Nỗ lực thực hiện tốt hai nhiệm vụ cấp bách

Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tuy nhiên, đúng thời điểm này, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Hà Nội với nhiều ổ dịch tại bệnh viện và trong cộng đồng. Cả hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội đang căng sức xử lý các ổ dịch nhằm nhanh chóng khống chế, ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh, đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản để bầu cử thành công, an toàn, đúng luật định.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử và phòng, chống dịch Covid-19 tại tổ dân phố Chính Trung, thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm). Ảnh: DUY LINH
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử và phòng, chống dịch Covid-19 tại tổ dân phố Chính Trung, thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm). Ảnh: DUY LINH

Nỗ lực "khóa chặt" nguồn lây

Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 29-4 đến sáng 13-5, tại Hà Nội ghi nhận 61 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Theo nhận định của các chuyên gia, tính chất, diễn biến của dịch Covid-19 lần này nguy hiểm và phức tạp hơn những lần trước. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở đã chủ động, quyết liệt, đồng bộ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả, phù hợp diễn biến dịch bệnh. Vào các ngày nghỉ lễ, cuối tuần, lãnh đạo thành phố liên tục đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các điểm nóng như các bệnh viện (BV): Bệnh nhiệt đới cơ sở Kim Chung, K cơ sở Tân Triều, các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín… Các cấp, ngành cùng các đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp, gần 26 nghìn tổ Covid-19 tại cộng đồng đã khẩn trương, quyết liệt rà soát, truy vết, khoanh vùng, kịp thời phát hiện, khử khuẩn, xét nghiệm khẩn trương ngay khi có ca bệnh Covid-19 do lây nhiễm trong cộng đồng, thực hiện cách ly, phong tỏa kịp thời, quyết liệt nhưng không cực đoan; đồng thời khẩn trương phối hợp xử lý các ổ dịch tại hai bệnh viện của trung ương nằm trên địa bàn thành phố. Nhờ thần tốc truy vết, bao vây, xử lý dập dịch kịp thời, đến nay thành phố cơ bản kiểm soát được sự lây nhiễm từ các chùm ca bệnh. Trong đó, đáng chú ý là cách làm sáng tạo, hiệu quả của huyện Đông Anh khi phong tỏa “ba lớp” nhằm “khóa chặt” nguồn lây theo từng mức độ, giảm đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tới hoạt động sinh hoạt và lao động, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, cần được nhân rộng. 

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, nguy cơ phát sinh thêm ca mắc mới trong cộng đồng ở Hà Nội vẫn rất cao từ các mầm bệnh tại Bệnh viện K, các tỉnh lân cận, nhất là những người Hà Nội trở về từ Đà Nẵng sau kỳ nghỉ 30-4, 1-5. Ngày 12-5, thành phố ghi nhận thêm hai ca dương tính với SARS-CoV-2 có tiền sử dịch tễ đến Đà Nẵng trong dịp nghỉ lễ với 150 trường hợp F1, trong đó, có hai trường hợp F1 đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào sáng 13-5. Vì vậy, thành phố tiếp tục nâng yêu cầu chống dịch ở mức cao hơn, yêu cầu các quận, huyện, thị xã dừng hoạt động hội họp không cần thiết, đóng cửa các sân golf, nhà hàng bia, quán bia hơi, giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, siết chặt quản lý chuyên gia, người lao động trong khu công nghiệp, người dân giữ khoảng cách khi giao tiếp tối thiểu là 2 m…

Xây dựng kịch bản bầu cử ở khu vực bị phong tỏa

Vừa nỗ lực ứng phó dịch bệnh, hệ thống chính trị của thành phố tích cực triển khai công tác chuẩn bị bầu cử. Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, đến thời điểm này, các công việc chuẩn bị cho bầu cử diễn ra đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Thành phố đang tiến hành bước thứ 11 trong số 16 bước của  công tác bầu cử. Đến ngày 14-5, sẽ hoàn thành tổ chức hội nghị ứng cử viên đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri. Các hội nghị ứng cử viên HĐND các cấp tiếp xúc cử tri sẽ hoàn thành vào ngày 16-5, theo đúng kế hoạch. 

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cử tri đang bị cách ly y tế, nhiều điểm bầu cử nằm trong khu vực cách ly, phong tỏa. Vậy làm thế nào để bảo đảm quyền lợi của các cử tri thuộc diện này? Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố cho biết: TP Hà Nội đã báo cáo Hội đồng Bầu cử quốc gia về vấn đề này và đã nhận được văn bản vào ngày 8-5. Trên cơ sở đó, Ủy ban Bầu cử thành phố đã hướng dẫn cho các quận, huyện, thị xã tổ chức điểm bỏ phiếu lưu động và xây dựng các kịch bản cho ngày bầu cử với nhiều tình huống như: tổ chức bầu cử cho những người đang cách ly tại nhà; cách ly tại khu cách ly tập trung, bệnh viện, những khu vực bị phong tỏa hoặc giãn cách xã hội. MTTQ và Ủy ban Bầu cử sẽ rà soát lại danh sách cử tri ở các khu nhà ở công nhân, khu trọ sinh viên, ký túc xá trường đại học do có nhiều người đã về quê và những nơi liên quan đến dịch bệnh như BV, khu cách ly, khu vực bị phong tỏa.

Theo đó, những người đang cách ly tập trung theo diện F1, kể cả những người là F0 đang điều trị tại các bệnh viện cũng được thực hiện quyền bầu cử theo luật định. Tuy nhiên, 24 giờ trước ngày bầu cử, Ủy ban Bầu cử cấp xã sẽ rà soát, cập nhật lại danh sách cử tri. Đối với các bệnh viện đang phong tỏa, hòm phiếu lưu động sẽ được đưa đến tận bệnh viện để cả bệnh nhân cũng được bỏ phiếu. Thí dụ như BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 nằm tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) thuộc đơn vị bầu cử huyện Đông Anh, các cử tri là bệnh nhân tại BV sẽ được ghép vào đơn vị bầu cử của huyện Đông Anh. Thành viên các tổ bầu cử được tập huấn rất kỹ về nghiệp vụ công tác bầu cử, về kiến thức, quy định trong phòng, chống dịch Covid-19.

Tại hội nghị trực tuyến của Thường trực Thành ủy Hà Nội với UBND thành phố, Ban Chỉ đạo thành phố về phòng, chống dịch Covid-19, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, càng trong điều kiện dịch bệnh, khó khăn, càng phải đoàn kết, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Bí thư cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, đơn vị phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, với các giải pháp phù hợp từng địa bàn. Ủy ban bầu cử các cấp chủ động xây dựng phương án, biện pháp cụ thể để tổ chức bầu cử tại những khu vực bị cách ly, phong tỏa, cũng như các biện pháp phòng dịch hữu hiệu ở các điểm bỏ phiếu. Cùng với công tác phòng, chống dịch, bầu cử, các ngành, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.