Nỗ lực giữ địa bàn Thủ đô an toàn

Bài 2: Kiểm soát, ngăn chặn dịch hiệu quả 

Là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, trung tâm giao dịch trong nước và quốc tế, TP Hà Nội luôn xác định phải giữ địa bàn an toàn trong mọi tình huống. Thành phố đã chủ động thực hiện các phương án, kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 ở mức độ cao hơn. Đáng chú ý là trong đợt giãn cách lần thứ tư, thành phố dồn tổng lực hoàn thành xét nghiệm diện rộng và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn bộ người từ 18 tuổi trở lên, nhờ đó dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát, là cơ sở để thành phố nới lỏng giãn cách xã hội.

Tiêm vắc-xin cho người cao tuổi tại quận Đống Đa. Ảnh: DUY LINH
Tiêm vắc-xin cho người cao tuổi tại quận Đống Đa. Ảnh: DUY LINH

Đánh giá về kết quả sau bốn đợt thực hiện giãn cách xã hội của thành phố, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu rõ, thành phố đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, đó là kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

Chủ động phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn

Thời gian qua, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực của hệ thống y tế để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh ở mức cao hơn. Quan điểm nhất quán của Hà Nội từ ngày đầu chống dịch đến nay là tất cả F0 đều được chữa trị tại bệnh viện; tất cả F1 đều được cách ly tập trung. Muốn vậy, thì năng lực y tế phải được nâng cao để không xảy ra tình trạng quá tải. Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ các bệnh viện (BV) trung ương, huy động các BV tư nhân trên địa bàn cùng vào cuộc; nâng cao năng lực của tất cả các cơ sở y tế của thành phố.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, từ ngày 27/4 đến nay, thành phố ghi nhận hơn 4.200 bệnh nhân Covid-19, nhưng thành phố đã xây dựng kịch bản dự kiến có tới 40 nghìn ca F0 và đã giao nhiệm vụ cho các cơ sở y tế chuẩn bị phương án này. Hiện nay, các đơn vị đang kích hoạt và vận hành cơ chế có 10 nghìn ca F0, đã bố trí 22.100 giường bệnh để thu dung, điều trị người bệnh thể nhẹ; 2.000 giường điều trị bệnh nhân trung bình và nguy kịch. Ngoài ra, chuẩn bị 118 nghìn chỗ cách ly đối tượng F1, đang vận hành hơn 40 nghìn chỗ..., hiện nay mới sử dụng chưa đến 9% công suất. Thành phố đã lắp đặt, nâng cấp hệ thống ô-xy của 24 bệnh viện thuộc thành phố, bảo đảm đáp ứng yêu cầu điều trị cho người bệnh. Nâng cấp hệ thống y tế tuyến cơ sở; kích hoạt đội ngũ bác sĩ tình nguyện đang công tác tại các BV của thành phố và các tỉnh, thành phố chung quanh, cũng như các y sĩ, bác sĩ về hưu... với hơn 1.000 người tham gia mạng lưới thầy thuốc đồng hành; đã đào tạo, tập huấn cho hơn 300 y sĩ, bác sĩ để tư vấn, hỗ trợ người bệnh.

BV Thanh Nhàn và BV đa khoa Đức Giang là hai cơ sở y tế tuyến cuối điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Trong số này, có khoảng từ 40 đến 50 bệnh nhân đang được can thiệp thở máy, lọc máu, thở ô-xy dòng cao. Một trường hợp đầu tiên được can thiệp ECMO tại BV Thanh Nhàn đã bình phục sức khỏe sau gần 50 ngày nằm viện và đã được xuất viện chiều 17/9, bác sĩ Trần Thị Nhị Hà cho biết.

Thần tốc hoàn thành hai mũi giáp công

Trước diễn biến dịch phức tạp, ngày 8/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND triển khai thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố và tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn. Đến thời điểm đó, ngành y tế Hà Nội mới chỉ tiêm được hơn 2,8 triệu mũi, gồm 2,5 triệu người đã tiêm mũi 1 và hơn 317.000 người tiêm mũi 2. Để hoàn thành khối lượng công việc lớn như vậy trong thời gian ngắn, thành phố đã huy động toàn bộ lực lượng y tế công lập, y tế tư nhân, cùng hệ thống chính trị từ thành phố đến tổ dân phố, khu dân cư cùng vào cuộc triển khai hai nhiệm vụ quan trọng này. Hỗ trợ đắc lực cho ngành y tế Thủ đô những ngày này còn có hơn 4.000 cán bộ, nhân viên y tế của 12 tỉnh, thành phố phía bắc, tổ chức xét nghiệm và tiêm ba ca trong ngày. Tham gia đoàn công tác y tế của tỉnh Phú Thọ hỗ trợ quận Đống Đa và huyện Thanh Trì, bác sĩ Trần Quang Tuấn, trưởng đoàn công tác cho biết, các thành viên trong đoàn xác định lên đường với tinh thần cao nhất để giúp Hà Nội chiến thắng dịch bệnh trong thời gian sớm nhất. Bởi vì bảo vệ Thủ đô an toàn trước dịch bệnh chính là bảo vệ cho cả nước.

Từ ngày 9/9, thành phố bước vào tuần tiêm chủng "thần tốc" với 1.600 dây chuyền tiêm hoạt động tối đa công suất, nhiều cơ sở sáng đèn cả đêm để phục vụ người đến tiêm. Trung bình mỗi ngày, thành phố tiêm được từ 420 nghìn đến 550 nghìn mũi. Ngày cao điểm nhất tiêm được 606 nghìn mũi, gấp 8,4 lần so với số mũi tiêm trong ngày cao điểm nhất của tháng 8/2021 (hơn 72 nghìn mũi). Không chỉ những người dân có hộ khẩu tại Hà Nội, mà người nước ngoài, người tạm trú trên địa bàn đều được tiêm chủng vắc-xin miễn phí để bảo đảm phòng dịch. Tại điểm tiêm của phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, anh Nguyễn Văn Trung cùng vợ là Hà Thị Trang hiện đang thuê nhà ở tổ dân phố số 3, phường Phú Đô cho biết, khi dịch bùng phát, thành phố thực hiện giãn cách, công ty cho nhân viên tạm nghỉ việc, anh chị ở tại phòng trọ chứ không về quê. Khi được cán bộ tổ dân phố phát phiếu thông báo đi tiêm mũi đầu tiên, cả hai vợ chồng đều rất vui. Hy vọng, tiêm xong thì sớm được đi làm trở lại. Tại điểm tiêm chủng của quận Cầu Giấy, anh Robert James Leicester (quốc tịch Australia), là giáo viên Trường tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu chia sẻ: “Tôi thấy việc tổ chức tiêm chủng ở đây khá tốt. Tôi rất biết ơn những nhân viên y tế hết sức giúp đỡ tôi và nhiều người nước ngoài khác vượt qua rào cản ngôn ngữ và tiêm vắc-xin thành công”. Đến hết ngày 18/9, thành phố đã tiêm được hơn 6,4 triệu mũi, trong đó có hơn 5,6 triệu mũi 1, đạt 94,2% số người từ 18 tuổi trở lên. Tổng số mũi 2 là hơn 786 nghìn mũi, đạt 12%.

Về công tác xét nghiệm, từ ngày 8 đến 15/9, thành phố đã lấy tổng số gần 4,2 triệu mẫu xét nghiệm tầm soát y tế, đạt 84% kế hoạch; qua đó, đã phát hiện 21 ca dương tính, kịp thời cách ly, điều trị. Nhờ đó, tình hình dịch được kiểm soát tốt. Số ca mắc trong đợt giãn cách thứ tư giảm mạnh, trung bình mỗi ngày có 27,7 ca mắc, trong ba đợt giãn cách trước ghi nhận trung bình 66,3 ca/ngày. Số ca nhiễm trong cộng đồng còn 2,7 ca/ngày, trong ba đợt giãn cách trước ghi nhận trung bình 19,3 ca/ngày. Số ca chuyển nặng phải chuyển tầng điều trị cũng giảm, tỷ lệ bệnh nhân được chữa khỏi tăng.

Chỉ sau tám ngày "thần tốc" cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, thành phố đã hoàn thành xét nghiệm diện rộng và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn bộ người từ 18 tuổi trở lên, giúp thành phố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từ đó từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội ■

(Còn nữa)

Bài 1: Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc