Nông nghiệp Thủ đô nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng

Với mục tiêu tăng trưởng hơn 4,1% trong năm nay, ngành nông nghiệp Thủ đô đang tập trung phát triển sản xuất, thực hiện thắng lợi sản xuất vụ đông, đồng thời chủ động chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán.

Mô hình trồng cây cảnh tại huyện Mê Linh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân. Ảnh: NGỌC MAI
Mô hình trồng cây cảnh tại huyện Mê Linh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân. Ảnh: NGỌC MAI

Vụ mùa năm nay, năng suất lúa của huyện Thường Tín (Hà Nội) đạt khoảng 60 tạ/ha. Nông dân vui mừng vì lúa được mùa, được giá. Ngay khi hoàn thành thu hoạch vụ mùa, huyện Thường Tín tập trung sản xuất vụ đông theo hướng tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích sản xuất và coi đây là vụ sản xuất chính, với các cây trồng chủ lực gồm khoai tây, bí xanh, bí đỏ, dưa chuột trên đất trồng hai vụ lúa. Vụ đông năm nay, Thường Tín phấn đấu trồng từ 2.100 ha trở lên, trong đó diện tích trồng ngô là 100 ha, đỗ tương 100 ha, khoai tây 130 ha, khoai lang 30 ha, rau màu các loại 1.585 ha, hoa, cây cảnh 155 ha; đồng thời tuyên truyền, vận động nông dân không có nhu cầu sản xuất thì cho tập thể, cá nhân mượn ruộng, thuê ruộng để sản xuất, không để đất hoang lãng phí. Các cơ sở thực hiện quy hoạch vùng, điểm trồng cây vụ đông theo từng giống cây, bảo đảm gieo trồng gọn vùng, gọn cánh đồng để thuận lợi trong việc quản lý, chăm sóc và điều hành nước tưới tiêu. Để triển khai vụ đông đạt kế hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, huyện Thường Tín hỗ trợ giá giống, cây trồng và các mô hình sản xuất, trong đó hỗ trợ 100% giá giống cho toàn bộ diện tích trồng bí xanh, bí đỏ, dưa chuột trên đất trồng hai vụ lúa; hỗ trợ 100% giá giống ngô có diện tích từ một ha trở lên được trồng gọn vùng, gọn cánh đồng và hỗ trợ 50% giá giống cho mô hình trồng khoai tây theo chương trình chuỗi liên kết sản xuất. Theo đại diện Phòng Kinh tế huyện Thường Tín, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ngành, vụ đông năm 2020 - 2021 hy vọng sẽ thắng lợi, nâng cao thu nhập cho nông dân và phát triển ngành sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Tại huyện Mê Linh, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chín tháng qua là gần 1.810 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt đạt gần 1.330 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao như hoa, rau xanh, với tổng diện tích gần 20 ha; triển khai xây dựng 40 sản phẩm OCOP. Lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện có bước phát triển nhanh chóng, tăng gần 27% so với cùng kỳ, trong đó đàn lợn đạt gần 34 nghìn con, đàn gia cầm gần 1,6 triệu con. Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong những tháng cuối năm, Mê Linh tiếp tục triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đẩy mạnh tái đàn lợn, phấn đấu cuối năm đạt 35 nghìn con. Bên cạnh đó, huyện tập trung gieo trồng hơn 3.320 ha cây vụ đông, với các loại cây có năng suất, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao và đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng hơn 10%. 

Tương tự, các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng, Chương Mỹ, Thanh Oai… cũng đã sớm xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông với nhiều loại cây trồng chất lượng cao như rau, hoa, cây cảnh; phục hồi và phát triển đàn vật nuôi, nhất là đàn gia cầm, lợn… góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trong những tháng cuối năm. 

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chín tháng qua, ngành nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng hơn 3% so với cùng kỳ năm trước, dù quý I tăng trưởng âm. Có được thành quả này là nhờ ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng các phương án sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế, kể cả trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi và đại dịch Covid-19. Trong lĩnh vực trồng trọt, nhờ chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay thành phố đã có 60% diện tích trồng lúa chất lượng cao. Diện tích cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao cũng phát triển, đạt gần 19.030 ha. Đàn gia súc, gia cầm đều tăng nhanh. Cụ thể, đàn trâu hiện có 24.850 nghìn con; đàn gia cầm gần 39 triệu con; đàn lợn khoảng 1,3 triệu con. 

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn còn không ít hạn chế, bất cập trong tổ chức sản xuất, nhất là khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản cho nông dân. Vì thế, nhiệm vụ trước mắt của ngành là chủ động ứng phó thiên tai, dịch bệnh, tập trung thực hiện thắng lợi sản xuất vụ đông, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng năm 2020. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Chu Phú Mỹ cho biết: Cùng với việc tăng cường kiểm tra đồng ruộng, dự báo, phát hiện và xử lý sớm các dịch bệnh trên cây trồng để không lây lan phát sinh thành dịch, Sở sẽ chủ động phối hợp với các địa phương để điều chỉnh cơ cấu, diện tích gieo trồng, đưa các loại giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh tái đàn, tăng tổng đàn lợn theo hướng an toàn sinh học gắn chặt với phòng, chống dịch bệnh; phát triển nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao và đẩy mạnh phát triển các chuỗi sản xuất, liên kết, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm cung ứng nguồn nông sản chất lượng cho thị trường Thủ đô trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Ngành nông nghiệp sẽ nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi vụ đông, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2020.