Nỗ lực giữ địa bàn Thủ đô an toàn

Bài 3: Bảo đảm sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chính quyền thành phố Hà Nội cùng cộng đồng doanh nghiệp, người lao động đã nỗ lực để bảo đảm vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, về cơ bản, chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu được duy trì tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tổng Công ty May 10 vừa tập trung phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: DUY LINH
Tổng Công ty May 10 vừa tập trung phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: DUY LINH

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, quận Hoàng Mai là một điểm nóng của Hà Nội với hơn 370 ca nhiễm. Trên địa bàn có  300 đơn vị doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, quận đã phối hợp các doanh nghiệp thành lập các “vùng xanh doanh nghiệp”.

Không để đứt gãy sản xuất

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp phụ trợ Ichi Việt Nam Phạm Hoàng Long cho biết: Để giữ được “vùng xanh doanh nghiệp”, chúng tôi chú trọng kiểm tra, kiểm soát người lao động, bảo đảm tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. Người lao động phải chấp hành đúng yêu cầu “một cung đường hai điểm đến”.

Tại Cụm công nghiệp Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ), các doanh nghiệp đều phải lập danh sách chi tiết nơi cư trú của người lao động. Người cư trú trên địa bàn huyện thì thực hiện phương án “một cung đường hai điểm đến”, nếu cư trú ngoài địa bàn huyện thì buộc phải thực hiện “ba tại chỗ” tại doanh nghiệp.

Triển khai các giải pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất cũng là nhiệm vụ mà Ban Quản lý các khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn trong suốt các đợt dịch Covid-19 vừa qua. Hiện tại, thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng số 4.169 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, tổng số lao động khoảng 62 nghìn người. Trong đó, hơn 1.000 doanh nghiệp quy mô lớn đã xây dựng phương án phòng, chống dịch.

Các hộ sản xuất có quy mô nhỏ thực hiện theo hình thức cam kết với chính quyền địa phương. Phó Trưởng Ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Trần Anh Tuấn cho biết, Ban Quản lý yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất an toàn, sẵn sàng kịch bản duy trì sản xuất trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa, nhà máy trở thành nơi cách ly... Ngoài ra, Ban Quản lý yêu cầu các đơn vị chủ động nguồn hàng, bảo đảm lưu thông thông suốt nhằm cung ứng đầy đủ, kịp thời nguyên liệu, nhiên liệu duy trì hoạt động sản xuất… Hầu hết các doanh nghiệp đều nghiêm túc triển khai, thường xuyên cập nhật khai báo y tế.

Bên cạnh đó, thành phố nỗ lực duy trì sản xuất nông nghiệp để chủ động cung ứng hàng hóa cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tại các vùng sản xuất nông nghiệp, nông dân được tuyên truyền, hướng dẫn về việc duy trì sản xuất bảo đảm an toàn phòng dịch. Nhiều địa phương đã phát phiếu cho người dân luân phiên đi làm đồng, không tập trung đông người tại một khu vực. Huyện Phúc Thọ khuyến khích các địa phương bố trí mỗi xứ đồng một chốt kiểm tra y tế, đồng thời, tăng cường lực lượng hỗ trợ nông dân thu hoạch trong trường hợp cần thiết. Nhờ đó, dù dịch bệnh phức tạp, nhưng tám tháng qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm 2020.

Bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa

Trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội, dù có thời điểm một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa do liên quan tới các ca nhiễm Covid-19, việc vận chuyển gặp khó khăn, nhưng chính quyền địa phương và các đơn vị đã triển khai đa dạng các hình thức cung ứng hàng hóa, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân. Trên địa bàn Thủ đô không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến, nếu có chỉ là tình trạng cá biệt tại một, hai khu vực trong thời gian rất ngắn.

Ngay khi thành phố triển khai giãn cách xã hội, phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa đã được kích hoạt. Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, sau khi ước tính nhu cầu sử dụng 17 mặt hàng thiết yếu của người dân, sở đã đề xuất doanh nghiệp tăng lượng hàng dự trữ lên gấp ba lần với tổng giá trị khoảng 194 nghìn tỷ đồng.

Các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án triển khai điểm bán hàng lưu động trong tình huống dịch Covid-19 phức tạp, sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động đã bố trí, khi các điểm phân phối phải đóng cửa. Chín quận nội đô đã tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến phục vụ nhân dân do trên địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch. Thành phố đã trưng dụng năm địa điểm phù hợp để làm nơi tập kết hàng hóa tạm thời, giảm tải cho các chợ đầu mối.

Để kiểm soát người dân đi mua thực phẩm, các phường, xã, thị trấn tổ chức phát phiếu đi chợ cho các hộ dân. Chị Nguyễn Thị Hồi (ở tổ 17 phường Thạch Bàn, quận Long Biên) đánh giá: “Mỗi gia đình chỉ được cấp một thẻ cho một người ra ngoài mua thực phẩm với tần suất hai, ba ngày/lần. Nhờ vậy, giảm lượng người tới chợ, siêu thị, giúp tôi yên tâm mua sắm hơn”.

Khi có các khu vực bị cách ly, phong tỏa, các quận, huyện, thị xã đều có phương án cụ thể cung cấp nhu yếu phẩm cho nhân dân, bố trí các lực lượng phối hợp đơn vị phân phối trên địa bàn để phục vụ cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân một cách nhanh nhất.

Các hệ thống phân phối đã đẩy mạnh triển khai đa dạng các hình thức bán hàng như bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, tổ chức bán hàng lưu động... để phục vụ nhân dân. Các hệ thống kinh doanh online đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, nhiều đơn vị tăng đến 300% so với thời điểm bình thường.

Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, thời gian qua, siêu thị đã tăng lượng nhân viên phục vụ mua sắm qua điện thoại, đồng thời tiếp nhận đơn đặt hàng qua các ứng dụng như Viber, Zalo... và giao hàng tận nhà. Nhờ vậy, dù có thời gian siêu thị phải tạm đóng cửa, nhưng vẫn tổ chức bán hàng online, đáp ứng nhu cầu của người dân”.

Để bảo đảm lưu thông hàng hóa thiết yếu, Sở Giao thông vận tải huy động 528 xe tải của doanh nghiệp tham gia cung ứng, vận chuyển hàng hóa. Mỗi quận, huyện, thị xã huy động năm xe tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa. Nhờ đó, thị trường hàng hóa tại Hà Nội vẫn ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ngay cả trong những ngày dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng nhất.

TỔ PVTT HÀ NỘI
 

(Còn nữa)

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân các số ra ngày 21, 24/9/2021.