống làm mát giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm, chuồng nuôi, dây chuyền cho ăn tự động, uống nước tự động. Trong nuôi trồng thủy sản đã ứng dụng công nghệ sông trong ao, sử dụng chế phẩm sinh học và máy tạo oxy tự động, công nghệ biofloc… Ðây đều là những công nghệ tiên tiến không chỉ giúp tăng năng suất, mà còn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, theo Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội, thực phẩm do các hộ dân thành phố sản xuất mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, khoảng 40% còn lại phải nhập khẩu hoặc thu mua các tỉnh, thành phố lân cận. Ðể khắc phục tình trạng mất cân đối về nguồn cung, trong khi tiềm năng của Hà Nội vẫn còn rất lớn, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về Ðẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025. Với hướng đi chính là phát triển nông nghiệp theo hướng thông minh. Trong đó, xác định đến năm 2025, Hà Nội có tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt 70%. Những mục tiêu nêu trên sẽ trở thành hiện thực nếu như Hà Nội tiếp tục ban hành những chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính khả thi cao nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp thông minh, từ đó chủ động đầu tư công nghệ phù hợp đô thị nhằm tạo những mô hình nông nghiệp thông minh, sản phẩm nông sản độc đáo, an toàn và có khả năng cạnh tranh cao ■ 

HÀ SƠN