Phát huy giá trị của hương ước, quy ước

Cùng với hệ thống luật pháp, nhiều mối quan hệ xã hội được điều chỉnh bằng những thỏa thuận của cộng đồng, đó chính là hương ước, quy ước. Hương ước, quy ước vốn ra đời cùng quá trình phát triển của lịch sử.

Thực hiện hương ước, quy ước, người dân xã Ðông Dư, huyện Gia Lâm quan tâm bảo vệ cảnh quan, môi trường.
Thực hiện hương ước, quy ước, người dân xã Ðông Dư, huyện Gia Lâm quan tâm bảo vệ cảnh quan, môi trường.

Nhiều địa phương hàng trăm năm nay đã có những hương ước với nhiều quy định tiến bộ. Thành phố Hà Nội đang nỗ lực phổ cập hơn nữa hương ước, quy ước trên cơ sở kế thừa những ưu điểm của hương ước, quy ước xưa để gìn giữ bản sắc văn hóa, đẩy lùi hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa.

Những vùng quê có lịch sử lâu đời thường là nơi lưu giữ nhiều phong tục, tập quán từ xa xưa để lại. Tuy nhiên, cuộc sống luôn vận động, đổi thay, không phải những gì thuộc về quá khứ đều nên coi là truyền thống. Xây dựng đời sống văn hóa chính là quá trình gạn đục, khơi trong, phát huy những gì tốt đẹp và loại bỏ những gì không phù hợp với xã hội. Xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) là một thí dụ. Ðồng bào dân tộc thiểu số tại Vân Hòa có nhiều phong tục, tập quán đặc sắc. Tuy nhiên, đi kèm với đó là nhiều tập tục còn nặng nề. Thí dụ, như đám cưới, đám tang thường tổ chức khá rườm rà. Người dân tổ chức ăn uống kéo dài trong nhiều ngày. Nếu tổ chức ăn uống "gọn nhẹ" thì dễ bị hàng xóm, láng giềng dị nghị. Việc chuẩn bị lễ lạt là gánh nặng với nhà trai, khi phải chuẩn bị mất nhiều thời gian, tốn kém. Nhiều gia đình kinh tế không khá giả, rất vất vả trong chuẩn bị để không bị mang tiếng với làng xóm. Triển khai các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, chính quyền xã Vân Hòa quyết tâm phải thay đổi nhiều hủ tục. Chính quyền xã, thôn đã họp bàn với nhân dân xây dựng hương ước, quy ước, trong đó nêu rõ việc các đám cưới không tổ chức ăn uống kéo dài, số lượng khách mời không quá 50 mâm. Lễ dạm ngõ, lễ hỏi, lễ xin dâu được kết hợp cùng với ngày cưới. Các gia đình không tổ chức mở nhạc sau 22 giờ và trước 5 giờ. Bên cạnh việc loại bỏ những yếu tố lạc hậu, hương ước, quy ước chú trọng bảo tồn những nét văn hóa truyền thống bằng cách khuyến khích các cặp cô dâu-chú rể mời đội cồng chiêng biểu diễn. Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa, Nguyễn Thị Ngọc cho biết: "Hương ước, quy ước đã góp phần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Các đám cưới không còn cỗ bàn, tiệc rượu tràn lan. Bên cạnh đó, đám cưới là dịp mọi người chú trọng hơn đến bảo tồn văn hóa dân tộc".

Xã Vân Hòa là một trong những thí dụ điển hình về hiệu quả của việc thực hiện hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa. Ở khu vực nội thành, quận Thanh Xuân cũng là địa bàn quan tâm triển khai xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Các tổ dân phố đều thành lập Ban soạn thảo, với đại diện của chính quyền, đoàn thể, nhân dân để xây dựng những quy ước phù hợp với chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư; bảo đảm tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư; dựa trên nhu cầu tự quản của cộng đồng dân cư; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với cộng đồng dân cư; gìn giữ môi trường sạch đẹp… Trong đó, nội dung của hương ước, quy ước cũng đề ra biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; phù hợp với yêu cầu tự quản của cộng đồng dân cư... Kết quả là đời sống văn hóa, tinh thần tự giác của người dân có nhiều chuyển biến tích cực.

Tính đến tháng 7/2021, đã có 4.726 trong số 5.404 thôn, tổ dân phố đã xây dựng hương ước, quy ước (đạt tỷ lệ 87,5%), trong đó có 1.232 hương ước, quy ước đã được sửa đổi, bổ sung. Nhiều bản hương ước, quy ước đã thể hiện được tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân cư; khôi phục, phát huy được những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của thôn, làng, dòng họ; bài trừ nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, góp phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ trong cộng đồng dân cư. Mặc dù vậy, hiệu quả của triển khai hương ước, quy ước còn chưa đồng đều. Nhiều bản hương ước, quy ước còn mang nặng tính hình thức, sau khi ban hành chưa được giám sát thực hiện một cách sát sao. Tình trạng nể nang, không nhắc nhở khi có vi phạm vẫn còn khá phổ biến. Tại Hội nghị trực tuyến "Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn TP Hà Nội", Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Lê Hồng Sơn đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước phù hợp đặc điểm, tình hình từng địa phương, cụm dân cư. Rà soát để sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước phù hợp định hướng chung; đồng thời thể hiện được những nét riêng biệt, đặc thù của từng cộng đồng dân cư. Ngành văn hóa cùng các địa phương cần tăng cường, tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác thực hiện hương ước, quy ước; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các quy định; gắn việc kiểm tra công tác thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước.